ClockThứ Ba, 31/08/2021 06:30

Nhiệm vụ quan trọng ở T2 - F0

TTH - Được thành lập từ những ngày đầu có dịch, Khung cách ly T2 (Trường cao đẳng Nghề số 23) có nhiệm vụ tiếp nhận công dân cách ly. Nay, những áp lực, vất vả của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch ở đây lại tăng thêm khi Khung tiếp nhận cách ly tập trung T2 được chuyển thành T2 - F0, nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng.

Đã có 657 công dân hoàn thành thời gian cách lyThêm 4 ca bệnh COVID-19 đều đang giám sát y tế tại nhàKhông để dịch bệnh bùng phát dịp lễ Quốc khánhNam Đông: Sáng tạo các mô hình tự cách ly, giám sát y tế tại nhà

Đội ngũ phục vụ đưa cơm đến cho các bệnh nhân

Siết chặt an ninh

Đội ngũ quản lý, phục vụ khung T2 - F0 có 50 người, gồm lực lượng quân đội và đội ngũ y, bác sĩ.

Ngoài quản lý chung, lực lượng quân đội ở khung T2 – F0 đảm nhận nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh trật tự, phục vụ hậu cần và tuyên truyền để bệnh nhân chấp hành tốt các quy định phòng dịch trong thời gian điều trị. Hiện tại, T2 - F0 đang điều trị cho 192 bệnh nhân mắc COVID-19.

Với nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự cho khung, Trung úy Cao Hữu Thanh (Tiểu đoàn Bộ binh 1) hàng ngày kiểm soát người vào, ra và các vật dụng thiết yếu được đưa vào, ra khỏi khung.

Trung úy Thanh cho biết: Hằng ngày, cơm được đưa từ ngoài vào và cùng rất nhiều vật dụng cần thiết khác cho đội ngũ y tế nên công tác đảm bảo an toàn cho lực lượng đưa cơm, cho người “tiếp tế” các vật dụng, nhu yếu phẩm khác được kiểm soát nghiêm ngặt, nhất là việc phun khử khuẩn luôn phải đảm bảo. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử lực lượng tuần tra, canh gác 24/24 giờ.

Trung úy Hoàng Trọng Vĩnh (Tiểu đoàn Bộ binh 1) làm nhiệm vụ đưa cơm, nước, thu gom rác ở vòng trong cho biết: Nhiệm vụ của chúng tôi là lấy cơm, nước sau đó đưa đến tận cửa phòng cho bệnh nhân. Mỗi phòng có một vị trí đặt cơm, đến giờ, chúng tôi để đó và các bệnh nhân tự ra lấy. Đây là nơi điều trị bệnh nhân nhẹ, dù không trực tiếp tiếp xúc gần với bệnh nhân như đội ngũ y, bác sĩ, nhưng cũng là lực lượng làm việc ở vòng trong nên chúng tôi luôn phải mặc đồ bảo hộ, và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

Bên cạnh việc đưa cơm, nước, các cán bộ chiến sĩ còn kiêm luôn nhiệm vụ thu gom rác đưa đến nơi quy đinh, vệ sinh khu vực ngoài phòng bệnh. Tất cả mọi việc đều phải tuân thủ quy định một cách nghiêm ngặt nhất.

Tuyệt đối không chủ quan

Mỗi ngày, ngoài nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, kiểm soát người, phương tiện, vật chất ra vào khung, đảm bảo hậu cần cho đội ngũ phục vụ, bệnh nhân, Ban quản lý khung T2 – F0 còn tăng cường tuyên truyền, động viên bệnh nhân.

Đại úy Nguyễn Tiến Thành, nhân viên chính trị (Trường cao đẳng Nghề số 23) bộc bạch: Bên cạnh tuyên truyền, nhắc nhở trên hệ thống loa phát thanh để người dân nâng cao ý thức phòng dịch, hay cách phân loại, để rác sinh hoạt cá nhân đúng nơi quy định, tránh lây nhiễm dịch bệnh, chúng tôi cũng thường xuyên động viên bệnh nhân. Bởi họ tham gia điều trị, vừa lo lắng về bệnh tật, lại ở cách ly, không được tiếp xúc với mọi người bên ngoài. Có nhiều bệnh nhân cần các thứ thiết yếu, nhưng sợ làm phiền lực lượng phục vụ nên ngại không yêu cầu, nên chúng tôi cũng thường xuyên hỏi xem các bệnh nhân cần gì không. Nếu cần gì có thể viết giấy để lại ở nơi để cơm, hoặc gọi điện thoại, nhắn tin với đội ngũ quản lý khung, hoặc trao đổi trực tiếp với đội ngũ y tế, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng.

Với kinh nghiệm qua 5 lần nhận nhiệm vụ quản lý khung, Thiếu tá Nguyễn Trung Giang, Trưởng khoa Y dược, Trường cao đẳng Nghề số 23 được tiếp tục giao nhiệm vụ làm Khung trưởng khung T2 – F0.

Đối với Thiếu tá Giang, nhiệm vụ lần này sẽ vất vả, đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nhưng cũng chính từ những khó khăn đó và khi xác định các công dân ở khung đều là F0, “kẻ địch, là những con virut đã hiện hữu, thì sẽ dễ “đánh trận” hơn. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Giang đã siết chặt hơn, đưa các biện pháp phòng dịch lên cao nhất. Các yêu cầu về đồ bảo hộ, khoảng cách tiếp xúc hay nhiệm vụ phun khử khuẩn đều được anh quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ phục vụ ở khung.

“Làm nhiệm vụ ở tuyến đầu thì chắc chắn phải vất vả, đối diện với nhiều nguy cơ, nhưng khi chúng ta chủ động và đưa các biện pháp phòng ngừa lên cao nhất thì nhiệm vụ sẽ trở nên “dễ chịu” hơn. Hơn nữa, khi giao nhiệm vụ, bên cạnh việc quán triệt mệnh lệnh, Ban chỉ huy khung cũng làm công tác tư tưởng và luôn động viên, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ. Dù là tham gia chống dịch lần đầu, hay nhiều lần thì các cán bộ, chiến sĩ đều luôn chấp hành tốt các quy định, luôn nhiệt tình trong công việc được giao. Ngoài ra, chúng tôi cũng được tham gia tập huấn nhiều đợt về phòng, chống dịch do ngành y tế tổ chức và được trang cấp các dụng cụ, phương tiện bảo hộ ở mức cao nên luôn an tâm thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu tá Giang khẳng định.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top