ClockThứ Ba, 22/06/2010 07:31

Nhặt chữ tình trên lời của lá

TTH - “Lời của Lá” là tập thơ mới của nhà thơ Lê Viết Xuân, do NXB Thuận Hóa ấn hành tháng 9.2009. Bìa sách trang nhã, đẹp khiến chúng ta có cảm giác mình đang cầm trên tay một chiếc lá thơ xanh.

Lần giở bên trong, bắt gặp ở chỗ gấp trang bìa 2, có những dòng nhận xét của cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng “ Người làm thơ vì cái chí, thơ thường ở trên núi cao. Người làm thơ vì cái tâm, thơ thường ở giữa mọi người. Lê Viết Xuân làm thơ vì chính cái tâm của anh, một cái tâm lành không thể đôn hậu hơn”. Bên trong nữa là những dòng mặc khải của tác giả: “Từ xúc động về những vùng đất đã đi qua, những rung cảm từ cuộc sống muôn màu hàng ngày bắt gặp, Lời của Lá là tập thơ thứ sáu của một người làm thơ trong lặng lẽ của bốn mùa. Xin gửi đến bạn đọc với mong muốn được sẻ chia”...

Tất cả, như để dẫn dắt người đọc nhận ra rằng chúng ta đang đứng trước biên vực của một tấm lòng thơ, ở đó sự xúc cảm đang dâng trào lên những tầng lời cũng chỉ có một mục đích dung dị cuối cùng đó là chia sẻ.
 
Có những người thích phân biệt có hai loại lời nói, lời khô và lời ẩm, thì “Lời của Lá”, tách biệt khỏi những lời đó, nó ăm ắp lời tình. 54 bài thơ trong tập nhất quán một chữ tình, dẫu đó là ánh mắt nhìn đời bằng chữ tâm hay là nỗi lòng trước nhân tình thế sự. Nhà thơ đã xác định rằng cái cuối cùng cho một chuyến làm người là nhân nghĩa ở đời, và đó chính là “của để dành”:
 
Giá trị đâu chỉ thang bậc thấp cao
Mà ở tấm lòng biết sẻ chia cùng đồng loại
Phù du thôi chẳng có gì mãi mãi
Mãi mãi còn là nhân nghĩa thuỷ chung
 
Chính vì mang “tấm lòng biết sẻ chia đồng loại” ấy mà tác giả đã bao nhiêu lần trăn trở trong thơ, ngay cả trước một nụ cười bá        n mua của cô gái làng chơi. “ Nụ cười” là một bài thơ xúc động của niềm đau xót và vượt thắng. Nụ cười ấy, tiếng cười ấy như là một nỗi ám ảnh khôn cùng: “ Nụ cười như thể ai xui/ cứ như ma ám thoắt vui thoắt buồn... Cười như tỉnh, cười như say/ Cười từ ánh mắt đến tay người cầm”.
 
Chính ám ảnh ấy, khiến nhà thơ nhận ra chữ Nhân đang thức dậy “Lẽ nào làm kẻ nhẫn tâm/Mua vui mua cả khóc thầm của em”. Bài thơ có câu kết tâm hoa và điều đó là làm bật lên sự lục vấn của lương tri thời cuộc. Người ta mua tất cả bằng tiền, vì tiền mà chà đạp lên những thân phận yếu đuối, còn nhà thơ, làm sao mua nổi, làm sao đang tâm làm nổi? Cái đẹp, suy cho cùng là tấm lòng. Thơ của tấm lòng, suy cho cùng là nhận chân nỗi đau và biết trân trọng phẩm giá con người. Thơ của Lê Viết Xuân là vậy.
 
Bàng bạc trong “Lời của Lá” là những buồn vui trăn trở, những trớ trêu, những nỗi mình nỗi người.
 
Trước hết là cái đa mang cố hữu của người làm thơ, đến mức, đêm nằm đếm cả giọt mưa rơi trên lá như đếm nỗi lòng mình: “ Đêm nằm đếm giọt mưa rơi/ Giọt dài, giọt ngắn, giọt vơi, giọt đầy/ ... Giọt nào hèn, giọt nào sang/ Giọt nào trái, giọt nào ngang...giọt nào/ Giọt cay đắng, giọt ngọt ngào/ Có bao nhiêu giọt thấm vào trong tôi...” Đếm để rồi “ Thương em lỡ chuyến đò ngang/ Đêm hôm khuya khoắt mưa ràn rụa rơi”...(Đếm mưa). Trái tim đa cảm của thi sỹ tức cảnh rung lên cả khi xem pháo hoa trong “ Đêm xứ bạn”: “Nhìn hoa nở, chợt chạnh lòng/ Mua vui thiên hạ mình không còn gì/ Xác tan khi độ xuân thì/ Còn hồn gửi gió mang đi phương nào”. Và đáng quý hơn là những cộng cảm lương tri luôn thức dậy. Như những lời nhắn nhủ này “ Giàu sang và quyền lực/Không màu và không hương/ Thế mà say đến mức/ Về quê chẳng nhớ đường” (Say). “ Chuyện chẳng đâu mà ầm ĩ/ Hết quan rồi lại hoàn dân/ Người ơi có buồn không nhỉ/ Sống mà quên mất chính danh” (Chính danh).
           
Cứ thế, “Lời của Lá” là lời của dung dị mà đắm đuối, chân chất mà trữ tình, đầy nhắn nhủ với sự chiêm nghiệm nhân tính. Tất cả những thức nhận được diễn tả bằng lời thơ bình dị làm nên một cứu cánh tình của thơ, điều đó là đáng quý, như anh từng chiêm nghiệm: “ Bởi một điều giản dị/ Đâu chỉ sống cho mình”...(Lời của Lá)...
                                                                                                            Kim Thư
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top