ClockThứ Hai, 02/01/2012 06:58

Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn “ăn nên làm ra”

TTH - Đóng góp khoảng 1/3 ngân sách địa phương, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Thừa Thiên Huế. Tuy không sôi động như mấy năm trước, nhưng với vị thế và thương hiệu được khẳng định, năm 2011 nhiều doanh nghiệp (DN) FDI vẫn "ăn nên làm ra" và liên tục đầu tư phát triển bên cạnh các dự án (DA) mới được triển khai đầu tư đang tạo thêm những dấu ấn mới đầy triển vọng.

Thăng trầm Bia Huế

Trò chuyện với chúng tôi, TGĐ Công ty TNHH Bia Huế Nguyễn Mậu Chi chia sẻ, chưa có khi nào Bia Huế gặp nhiều thách thức như năm 2011. Ngoài tác động của thời tiết, lạm phát và việc “thắt lưng buộc bụng” của người tiêu dùng... “cuộc chiến giành thị phần”của các hãng bia lớn diễn ra khốc liệt hơn khiến Bia Huế gặp không ít khó khăn. Suốt trong 6 tháng đầu năm, sản lượng, doanh thu... của Bia Huế đều sụt giảm. Tình hình tiêu thụ tại một số thị trường truyền thống thu hẹp đáng kể. Lúc khó khăn cũng là lúc công ty bộc lộ rõ hơn những hạn chế, tồn tại... Bia Huế sụt giảm khiến nhiều người băn khoăn và lo ngại.
 
Trước thực trạng trên, Bia Huế đã có chiến lược kịp thời nhằm tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Ngoài việc tập trung nguồn lực cho đầu tư ngắn hạn, giữ nguyên kế hoạch đầu tư dự án xây dựng dây chuyền sản xuất bia lon ở KCN Phú Bài, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm... Bia Huế đặc biệt chú trọng mục tiêu giữ vững thị trường tiêu thụ. Theo đó, công ty chấp nhận giảm lợi nhuận bằng cách không tăng giá sản phẩm, dù giá nguyên liệu đầu vào hiện cao hơn nhiều so với trước; đồng thời tiến hành soát xét, chấn chỉnh lại hệ thống đại lý để đưa ra những giải pháp hợp lý cho công tác thị trường và tổ chức các chương trình khuyến mại hướng đến người tiêu dùng... Cũng thời gian qua, Bia Huế còn mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài và đã xuất khẩu trên 14 triệu lít, tăng 62% so cùng kỳ... Về sản phẩm, ngoài việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm bia Festival, Huda Extra... Bia Huế cho ra mắt sản phẩm bia lon Huda mới, được khách hàng đón nhận. Đặc biệt, với mẫu mã được thiết kế đẹp và chất lượng vượt trội, sản phẩm bia lon Festival mà Bia Huế đưa ra thị trường trong thời gian tới sẽ tạo được dấu ấn mới cho người tiêu dùng.  
 

Sản xuất bia Huda

Với những nỗ lực trên, Bia Huế từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục khẳng định vị trí và uy tín của mình đối với người tiêu dùng; đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế-xã hội Thừa Thiên Huế. Dự ước năm 2011, công ty đạt sản lượng tiêu thụ trên 175 triệu lít, thấp hơn năm 2010 khoảng 2%, doanh thu khoảng 2.100 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 850 tỷ đồng, và tiếp tục đầu tư phát triển trong thời gian tới.
 
Sôi động dệt may và DA Laguna
 
Trước khó khăn chung của nhiều DN, năm 2011 hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư vào ngành dệt may của khối FDI lại rất sôi động. Sau khi đưa nhà máy thứ nhất và thứ 2 vào hoạt động ổn định, năm 2011 Công ty TNHH HanesBrandsIns Việt Nam-chi nhánh Huế (gọi tắt là HBI) tiếp tục đầu tư thêm 8,2 triệu USD để mở nhà máy may thứ 3 tại KCN Phú Bài, nâng tổng mức đầu tư lên trên 35 triệu USD... Tháng 8-2011, trước yêu cầu phát triển mới, Công ty TNHH Dệt kim và May mặc Huế-Việt Nam cũng xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Đây là lần điều chỉnh thứ 5 của DN này. Theo đó, qui mô sản xuất các loại áo được nâng lên 1,5 triệu chiếc/năm, các loại sợi 7.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 258,5 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD). Trước đó, nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may đã nhiều lần xin điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, nâng qui mô sản xuất và tổng mức vốn đầu tư lên gấp 1,5-2 lần so với ban đầu.
 
Tiếp sau sự thành công của các nhà đầu tư có uy tín đến từ Hungari (Dệt kim và May mặc Huế-Việt Nam), Mỹ (HBI), Pháp (Scavi)... năm 2011, ngành dệt may Thừa Thiên Huế có thêm nhà đầu tư mới đến từ Nhật Bản. Chỉ hơn 1 tháng sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Tokyo style Vietnam Hue đã tổ chức lễ động thổ dự án xây dựng nhà máy may tại KCN Phú Bài. Động thái trên cho thấy quyết tâm của nhà đầu tư này. Nhà máy may xuất khẩu của Tokyo style Vietnam Hue được xây dựng trên diện tích 2,27 ha, tổng vốn đầu tư 21 triệu USD; dự kiến sẽ hoàn thành đi vào sản xuất vào tháng 3-2012 với qui mô 500.000 sản phẩm/năm. Ngoài các sản phẩm may mặc cao cấp, Tokyo style Vietnam Hue sẽ sản xuất thêm các loại giày dép, dụng cụ thể thao...
 

Các DN HBI, Scavi... đều mở rộng các dây chuyền may xuất khẩu

Sự nhập cuộc và liên tục mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh của nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp phần tạo thêm nguồn lực mới cho ngành dệt may Thừa Thiên Huế. Bên cạnh các DN dệt may, nhiều DN hoạt động trên các lĩnh vực khác như: xi măng, chế biến dăm gỗ, chế biến thực phẩm, du lịch dịch vụ, phát triển hạ tầng... cũng đạt được những kết quả khả quan và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương.        
 
Trong bối cảnh kinh tế lạm phát, nhiều dự án đầu tư gần như bị “đóng băng”, việc triển khai thực hiện DA một số nhà đầu tư nước ngoài tại Thừa Thiên Huế, đặc biệt là DA Khu phức hợp Resort cao cấp Laguna Huế của Tập đoàn Banyan Tree Đông Dương đến từ Singapore cho thấy quyết tâm của các nhà đầu tư. Với tổng mức đầu tư 875 triệu USD trên diện tích 280 ha với nhiều công trình, dịch vụ cao cấp... Khu du lịch Laguna Huế là một trong những DA được quan tâm nhất bởi qui mô và hiệu ứng của DA này không chỉ với KKT Chân Mây - Lăng Cô, mà cả với du lịch Thừa Thiên Huế và miền Trung nói chung. 
 
Năm 2011, hoạt động đầu tư xây dựng các hạng mục quan trọng của giai đoạn 1 DA thuộc công trình Khu nghỉ mát Angsana Huế có tiêu chuẩn 5 sao được thực hiện khẩn trương theo kế hoạch... Để các công trình trên được hoàn thành vào cuối năm 2012, chủ đầu tư đã tập trung thực hiện một khối lượng xây dựng khổng lồ. Hoạt động đầu tư của DA này là nguồn lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng giá trị thực hiện của các DA FDI trên địa bàn tỉnh trong năm 2011 và tạo thêm nguồn lực mới cho những năm sau.
 
Hoàng Nguyên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp

Từ năm 2024, công nghiệp Thừa Thiên Huế kỳ vọng tạo được nhiều điểm nhấn, nhất là tỉnh khi ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao.

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp
Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng điện khá lớn nên Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc thực hiện đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết
Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

Là cụm công nghiệp (CCN) duy nhất đóng trên địa bàn TP. Huế, CCN An Hòa không ngừng đầu tư hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, đồng thời tạo mặt bằng để di dời các cơ sở sản xuất trong nội thị vào xây dựng nhà xưởng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa
Return to top