Thế giới
KINH TẾ TOÀN CẦU 2019-2020:

Nhiều biến động và thách thức phía trước

ClockThứ Hai, 27/01/2020 15:03
TTH - Năm 2019 vừa khép lại, nền kinh tế thế giới cũng vừa trải qua một năm suy yếu bởi nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, căng thẳng Nhật Bản-Hàn Quốc, sự không chắc chắn của Brexit… Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, hãy cùng nhìn lại một cách tổng quan về nên kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và những triển vọng cùng thách thức trong tương lai.

Kinh tế châu Á sẽ lần đầu tiên vượt qua phần còn lại của thế giớiNăm 2020 phải đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2019ASEAN tăng trưởng chậm hơn so với dự đoán

 Tàu du lịch cập Cảng Chân Mây. Ảnh: Phong Kiệt

Suy giảm lan rộng trên toàn cầu

Trong hai năm qua, kết quả và triển vọng tăng trưởng toàn cầu đã dần xấu đi, trong bối cảnh bất ổn chính sách vẫn dai dẳng, dòng chảy thương mại và đầu tư suy yếu. Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2019 chỉ đạt 2,9% và dự báo duy trì ở mức 3% trong giai đoạn 2020-2021, giảm so với con số dự kiến 3,5% của một năm trước và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Theo giới chuyên gia, sự giảm tốc này là do chu kỳ kinh doanh, vốn đang suy yếu một cách tự nhiên sau vài năm tăng trưởng kinh tế tương đối mạnh. Song song đó, một số tổ chức kinh tế nhận định rằng, thương chiến Mỹ-Trung, căng thẳng thương mại Nhật-Hàn và những bất ổn dai dẳng của Brexit là những yếu tố tác động tiêu cực đến niềm tin của doanh nghiệp, làm suy yếu hoạt động đầu tư và xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu trong nửa đầu năm 2019 có sự tăng trưởng nhẹ, nhờ sự tăng trưởng ở một số nền kinh tế tiên tiến và hoạt động mạnh mẽ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng sự phục hồi khiêm tốn này chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất vừa được công bố giữa tháng 12/2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang chứng kiến tình trạng xuất khẩu tiếp tục sụt giảm và đầu tư yếu hơn. Theo đó, ADB cũng điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng Đông Nam Á xuống còn 4,4% cho năm 2019, khi các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại như Singapore và Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tình trạng giảm tốc tăng trưởng trên toàn cầu.

Nhưng không chỉ ở khu vực này, căng thẳng thương mại toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương, theo báo cáo mới của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC). Cụ thể, báo cáo thường niên lần thứ 14 của PECC cho thấy, tăng trưởng kinh tế của khu vực dự kiến sẽ chậm lại từ mức 3,8% trong năm 2018 xuống còn 3,3% trong năm 2019.

Đà giảm tốc cũng lan rộng đến các nền kinh tế lớn của thế giới. Trong khi tăng trưởng GDP của Mỹ ước tính chậm lại còn 2,2% trong năm 2019 so với mức 3% của năm 2018, thì với Trung Quốc, ADB cũng hạ ước tính tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm nay xuống còn 6,1% từ mức dự báo 6,2% được đưa ra hồi tháng 9/2019. Ngân hàng này giải thích, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cộng với tác động từ dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng cao hơn đã ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng - những yếu tố chính cho sự điều chỉnh xuống của ADB.

Nhiều thách thức phía trước

Như đã đề cập ở trên, trong báo cáo triển vọng kinh tế tháng 11/2019, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3% trong giai đoạn 2020 - 2021. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, triển vọng tăng trưởng ngắn hạn của quốc gia thay đổi tuỳ theo tầm quan trọng của thương mại đối với từng nền kinh tế. Tăng trưởng GDP ở Mỹ dự kiến sẽ chậm lại 2% vào năm 2021, trong khi tăng trưởng ở Nhật Bản và khu vực đồng euro dự kiến sẽ vào khoảng 0,7% và 1,2%. Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống, khoảng 5,5% vào năm 2021. Các nền kinh tế thị trường mới nổi khác dự kiến sẽ chỉ phục hồi một cách khiêm tốn, trong bối cảnh nhiều nước rơi vào tình trạng mất cân bằng. “Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng sẽ ở dưới mức tiềm năng”, ông Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD nhận định.

Ngoài ra, các yếu tố cấu trúc cũng đang góp phần vào việc làm giảm tốc độ tăng trưởng. Dân số toàn cầu già hóa đang ngày càng đè nặng lên triển vọng kinh tế, nhất là tại các thị trường phát triển như Nhật Bản và Đức. Việc thiếu nhân tài trong các lĩnh vực chuyên môn cũng cản trở việc kinh doanh trên toàn thế giới khi các hệ thống giáo dục không trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để tham gia vào lực lượng lao động. Song song đó, biến đổi khí hậu và số hóa cũng là những thay đổi về cấu trúc đang diễn ra đối với các nền kinh tế hiện tại. Trong trường hợp không có định hướng chính sách rõ ràng về những vấn đề này, sự bất ổn sẽ tiếp tục thấp thoáng, làm hỏng triển vọng tăng trưởng - OECD cảnh báo.

Trong bối cảnh đó, ông Boone cho rằng, nhiều nền kinh tế cần cải cách cơ cấu nhằm hiện đại hóa các quy định để phù hợp với nền kinh tế kỹ thuật số thế kỷ 21, cho phép hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn và giảm các rào cản đối với đầu tư. Đồng thời, các chính phủ cần hợp tác và có hành động chính trị phối hợp nhanh chóng để khôi phục niềm tin, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và nâng cao mức sống.

Một cuộc khảo mới đây của PECC đã xác định những rủi ro hàng đầu đối với tăng trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung trong những năm tới bao gồm: sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại; sự chậm lại trong tăng trưởng thương mại thế giới; nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc giảm tốc, và thiếu sự lãnh đạo chính trị. Đáng chú ý, những lo ngại về tác động của chủ nghĩa bảo hộ đối với tăng trưởng kinh tế đã tăng lên đều đặn trong vài năm qua.

Sau khi phục hồi nhiều năm từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, những chồi xanh của tăng trưởng kinh tế đang bị đè nặng bởi những rủi ro chính sách và những bất ổn chưa từng có, bài phân tích của Business Times ngày 14/12 nhận định.

Điểm sáng Đông Nam Á - Việt Nam

Cũng theo Business Times, mặc dù triển vọng khá ảm đạm, nhưng các nhà hoạch định chính sách khu vực vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng ở Đông Nam Á trong năm 2020 và cho rằng, khu vực này vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

 “42% số người được hỏi trong cuộc khảo sát đều bày tỏ hy vọng lạc quan về Đông Nam Á, khi khu vực này có động lực mạnh mẽ để hội nhập thông qua Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Nhiều nước trong số đó còn đang nắm giữ lợi thế về nhân khẩu học, kết hợp cùng một số kỳ vọng về chuyển hướng thương mại”, ông Eduardo Pedrosa, điều phối viên của PECC cho biết.

Đặc biệt, trong ASEAN, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Trái ngược với quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á, ADB mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,9% trong năm 2019 và 6,8% năm 2020. Theo báo cáo của ngân hàng này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2019 đạt 7%, mức cao nhất so với cùng kỳ 9 năm qua.

ADB nhận định rằng, nhờ vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao ngoài mong đợi trong quý III/2019, từ đó có thể duy trì đà tăng trưởng GDP trong quý IV và cả năm 2020.

Tố Quyên - Hạnh Nhi

(Tổng hợp và lược dịch từ OEDC, PECC, Business Times & The Balance)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20%

Một nghiên cứu do chính phủ Đức hỗ trợ cho thấy đến giữa thế kỷ này, thiệt hại đối với nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng suất và sức khỏe con người do biến đổi khí hậu ước tính có thể lên đến khoảng 38.000 tỷ USD/năm, tức gần 1/5 GDP toàn cầu, bất kể nhân loại có cắt giảm khí carbon gây ô nhiễm mạnh mẽ đến đâu.

Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP toàn cầu năm 2050 giảm gần 20
OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Nền kinh tế toàn cầu năm nay đang trên đà phát triển tốt hơn so với cách đây chỉ cách đây vài tháng nhờ triển vọng lạc quan đối với kinh tế Mỹ, bù đắp cho sự suy yếu của khu vực đồng euro, dự báo mới nhất ngày 5/2 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết. Tuy nhiên, tổ chức này cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột ở Trung Đông đang gây ra mối đe dọa cho tăng trưởng toàn cầu vì sự gián đoạn vận chuyển trên Biển Đỏ có thể làm tăng giá tiêu dùng.

OECD nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024
Nền kinh tế toàn cầu năm 2024 có nhiều vấn đề cần theo dõi

Suy thoái, lạm phát đình trệ, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, tài chính công bị tổn hại và lãi suất cao hơn là những gì thế giới đã và đang phải đối mặt. 4 năm kể từ khi loại virus chết người COVID-19 lây lan khắp thế giới đã trở thành khoảng thời gian khốn khổ với nền kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế toàn cầu năm 2024 có nhiều vấn đề cần theo dõi
OECD: Nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2024

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ chậm lại một chút trong năm tới do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, tăng trưởng thương mại yếu và niềm tin của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng thấp hơn tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

OECD Nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2024
Return to top