ClockThứ Bảy, 13/05/2017 14:12

Nhập siêu tăng gây áp lực lớn lên tỉ giá năm 2017

Sức ép nhập siêu gia tăng khiến cầu ngoại tệ tăng, điều này đang gây sức ép lớn lên tỉ giá. Các chuyên gia của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp theo với mục tiêu nâng lên mức 3% vào cuối năm 2019, tỉ giá có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn.

Bước đi nào cho tỉ giá?

Các chuyên gia phân tích của UBGSTCQG dự báo trong năm 2017, tỉ giá chịu áp lực lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu gia tăng (dự báo cán cân thương mại có thể thâm hụt ở mức tương đương 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Dự báo cán cân thương mại có thể thâm hụt ở mức tương đương 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu

Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ và yếu tố quốc tế tiếp tục hỗ trợ làm giảm áp lực lên tỉ giá. Cụ thể: (nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (mua bán sát nhập) và FDI tăng mạnh. Thứ hai, chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp, giảm áp lực đáng kể lên tỉ giá VND/USD. Thứ ba, việc FED tăng lãi suất trong ngắn hạn cũng chưa gây áp lực đối với tỉ giá do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (hiện đang ở mức 5,2%).

Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp theo với mục tiêu nâng lên mức 3% vào cuối năm 2019, tỉ giá có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn. Đặc biệt là xu hướng mất giá mạnh của đồng NDT sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỉ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỉ USD trong năm 2016. Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế 2017, các chuyên gia Ngân hàng HSBC dự báo cuối năm nay, tỉ giá USD/VND sẽ ở mức 23.200 và tỉ giá này sẽ được giữ nguyên cho tới cuối năm 2018.

Trước đó, trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Điều hành tỉ giá là một bài toán khó đối với bất kỳ NHTƯ nào trên thế giới, nhưng đối với chúng ta còn khó hơn rất nhiều vì ở trong nước tình trạng đô la hóa vẫn còn. Trên thực tế, những biến động về tỉ giá không đơn thuần chỉ do các yếu tố về kinh tế mà còn do cả yếu tố tâm lý và kỳ vọng. Tâm lý kỳ vọng không được kiểm soát tốt sẽ dễ dàng gây tâm lý găm giữ ngoại tệ”.

Kì vọng FED tăng lãi suất, nợ xấu tạo thách thức trong ổn định lãi suất

UBGSTCQG nhận định việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn 2016. Ba nguyên nhân chính là do: Thứ nhất, kỳ vọng về lạm phát và tỉ giá gia tăng khi Fed dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Thứ hai, nợ xấu chưa được xử lý triệt tiếp tục là rào cản lớn cho hạ mặt bằng lãi suất. Do đó, lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái (năm 2016, lãi suất huy động bình quân tăng 0,37 điểm %).

Thứ ba, các TCTD tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ 1.1.2018. Thứ tư, để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay như trong năm 2016 (lãi suất cho vay bình quân chỉ tăng khoảng 0,1 điểm %), cần đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống TCTD. Động thái chính sách gần đây cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ thông qua Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu TCTD, và hoàn thiện cơ cấu nhân sự cho quá trình này.

“Thêm vào đó, cần giữ chênh lệch lãi suất USD và VND ở mức hợp lý: với kỳ vọng lạm phát trung bình ở mức 4%, kỳ vọng tỉ giá tăng 2-4%, hiện tại lãi suất huy động phổ biến (trên 12 tháng) xung quanh mức 7% vẫn đảm bảo có lợi cho VND. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất cho vay USD và VND khoảng 5,2%, lợi ích nghiêng về vay bằng VND”, chuyên gia của UBGSTCQG cho biết.

Lạm phát bình quân 4 tháng đầu năm 2017 ở mức khá cao (tăng 4,8% so với cùng kỳ). Theo đó, lạm phát tăng mạnh trong tháng 1 (tăng 5,22% so với cùng kỳ năm 2016) nhưng đã có xu hướng giảm dần từ tháng 2 (tháng 2: Tăng 5,02%, tháng 3: Tăng 4,65% và tháng 4: Tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước). Lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức ổn định (4 tháng đầu năm lạm phát cơ bản tăng 1,62% so với cùng kỳ 2016). Nguyên nhân lạm phát 4 tháng đầu năm tăng chủ yếu do nhóm giao thông tăng 10,1% so với cùng kỳ; và cũng do chịu tác động một phần của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình tại một số tỉnh, thành (giá dịch vụ y tế và giáo dục 4 tháng đầu năm 2017 tăng lần lượt 67,36% và 10,09% so với cùng kỳ năm 2016).

Theo Lao động

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lớn lên từ gánh bánh của mạ

Vào miền Nam công tác lần này, tôi cùng bạn đang thưởng thức các món ăn của miền sông nước, bỗng nghe thấy tiếng rao khắc khoải "bánh bèo, ai bánh bèo không?".

Lớn lên từ gánh bánh của mạ
Cháu Phát mong lớn lên không bị dị tật

Sức khoẻ, sức học của cháu Phan Duy Phát, học sinh lớp 4/1, Trường tiểu học Đông Hiền, huyện Phong Điền đang ngày càng giảm sút vì căn bệnh viêm xương tuỷ.

Cháu Phát mong lớn lên không bị dị tật
Return to top