ClockThứ Năm, 01/05/2014 05:29

Nhân vật Võ Khoa và sắc phong quý thời Hàm Nghi

TTH - Tại nhà thờ họ võ tá - 137 đường ông ích khiêm, phường Thuận Thành, TP Huế, đoàn nghiên cứu đã tiếp cận được nhiều tư liệu quý, trong đó có bản sắc phong thời Hàm Nghi liên quan đến nhân vật lịch sử võ khoa.

 

Rường cột đại khí quốc gia

 

Trong hòm bộ còn lưu giữ nhiều văn bản Hán Nôm rất có giá trị như gia phả, văn bằng. Trong số 15 chế phong, có một chế phong đặc biệt quý hiếm thời vua Hàm Nghi (Hàm Nghi nguyên niên - 1885 - ngày 16 tháng 8), ban cho ông Võ Khoa. Chế phong được bảo quản cất giữ rất chu đáo, nội dung, chất liệu và hình thức còn nguyên vẹn.

 

Hộp đựng sắc phong còn nguyên hình ảnh hoa văn. Ảnh: M. Hiếu

 

Bước đầu tạm dịch nghĩa như sau:

 

Vâng trời mở vận, Hoàng đế ban chế rằng:

 

Trẫm nghĩ:

 

Việc lập chính sự, nên dùng người theo cách cất nhắc cũng như khảo xét công lao theo điển lệ. Tùy theo tài năng mà đặt người đúng chỗ, thì phải biểu dương người có đức hạnh, tài năng để trị việc. Kìa ngươi, Võ Khoa giữ chức Trước tác quyền Tá lý bộ Hộ, văn học đầy đủ, tài năng đáng khen. Vừa mưu lược, vừa siêng năng, vừa biết giữ mình, phương sách chính trị như thế là thích hợp. Lại thanh liêm, lại cẩn thận, lại chuyên cần, việc làm quan như thế là phải đạo. Ngươi là vị quan mẫn cán xứng đáng được tuyên dương tại triều đình. Nay đặc biệt thăng bổ cho ngươi giữ chức Phụng nghị đại phu, Hồng lô tự Thiếu khanh, [nhưng vẫn giữ chức] Tá lý. Ban cho cáo mệnh, những mong chẳng quên chức trách của mình, hãy gắng sức chuyên cần trong công việc. Hãy kính cẩn tuân mệnh, mãi chẳng quên ân điển lớn lao.

 

Hãy tuân theo!

 

Hàm Nghi năm đầu (1885), tháng 8, ngày 16.

 

Theo gia phả họ Võ Tá, cụ Võ Khoa (Vũ Khoa) sinh ngày 15 tháng 10 năm Ất Dậu, đỗ Tú tài các năm Thiệu Trị năm thứ 6, 7 và Tự Đức năm đầu. Năm 28 tuổi (Tự Đức thứ 5, Nhâm Tý), đỗ Cử nhân. Ban đầu được phong chức Nội các Biên tu, sau đó là Huyện phủ, Ngự sử, Chưởng ấn, Biện lý bộ Hộ, Thị lang bộ Hộ, Bố chánh các tỉnh Quảng Nam, Sơn Tây, Nam Định. Năm 53 tuổi làm Tuần phủ Quảng Bình, Quảng Trị… Năm Hàm Nghi nguyên niên, sung Cơ mật Thừa biện hơn một tháng, Tá lý sự vụ bộ Hộ 5 tháng. Sau đó không theo vua Hàm Nghi xuất bôn nên được cử làm Khâm sai Nghệ An, thăng Hồng lô Tự khanh rồi lãnh chức Tuần phủ Hà Tĩnh… Niên hiệu Thành Thái thứ 3, ông 67 tuổi, bệnh được về quê hưu trí.

Theo những chế phong chúng tôi số hóa tại nhà thờ họ Võ Tá, các triều đại vua nhà Nguyễn đánh giá ông rất cao, được ban khen: “Là bậc nho nhã gương mẫu, hiên ngang tài cán, lại rộng lượng giản dị, ôn hòa mà lễ phép, có tài văn học xuất sắc, tài chính sự vận dụng luôn thích đáng. Trải các triều vẫn luôn gắng sức chuyên cần, chăm chắm một lòng giúp rập… đáng được thăng Gia nghị Đại phu, Thị lang, nhưng lãnh Tuần phủ Hà Tĩnh”. (Chế phong năm Đồng Khánh nguyên niên, tháng 6, ngày 24) Đến năm Đồng Khánh thứ 3, lại được nhà vua ban chế ngợi khen: “Ngươi là người có tài năng to lớn, là rường cột đại khí của quốc gia. Đã trải qua các chức vụ quan trọng từ quận huyện đến triều đình, có tiếng tăm hơn hẳn đồng liêu; liên tục được ban tặng nơi miếu đường, nghi thức rạng rỡ vẻ vang, lại là người cần cù trong công việc, rất được kính trọng. Đến nay có cơ hội, nên mọi việc đều phải coi trọng nghi thức, khảo xét đến công lao. Lại thêm ngươi là người thanh liêm giản dị, đáng được giao cho việc phụ giúp chính triều. Nay đặc biệt cho ngươi được thăng chức: Tư thiện Đại phu, Binh bộ Thượng thư, kiêm Đô sát viện Hữu đô ngự sử Tổng đốc”. (Chế phong năm Đồng Khánh thứ 3, tháng Giêng, ngày mùng 7). Ông lại còn được vua Kiến Phúc (Giản tông Nghị hoàng đế) khen là: “Vua ngự ở tiện điện nghe chính, cho vời Vũ Khoa yên ủi rằng: “Ngươi là người kỳ cựu, vốn có tiếng am hiểu tài cán” (Đại Nam thực lục, tập 9).

 

Năm Thành Thái thứ 9 (Đinh Dậu), ngày mùng 9 tháng 2 ông mất. Lăng mộ tại thôn Dương Xuân thượng, xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, sau đàn Nam Giao, đường vào chùa Phổ Tế (nay thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế. Hàng năm, vào ngày kỵ, ông Võ Phước, một nhánh của phái Tả gọi ông Võ Khoa bằng cụ cố cùng con cháu tổ chức giỗ rất chu đáo để tưởng nhớ.

 

Phát hiện đầu tiên về chế phong thời Hàm Nghi

 

Ông Phạm Xuân Phượng, Chủ trì Dự án, đề tài sưu tầm, số hóa tài liệu Hán - Nôm cho biết: “Trong 6 năm triển khai công tác ở các làng, dòng họ, phủ và gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là lần đầu tiên phát hiện chế phong thời Hàm Nghi. Trao đổi với các đồng nghiệp đã triển khai chương trình này ở các tỉnh phía Nam và trực tiếp tham gia ở Hà Tĩnh trong những năm qua, sắc phong và chế phong thời Hàm Nghi hầu như chưa gặp. Ngày 19 tháng 4 năm 2014, khi đoàn tiến hành số hóa tài liệu (có nhiều tài liệu quý, hiếm) của một gia đình (xin không viết tên người chủ sở hữu tài liệu là người hiểu biết khá rộng) ở chợ Cống – Huế, ông cho biết: Có người đã hỏi ông tìm mua sắc phong, chế phong thời vua Hàm Nghi với giá rất cao. Ngày, tháng, năm vua Hàm Nghi ban chế phong trong hoàn cảnh lịch sử đầy biến động của dân tộc Việt Nam, nên giá trị lịch sử, văn hóa và mức độ quý hiếm của chế phong này rất đặc biệt

 

Theo sử liệu, đêm 22 rạng 23 tháng 4 âm lịch (tức 5, 6 tháng 7 năm 1885), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, vì thấy người Pháp ngang ngược, khinh mạn nên quyết định đem quân tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá nhưng thất bại và phải hộ giá vua Hàm Nghi ra vùng Tân Sở (Quảng Trị), rồi về Tuyên Hóa (Quảng Bình). Tại Tân Sở, vua Hàm Nghi tuyên hịch Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi dậy chống Pháp giành độc lập.

 

Trong hoàn cảnh nước sôi, lửa bỏng, vận mạng đất nước cũng như của cá nhân nhà vua có thể nói là “ngàn cân treo sợi tóc”. Thế mà, vua Hàm Nghi vẫn chú trọng ghi nhớ công lao của những bậc hiền tài, thanh liêm, chính trực của đất nước ban chế phong (ngày 16/8/1885) để đề cao, ca ngợi ông Võ Khoa, đúng là di sản tinh thần để lại cho các thế hệ sau.

N. CƯƠNG - T. PHƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top