ClockChủ Nhật, 10/04/2016 09:41

Nhiệt huyết bị bào mòn dần theo “sợi dây” hợp đồng dài đằng đẵng

Dạy hợp đồng không hề xa lạ gì với mỗi sinh viên khi rời khỏi cổng trường sư phạm. Vừa chân ướt chân ráo rời trường, rất ít người may mắn được tuyển dụng ngay lập tức mà thường phải bôn ba dạy hợp đồng một vài tháng đến một vài năm.

Thời trước, ra trường tìm được chỗ dạy hợp đồng thật sự là một niềm vui để rèn luyện, trau dồi chuyên môn và chờ đợi cơ hội tuyển dụng. Tuy nhiên, khi “sợi dây” hợp đồng kéo dài dằng dặc thì bầu nhiệt huyết cũng bị bào mòn dần là lẽ tất nhiên.

Ai đã từng dạy hợp đồng mới thấm thía hết sự thiệt thòi, buồn tủi của một công việc bấp bênh. Có người được nhận dạy hợp đồng thông qua sự quen biết, giới thiệu của giáo viên trong trường với ban giám hiệu rồi đề xuất lên phòng giáo dục. Có người nộp hồ sơ xin dạy hợp đồng ở Phòng Giáo dục rồi được bố trí về dạy ở trường. Dù “đi ngược” hay “về xuôi” như thế thì điều đầu tiên phải trang bị là tâm lí “chấp nhận”.

Chấp nhận một mức lương ít ỏi. Với khoảng trên dưới 20.000 đồng cho một tiết dạy thì tổng thu nhập của một tháng của giáo viên hợp đồng theo định biên số tiết của giáo viên khoảng tầm trên dưới 1 triệu đồng. Việc nâng bậc lương, thi đua, khen thưởng hoàn toàn xa tầm với. Mức lương đó quá chênh lệch với giáo viên biên chế và quá ít ỏi để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nuôi thân chắc chắn còn chưa đủ, đừng nói đến chuyện lo cho gia đình, nuôi con cái. Rất nhiều trường cảm thông nên tạo nhiều điều kiện cho giáo viên hợp đồng nhưng muốn bám trụ với nghề buộc phải “chạy sô” hợp đồng hai, ba trường hoặc kiếm việc làm thêm.

Chấp nhận một cảm giác buồn tủi. Trong khi chúng bạn được vào biên chế, yên tâm với vị trí công tác, ổn định tương lai thì những ai đang dạy hợp đồng còn mãi loay hoay tìm chỗ đứng, tìm lối đi cho mình. Gặp lại bạn bè, chắc chắn thấy thua thiệt. Gặp người thân, cứ nghe tiếng thở dài thườn thượt. Gặp người quen, vẫn mãi là câu hỏi “Có chỗ dạy chưa?”, “Đã vào biên chế chưa?... Một khối áp lực khổng lồ luôn đè nặng trong lòng. Đó là còn chưa kể một số định kiến không nhỏ luôn áp đặt lên người mang danh “hợp đồng”, chẳng hạn giáo viên hợp đồng sẽ không toàn tâm toàn ý với công việc, chuyên môn thấp chỉ nên đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy những khối lớp đầu cấp,… vô hình trung càng khoét thêm hố sâu phân biệt giữa biên chế và hợp đồng.

Chấp nhận mọi sự đổi thay. Thông thường, khi có một giáo viên về hưu, thuyên chuyển công tác, nghỉ ốm đau dài ngày hay nghỉ hộ sản sẽ đem lại cơ hội cho giáo viên hợp đồng. Háo hức nhận hợp đồng bao nhiêu thì nỗi lo “mất việc” càng lớn bấy nhiêu. Dù là nghỉ việc khi hết hạn hay thình lình mất việc khi có người được tuyển dụng về thì cảm giác hụt hẫng, xót xa là điều khó tránh khỏi. Rồi lại tiếp tục những ngày “sống mòn”: nghe ngóng tin tức trường nào có suất hợp đồng, theo dõi thông tin tuyển dụng, loay hoay đủ nghề kiếm sống và gặm nhấm nỗi buồn…

Bản thân tôi ra trường đã được mười năm và cảm thấy mình thật sự may mắn khi sớm ổn định công việc. Nhưng một số người bạn của tôi thì không suôn sẻ trong công việc như thế. Năm người không được tuyển dụng đang bôn ba: một người đang dạy hợp đồng nay trường này mai trường khác, một học lên thạc sĩ, một làm nhân viên tiếp thị, một chấp nhận ở nhà nội trợ và một người đã chuyển hướng vào TP HCM làm trái nghề. Thế đó, mười năm trời đằng đẵng theo đuổi ước mơ gõ đầu trẻ, mấy người có thể giữ trọn vẹn bầu nhiệt huyết và tình yêu nghề? Có chăng chỉ là nuôi dưỡng ước mơ một thời gian và buộc phải thay đổi khi hi vọng mong manh dần.

Đó là chuyện của những năm trước. Hiện nay, cơ hội hợp đồng cho mọi người càng khan hiếm hơn. Tỉnh tôi đang thực hiện chính sách tăng sĩ số học sinh mỗi lớp đồng nghĩa với chỉ tiêu giáo viên giảm đáng kể. Rồi chính sách điều động, điều chuyển giáo viên dư thừa sang trường thiếu đang triển khai đã hầu như lấy đi cơ hội của giáo viên hợp đồng.

Số lượng cử nhân sư phạm những năm trước vẫn chưa giải quyết hết và sinh viên sư phạm mỗi năm vẫn ra trường đều đặn. Tỉ lệ thất nghiệp tăng mà đứng đầu là cử nhân là điều tất nhiên. Phải chăng đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng chạy việc, chạy công chức, chạy biên chế với nhiều hệ lụy?

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đề xuất giải thể đại học vùng

Nhiều chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc cấp bách quy hoạch trường sư phạm để "siết" chất lượng, số lượng nguồn giáo viên. Đồng thời, cân nhắc giải thể mô hình đại học vùng, đã thử nghiệm được 24 năm bộc lộ nhiều cản trở trong phát triển của các đại học thành viên tại Hội thảo Giáo dục 2018 mới đây.

Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đề xuất giải thể đại học vùng
Ngành giáo dục đã làm được gì trong năm qua?

Năm 2017, ngành Giáo dục đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn. Vậy những nhiệm vụ và giải pháp này đã thực hiện như thế nào trong năm qua?

Ngành giáo dục đã làm được gì trong năm qua

TIN MỚI

Return to top