ClockChủ Nhật, 07/02/2016 14:50

Nhẫn nại nghề chai bao

TTH.VN - “Làm nghề này tuy “mạt hạng” nhưng đâu phải ai cũng coi thường được…”

Những ngày cuối năm, mưa lâm thâm kèm theo cái rét cắt da cắt thịt. Ai ai cũng tập trung lo sắp đặt bàn thờ tổ tiên, lo chuẩn bị thức ăn những ngày Tết… Thế nhưng, trên các nẻo đường, các chị chai bao vẫn rảo bước lo chuyện bán mua bởi những ngày như thế này, họ thường mua được nhiều hàng hóa hơn.

Hàng ngày, tôi có thói quen thức dậy từ tờ mờ sáng để tập thể dục, những người đầu tiên tôi gặp mỗi ngày là các chị chai bao, thường có đến vài ba người dừng lại trước thùng rác công cộng trước, vục đầu vào bới bới tìm tìm lượm lặt đồ phế thải. Dụng cụ là một que sắt dài vừa để cời rác, vừa để gắp những phế liệu có thể tái sử dụng. Lúc không tiện, họ dùng bàn tay trần để bới rác, miễn là nhặt được thứ gì có thể bán được.


Một ngày “may mắn” của chị Hòa

Đoán già đoán non, tôi cũng không thể tưởng tượng ra trong mỗi thùng rác họ nhặt được những gì? Nhân tiện đang muốn tổng kết số giấy báo trong nhà, tôi có cơ hội hỏi thăm chị Hòa, quê ở Thủy Dương: “Giờ này còn loay hoay mua bán thì việc nhà ai lo chị?”. “Phải kết hợp thôi, mỗi ngày tôi sắm sửa một ít. Bận chi thì tối Giao thừa bàn thờ cũng phải tươm tất là được. Mấy ngày này mà nghỉ thì tiếc lắm”.

"Các chị thu mua hay lượm lặt là chính mà từ sáng sớm đã thấy các chị rồi". "Cả hai", chị Hòa trả lời không cần suy nghĩ, rồi lại trầm ngâm: "Làm nghề ni có bao nhiêu cái cần chịu đựng thì phải chịu đựng hết. Dù đi nhặt hay mua thì phải đi càng sớm càng tốt. Nhặt thì từ sáng sớm mới có, mua vào giờ người ta rảnh rỗi. Nắng, mưa chịu khó sẽ giảm bớt cạnh tranh. Lễ, Tết thì coi như thời vụ vì người ta thường tổng vệ sinh nhà cửa và bỏ đi nhiều thứ. Cực khổ không sợ, sợ nhất là chẳng mấy ai mua bán với chúng tôi mà không đề phòng…".

Xuất phát từ cái nghèo, trước đây có người vừa mua, vừa tranh thủ chủ nhà sơ hở trộm vặt nên nhiều người xem nghề chai bao là nghề “thấp hèn”. Họ quen nghe một tiếng gọi chung “Chai bao ơi!” chứ chẳng mấy ai kèm danh từ nhân xưng “cô” hay “bác”.

Với “đồ nghề” đơn giản: một xe đạp cà tàng (thay cho đôi quang gánh), một chiếc cân, vài cái bao và ít tiền lẻ. Hàng ngày lặn lội các nẻo đường, ngõ hẻm… vừa lượm lặt vừa nhẫn nại với tiếng rao để gom đủ thứ thượng vàng hạ cám chai lọ, lon bia, sách cũ, bìa các tông, đồng, nhôm, sắt vụn… về bán lại cho những cơ sở thu mua.

Chị Thảo và chị Mộng quê ở Phú Mậu cho biết: “Hai chị bắt cặp đi mua phế liệu đến nay đã gần 20 năm. Bình quân mỗi ngày mỗi người chia được từ 100 đến 120 ngàn đồng. Nếu sáng mua được nhiều, trưa về bán lại ngay tại các điểm thu mua, không thì phải đợi cuối ngày

Trên hành trình mỗi ngày cũng không thiếu những chuyện vui, buồn. Khi thì vô tình nhặt được vàng hay tiền, khi thì mua được những món hàng giá trị như sách quý, đồ cổ với giá “phế liệu”. Nhưng cũng không ít người từng đối mặt với chuyện “gạ tình” của khách hàng.

Chị Khá ở cồn Hến tâm sự: “Nhiều ông tưởng chúng tôi nghèo nên muốn làm gì cũng được. Vợ vừa quay vào là tìm cách hẹn hò trắng trợn. Làm nghề này vốn tuy “mạt hạng” nhưng đâu phải ai cũng coi thường được”.

Dù còn nhiều khó khăn vất vả, bên gánh nặng mưu sinh, người làm nghề chai bao vẫn ước mơ về cuộc sống no đủ cho gia đình. Liệu họ có thay đổi số phận được hay không? Điều đó chưa thể nói trước, nhưng dẫu sao, họ vẫn là những người lương thiện.

                                                Bài, ảnh: Hương Lan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

18 năm tù cho "hot girl" vận chuyển và mua bán ma túy

Ngày 4/10, Tòa án Nhân dân tỉnh đưa ra xét xử bị cáo Lê Thị Ngọc Hiền (SN 1995, trú tại phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy), làm nghề nail, phạm tội “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” và “Mua bán trái phép chất ma tuý”.

18 năm tù cho hot girl vận chuyển và mua bán ma túy
Return to top