Thế giới

Nhật Bản lo ngại khi tỷ lệ sinh tiếp tục giảm mạnh năm thứ 7 liên tiếp

ClockThứ Ba, 20/12/2022 15:41
TTH.VN - Theo nhiều dự báo, tỷ lệ sinh của Nhật Bản sẽ tiếp tục rơi xuống mức thấp kỷ lục, với khả năng chỉ có chưa tới 800.000 công dân mới chào đời trong năm 2022. Dù chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính nhiều hơn để đảo ngược xu hướng, nhưng nhiều bậc cha mẹ nói rằng việc có con vẫn còn quá tốn kém, vượt ngoài khả năng của họ.

Nhật Bản: Số ca sinh đạt mức thấp kỷ lụcNhật Bản: Lo ngại tỷ lệ sinh giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19Nhật Bản: Tổng số ca sinh đạt mức thấp nhất trong 30 nămNhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là các quốc gia an toàn nhất để sinh con

Ước tính trong năm 2022, Nhật Bản chỉ đón chào chưa tới 800.000 trẻ sơ sinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Cô Katahira Kazumi, mẹ của một đứa trẻ 4 tuổi, cho biết: “Chúng tôi đang sống bằng cách cắt giảm tiền tiết kiệm của mình… Đứa con thứ hai là điều không tưởng đối với chúng tôi”.

Cô Katahira đã giảm giờ làm để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và đã lên kế hoạch sinh ít nhất hai con. Nhưng sau nhiều năm điều trị hiếm muộn tốn kém, cô nói rằng họ không đủ khả năng để có một gia đình nhiều thành viên hơn nữa.

Tiếp tục xu hướng giảm

Nhật Bản đã chứng kiến mức sinh thấp kỷ lục trong 6 năm qua. Vào năm 2021, chỉ có 811.622 đứa trẻ được sinh ra - mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận từ năm 1899.

Và con số năm nay có thể còn giảm xuống dưới cả mức thấp kỷ lục của năm ngoái. Bộ Y tế Nhật Bản cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, chỉ có khoảng 599.000 trẻ sơ sinh được sinh ra - thấp hơn 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Rõ ràng, sự suy giảm tỷ lệ sinh đang diễn ra nhanh hơn so với dự đoán của các chuyên gia nhân khẩu học vào năm 2017, khi Viện Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia dự báo số ca sinh ở Nhật Bản sẽ không giảm xuống dưới 800.000 trẻ/năm cho đến năm 2030.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu mô tả tình hình hiện nay là “rất nguy cấp”. Theo ông, có nhiều yếu tố đang cản trở người dân kết hôn, cũng như nuôi dạy con cái, nhưng chính phủ sẽ thực hiện các bước để cải thiện tình hình.

Yếu tố tài chính

Trong những thập kỷ gần đây, người Nhật đã chọn kết hôn muộn hơn và sinh ít con hơn, một quyết định có chủ đích chủ yếu do những lo ngại về tài chính.

Một cuộc khảo sát năm 2021 với 5.800 cặp vợ chồng đã kết hôn cho thấy họ muốn có nhiều con hơn so với kế hoạch thực tế.

Theo thống kê, phụ nữ Nhật Bản dự kiến sẽ có trung bình 1,3 con trong suốt cuộc đời, trong khi để có dân số bền vững, họ cần phải có 2,1 con.

Hơn một nửa số người được hỏi viện dẫn lý do tài chính cho quyết định không sinh thêm con.

Được biết, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sẽ hỗ trợ thêm 80.000 yên (592 USD) cho các cặp vợ chồng mới sinh con khi nước này tìm cách ngăn chặn sự sụt giảm đáng báo động về tỷ lệ sinh trên toàn quốc.

Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình cho rằng điều đó là không đủ để thuyết phục các cặp vợ chồng sinh con khi họ đang phải vật lộn với chi phí tăng chóng mặt và tiền lương không ổn định.

Hiện tại, các cặp cha mẹ ở Nhật Bản nhận được khoản hỗ trợ một lần trị giá 420.000 yen khi một đứa trẻ được sinh ra. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã đề xuất tăng con số đó lên 500.000 yen và số tiền mới sẽ được áp dụng vào đầu năm tài chính tiếp theo, tức từ ngày 1/4/2023.

Theo ông Matsuda Shigeki, Giáo sư Xã hội học tại Đại học Chukyo, “Nhật Bản đã mở rộng các biện pháp để đối phó với tỷ lệ sinh thấp trong nhiều năm qua, nhưng các nỗ lực đó vẫn chưa đạt đến mức có thể thuyết phục mọi người yên tâm để sinh con và nuôi con”.

Những năm gần đây, người Nhật sinh ít con hơn, do những lo ngại về tài chính. Ảnh: AFP/TTXVN

Một mô hình thành công

Tuy vậy, câu chuyện ở Nagi thuộc tỉnh Okayama, miền tây Nhật Bản lại đang mang đến những tín hiệu tích cực. Thị trấn 5.700 cư dân này đã đầu tư rất nhiều trong hai thập kỷ qua để giúp các bậc cha mẹ chi trả cho các dịch vụ trước khi sinh và trong quá trình chăm sóc con cái.

Năm 2019, tỷ lệ sinh ở Nagi đạt 2,95, vượt xa mức trung bình quốc gia là 1,36.

“Thật dễ dàng để nuôi dạy con trẻ ở thị trấn này. Tôi đang nghĩ đến việc sinh con thứ ba”, một phụ nữ địa phương chia sẻ. Nagi tự quảng cáo là nơi thân thiện với gia đình để thu hút cư dân mới.

Thị trấn này đã cấp cho các bậc cha mẹ 100.000 yen, tương đương khoảng 720 USD, cho mỗi đứa trẻ được sinh ra. Thị trấn cũng hỗ trợ điều trị sinh sản, cung cấp 1.400 USD mỗi năm cho trẻ trong vòng 5 năm. Ngoài ra, tất cả các chi phí y tế cho cư dân từ độ tuổi trung học trở xuống đều được đài thọ. Bữa trưa ở trường tiểu học và trung học cơ sở cũng đều được trợ cấp.

Ông Moriyasu Eiji, một quan chức của Nagi, cho biết nỗ lực này đã được đền đáp, tạo ra một cộng đồng tập trung vào việc thúc đẩy thế hệ kế tiếp.

“Các kế hoạch hỗ trợ cha mẹ mới được xem như sự sống còn của thị trấn… Thực hiện các biện pháp để chống lại sự sụt giảm tỷ lệ sinh cuối cùng sẽ góp phần mang lại hạnh phúc cho người già và những cư dân khác”, ông nói.

Với mô hình này, các bậc cha mẹ như Katahira cho rằng cả nước nên học tập tấm gương của Nagi.

“Nếu xã hội có thể khiến việc sinh con trở thành điều tự nhiên, tôi nghĩ ý tưởng trở thành cha mẹ sẽ hấp dẫn hơn đối với những người trẻ tuổi”, cô Katahira nói.

Hỗ trợ của chính phủ 

Trước mối lo ngại lớn về xu hướng sụt giảm nghiêm trọng tỷ lệ sinh, Thủ tướng Kishida Fumio cũng đã cam kết tăng cường hỗ trợ của chính phủ. Thủ tướng cho biết muốn tăng gấp đôi ngân sách cho việc hỗ trợ chăm sóc trẻ em, bao gồm cả việc cấp thêm tiền cho những người mới làm cha mẹ.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Kishida thông báo chính phủ Nhật Bản sẽ hỗ trợ tài chính tương đương khoảng 700 USD để giúp đỡ các phụ nữ khi mang thai, và thêm 600 USD khi sinh con. Khoản tiền này sẽ được bổ sung thêm vào khoản hỗ trợ 3.100 USD mà các bậc cha mẹ mới hiện đang nhận được.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ NHK)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Nhật Bản: Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20% tổng số hộ gia đình vào năm 2050

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản cho biết, đến năm 2050, 10,8 triệu người cao tuổi ở nước này sẽ sống một mình, chiếm 20,6% tổng số hộ gia đình, đánh dấu sự gia tăng kể từ năm 2020, khi chỉ 7,37 triệu người già - tương đương 13,2% tổng số hộ gia đình, sống một mình.

Nhật Bản Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20 tổng số hộ gia đình vào năm 2050
Return to top