ClockThứ Sáu, 17/07/2020 06:30

Nhiều bãi tập kết cát phát sinh ngoài quy hoạch

TTH - Cát xây dựng ngày một khan hiếm khiến hàng loạt bãi tập kết cát trái phép “mọc” lên trên địa bàn TP. Huế, nhập cát ngoại tỉnh, có dấu hiệu đầu cơ mặt hàng này.

Vì sao những bãi tập kết cát, sỏi trái phép gần đồi Vọng Cảnh vẫn tồn tạiChưa xử lý các bãi tập kết cát “chui” ở khe Lụ

Hiện trạng bãi tập kết cát trên đường Tùng Thiện Vương (TP. Huế)

Hệ lụy

Nhiều tháng nay, người dân sống ven trục đường Tùng Thiện Vương (phường Vỹ Dạ, TP. Huế) bức xúc bởi sự xuất hiện của bãi tập kết cát tại số 34 của tuyến đường này.

Hoạt động nhập cát ban đêm, xuất bán cát ban ngày đang khiến môi trường trong khu dân cư ô nhiễm và việc đi lại tại nút giao thông này ngày một phức tạp. Người dân đã nhiều lần phản ánh vụ việc lên Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Được biết, đây là bãi tập kết cát của một doanh nghiệp mới chuyển đến từ đường Nguyễn Sinh Cung (TP. Huế). Tuyến đường Tùng Thiện Vương có mặt đường khá hẹp, là tuyến giao thông huyết mạch nối TP. Huế với TX.Hương Thủy, huyện Phú Vang.

Từ bãi tập kết cát “án ngữ” bên đường, hàng ngày, xe cơ giới hạng nặng vận chuyển cát vào ra gây rơi vãi, ách tắc.

“Xe nhập cát chủ yếu mang biển kiểm soát tỉnh Quảng Trị, từ 15-20 tấn, nhập cát nườm nượp ngày đêm, gây bụi, ồn, không ai chịu được. Mấy tháng nay, từ ngày bãi cát chuyển về đây, bà con không lúc nào được yên”, ông M.V.N, người dân sống gần bãi tập kết cát cho biết.

Theo UBND phường Vỹ Dạ, bãi cát do ông Dương Đức Phú, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nhật Quý làm chủ; mặt bằng thuê của một người dân trên địa bàn với diện tích khoảng 600m2. Bãi cát này không có giấy phép tập kết bến bãi, UBND phường Vỹ Dạ đã lập biên bản, đình chỉ hoạt động nhiều lần.

Ông Lê Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND phường Vỹ Dạ khẳng định, liên quan đến bãi cát của ông Dương Đức Phú, UBND phường đã yêu cầu chủ bãi lên làm việc nhiều lần, lập biên bản vụ việc và yêu cầu ngưng tập kết cát và di dời bãi từ tháng 5/2020 nhưng đến nay đơn vị này vẫn cố tình hoạt động.

“Khi làm việc với phường, ông Dương Đức Phú có trình hợp đồng thuê mặt bằng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nhưng do địa bàn phường Vỹ Dạ không nằm trong danh sách các địa điểm được tập kết cát sỏi theo Quyết định 936/QĐ-UBND tháng 5/2012 của UBND tỉnh, bãi tập kết này cũng không có giấy phép, vì vậy việc tập kết cát sỏi tại đây là trái phép. Sắp đến, phường sẽ tiến hành xử lý chủ đất cho thuê vì sử dụng sai mục đích và đề xuất UBND TP. Huế có biện pháp xử lý “mạnh tay” đối với bãi tập kết cát trái phép này”, ông Phú nói thêm.

Xe ra vào bãi tập kết cát thuộc địa bàn TP. Huế, gây mất trật tự, an toàn giao thông

Lúng túng trong xử lý

Theo quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định 936/QĐ-UBND tháng 5/2012 của UBND tỉnh về việc quy định quản lý, sử dụng các bến bãi tập kết cát sỏi, trên địa bàn TP. Huế có 2 bãi tập kết tại khu vực 5, phường Phú Hậu và tại đường Đặng Tất, phường An Hòa.

Riêng tại khu vực cầu Bối (phường Thủy Xuân), UBND TP. Huế đang đề xuất Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh đưa vào quy hoạch bãi tập kết cát, sỏi.

Ngoài những địa điểm này, các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn TP. Huế hiện nay đều phát sinh ngoài quy hoạch và đang hoạt động “chui”. Qua việc rà soát, quản lý các vị trí tập kết cát sỏi trên địa bàn và kiểm tra thực tế tại các địa phương, UBND TP. Huế phát hiện hàng loạt các bãi tập kết cát sỏi trái phép, phát sinh ngoài quy hoạch tại các phường Vỹ Dạ, Thủy Biều, Thủy Xuân, An Tây và đã giao cho các địa phương giám sát, xử lý.

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV cho thấy, việc xử lý các bãi tập kết cát trái phép vẫn còn khá lúng túng ở các địa phương.

Ông Nguyễn Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân cho rằng, hiện trên địa bàn phường, ngoài khu vực Cầu Bối đang đề xuất đưa vào quy hoạch của UBND tỉnh, các bãi tập kết hiện tại đều tự phát và hoạt động trái phép.

Thời gian qua, UBND phường đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các bãi tập kết cát trái phép nhưng các bãi vẫn lén lút hoạt động, vi phạm nhiều lần. Nguyên nhân do địa bàn phường rộng, cán bộ phường không thể quán xuyến hết. Mặt khác, đối chiếu với Quyết định 07/QĐ-UBND ngày 3/1/2019 của UBND tỉnh, còn có sự “nhập nhằng” giữa bãi tập kết cát sỏi và khu vực chứa vật liệu phục vụ công trình xây dựng tại địa phương của các đơn vị nên rất khó xử lý.

Đối với các bãi tập kết trên địa bàn phường, các cơ sở này mới chỉ có giấy phép kinh doanh vật liệu xây dựng chứ chưa có giấy phép tập kết bến bãi vật liệu xây dựng. Do các bãi này không nằm trong quy hoạch bến bãi tập kết cát sỏi của thành phố nên địa phương cũng chỉ đình chỉ và yêu cầu các chủ cơ sở vận chuyển số cát trong bãi ra khỏi khu vực. Ngoài ra, phường chỉ xử phạt chủ đất về việc sử dụng đất sai mục đích, còn việc xử lý triệt để các bãi này cần có sự phối hợp với cơ quan cấp trên... Ông Vương nói.

“Tước” giấy phép kinh doanh chủ bãi

Liên quan đến vi phạm dai dẳng tại bãi tập kết cát trái phép của bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (số 108, đường Minh Mạng, phường Thủy Xuân) mà UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý, Phòng Tài Chính - Kế hoạch TP. Huế cho biết, qua làm việc với các đơn vị liên quan, cơ quan này đã có thông báo về việc vi phạm của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Diệu Hằng thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đặng ký kinh doanh và tiến hành các thủ tục chấm dứt, xóa tên hộ kinh doanh kể từ ngày 9/6/2020.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sứ mệnh của Huế

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Thừa Thiên Huế sẽ phát huy bản sắc, đặc trưng để hướng đến các giá trị mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước.

Sứ mệnh của Huế
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

TIN MỚI

Return to top