ClockThứ Năm, 31/05/2018 06:00

Nhận thức mới về bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương

TTH - Hội nghị Trung ương 7 (Khóa XII) đã thông qua Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Một trong những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ những năm tới được nghị quyết xác định là triển khai nhất quán chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Đánh giá khách quan trước khi bổ nhiệm cán bộTạo chuyển biến tích cực, mang tính đột phá trong nhận thức và hành độngĐánh giá đúng, chọn đúng người

Hội nghị Trung ương 7 đã nhất trí cao việc ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược. Ảnh: Internet

Vấn đề trên không phải là mới, từng được quy định trong các Quyết định 37, 24 của Đảng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm, chưa đến nơi đến chốn.

Từ thời phong kiến, quy định này cũng đã được áp dụng. Luật “Hồi tỵ” được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông về việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó trong cuộc cải cách nền hành chính quốc gia. Trong bộ Quốc triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có quy định: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.

Đến thời Minh Mạng, Luật “Hồi tỵ” còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới, bao gồm: Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác...; những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy; quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc; quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ; người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ; nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình...

Những quy định từ thời phong kiến đã quy định chặt chẽ đến như vậy, đối tượng và phạm vi áp dụng luật rất rộng, đã tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương chủ nghĩa...

Hiện nay, Luật Phòng, chống tham nhũng có quy định đối tượng và phạm vi áp dụng những quy định của Luật “Hồi tỵ”, tuy nhiên hẹp hơn rất nhiều so với ngày xưa. Khoản 3, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”.

Nguyên tắc “Hồi tỵ” không được thi hành nghiêm túc trong tổ chức bộ máy công quyền: Quan đầu tỉnh đúng ra phải từ nơi khác được bổ nhiệm về để làm nhiệm vụ đại diện cho chính quyền Trung ương và là công bộc của người dân, thì nhiều người địa phương lại được bố trí vào vị trí ấy (trong khi đại biểu Quốc hội lý ra phải chọn người ở địa phương nắm bắt được dân tình, thì lại có nhiều vị được phân bổ từ nơi khác đến ứng cử).

Đến nay, Trung ương đánh giá lại vấn đề, nhận định việc thực hiện quy định bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thời gian qua không đến nơi đến chốn, nhiều nơi không thực hiện, còn để xảy ra sai sót lớn. Tất nhiên, sai sót cũng do nhiều cơ chế chứ không chỉ riêng việc lãnh đạo cấp ủy là người địa phương.

Yêu cầu bí thư cấp ủy không phải là người địa phương lần này sẽ có cơ chế áp dụng chặt chẽ hơn. Trong hoàn cảnh hiện nay, đây là một trong những giải pháp mang tính đột phá, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tham nhũng trong công tác cán bộ, nhất là việc bố trí người thân, người quen, người cùng “cánh” vào vị trí lãnh đạo. Thực tiễn cho thấy, cán bộ không là người địa phương có nhiều ưu điểm và thuận lợi hơn trong công tác, nhất là phòng ngừa rủi ro, ngăn chặn được tình trạng cục bộ, người nhà, người thân, lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng tới công tác cán bộ và điều hành các hoạt động kinh tế- xã hội ở địa phương. Cán bộ tại chỗ dù có khách quan, có muốn liêm khiết, đôi khi cũng khó thực hiện vì bị tác động bởi các mối quan hệ sẵn có.

Lâu nay, địa phương nào thì cán bộ địa phương đó, ngành nào sử dụng cán bộ ngành đó. Tất nhiên, cán bộ địa phương sẽ hiểu được tình hình sâu sát hơn, nhưng có nhược điểm là bị nhiều chi phối khác từ cục bộ địa phương, có bà con, họ hàng, bạn bè ảnh hưởng, chi phối việc đề bạt, đề cập, tổ chức, sắp xếp cán bộ thường hay thiên vị. Do đó, đưa cán bộ nơi khác đến thì có điều kiện khắc phục điểm này, nó khách quan hơn. Thực hiện được điều đó sẽ giúp giảm bớt mặt yếu tồn tại lâu nay trong công tác cán bộ.

 Bí thư cấp ủy tỉnh và huyện không phải là người địa phương là một chủ trương lớn của Đảng. Chúng ta đón nhận nghị quyết của Trung ương với nhận thức và quyết tâm mới, nhưng cần bám sát sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương và có lộ trình khoa học, hợp lý mới mong có thể triển khai tốt công tác cực kỳ quan trọng này trong nhiệm kỳ đến.              

PHAN LÀNG VÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác

Với Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quảng Điền, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cụ thể hóa vào công việc thường nhật, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và chuyên môn được giao.

Thay đổi mạnh mẽ nhận thức, hành động từ học Bác
Kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức cho cộng đồng

Hàng chục cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm đã và đang được kiểm tra, nhắc nhở dịp tết. Bên cạnh ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, cơ quan chức năng còn chú trọng nâng cao nhận thức an toàn thực phẩm cho người kinh doanh, người dân…

Kiểm soát an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức cho cộng đồng
Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS

Đó là một trong những nội dung phát động tại lễ mit tinh và diễu hành hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" diễn ra chiều 29/11 tại huyện Phong Điền. Hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của các ban ngành, học sinh trên địa bàn.

Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV AIDS
Return to top