ClockThứ Hai, 20/10/2014 11:23

Nhất nghệ tinh...

TTH - Với chủ đề “Kỹ năng nghề - Giá trị đích thực của chúng ta”, Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ X năm 2014 do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 19 đến 29-10 tại Hà Nội, thu hút 293 thí sinh đến từ 10 quốc gia trong khu vực ASEAN, được dư luận quan tâm, nhất là trong bối cảnh “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay.

Nước ta có rất nhiều nghề, khó mà kể hết. Có nghề hiện vẫn còn tồn tại, phát triển, nhưng có nghề đã thất truyền bởi nhiều lý do khác nhau. Theo sử sách xưa, trong xã hội đã có thợ bách tác (làm trăm thứ). Thời Pháp thuộc có trường dạy bách nghệ (dạy trăm nghề). Ngay ở Huế, Trường Kỹ nghệ thực hành (hiện là Trường cao đẳng Công nghiệp Huế) có tuổi đời cả trăm năm. Người xưa vốn rất trọng nghề. Làm nghề gì mà giỏi, có tâm với nghề thì ở đâu cũng được xã hội và mọi người trân trọng, tôn vinh. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”- đó là đúc kết từ bao đời của cha ông ta.

Thực tế hiện nay, với tâm lý ai cũng con mình học cao, ngưỡng cửa đại học là mục tiêu phấn đấu và kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Học các trường nghề chỉ là giải pháp cuối cùng. Điều này không có gì sai, nhưng đáng tiếc vì kỳ vọng đó, nhiều bậc phụ huynh đã tạo áp lực đối với con em mình trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích và sở trường. Bên cạnh đó, với việc đào tạo bậc đại học tràn lan, cung vượt cầu, kéo theo hệ luỵ những cô, cậu cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều hơn. Với những lao động “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ” này, các doanh nghiệp rất ngại tuyển dụng, bởi họ thường hay bỏ việc, nhảy việc. Ngay ở Công ty cổ phần Dệt may Huế, vài chục cử nhân chấp nhận học nghề, làm công nhân may; một số còn không khai thật trình độ của mình vì ngại công ty không tuyển dụng. 
Ở góc độ khác, những người thợ Việt Nam vốn nổi tiếng khéo tay. Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo do thợ thủ công Việt Nam chế tác được cả thế giới biết đến. Các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng từng bắt hoặc yêu cầu cống tiến những thợ thủ công Việt Nam qua Trung Quốc. Rất nhiều công trình nổi tiếng trong kinh thành Bắc Kinh vẫn còn in dấu ấn của Nguyễn An, kiến trúc sư người Việt xa xưa. Hiện nay, tuy trình độ khoa học công nghệ nước ta chưa bằng các nước tiến tiến, nhưng qua 7 lần tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN, Việt Nam đã 2 lần xếp thứ nhất, 2 lần xếp thứ nhì, 1 lần xếp thứ 3 và 2 lần xếp thứ tư toàn đoàn.
Tuy nhiên có thực tế cần phải suy nghĩ, rất nhiều lao động Việt Nam dù được đào tạo ở các trường nghề, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Câu chuyện các doanh nghiệp Việt không đáp ứng nổi yêu cầu cung cấp ốc vít cho Samsung; tỉ lệ lao động đáp ứng yêu cầu tuyển dụng quá thấp, nhà đầu tư phải tốn nhiều chi phí đào tạo lại... là minh chứng.
 Đổi mới trong dạy nghề, nhất là việc cập nhật các tiến bộ khoa học là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Bên cạnh đó, rèn luyện ý thức, tác phong lao động công nghiệp cho người lao động cũng là nhiệm vụ song hành. Trình độ tay nghề cao cùng tác phong lao động công nghiệp là chìa khoá hữu hiệu để người lao động mở cánh cửa việc làm, tham gia vào thị trường lao động khu vực và thế giới.      
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top