ClockThứ Năm, 03/11/2016 15:11
FESTIVAL NGHỀ TRUYỀN THỐNG HUẾ 2017:

Nhiều đổi mới

TTH - Dự kiến cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2017 sẽ diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2017. Thời điểm này, TP. Huế đã chuẩn bị các bước cần thiết để lễ hội thêm phần đặc sắc, thu hút các nghệ nhân, người dân và du khách đến Huế.

Poster giới thiệu về Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã hoàn thành

Thêm sản phẩm, chương trình mới

Ngoài các lễ hội “đinh” không thể thiếu là thao diễn và tạo hình sản phẩm của các nghề truyền thống trên khắp cả nước, trong đó có không gian riêng dành cho các làng nghề trên địa bàn tỉnh, lễ rước tổ bách nghệ và tôn vinh nghệ nhân, không gian ẩm thực, triển lãm và trưng bày các hiện vật cung đình…, năm 2017, Festival Nghề truyền thống Huế sẽ có các sản phẩm hàng lưu niệm được tuyển chọn sau cuộc thi hàng lưu niệm do TP. Huế và các cơ quan liên quan tổ chức được quảng diễn, bày bán cho du khách.

Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho biết, đây là cách khắc phục hiệu quả nhất những tồn tại mà thời gian qua người dân, du khách và báo chí nêu về việc Huế thiếu các sản phẩm làm quà tặng, dù các nghề và làng nghề khá đa dạng và phong phú, song sản phẩm khiến khách phải “rút hầu bao” còn quá khiêm tốn, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là vài bức tranh, chiếc nón lá... Hàng đúc đồng dù có tiếng từ bao đời nhưng do cồng kềnh, nặng, kinh phí lớn nên chưa trở thành sản phẩm được lựa chọn làm quà. Cuộc thi sẽ góp phần hạn chế những tồn tại đó, với những sản phẩm được làm từ các nguyên vật liệu gần gũi với thiên nhiên, con người, kích cỡ, trọng lượng vừa phải, mẫu mã đẹp, phù hợp với sở thích nhiều người.

Không gian trình diễn làng nghề luôn là chương trình chính tại các Festival nghề truyền thống Huế

Các chương trình nghệ thuật dự kiến cũng có những thay đổi thú vị. Hiện các cơ quan chuyên môn của TP. Huế đang liên hệ với các đơn vị, cá nhân, tổ chức để lên lịch làm việc nhằm tổ chức tốt các chương trình lễ hội áo dài, đêm nhạc Trịnh Công Sơn… Có thể, có người thắc mắc về những chương trình này vì có phần na ná với Festival Huế 2016, tuy thế, lãnh đạo TP. Huế cho biết, mỗi chương trình đều có sự khác biệt riêng, nhằm tạo thêm sự hấp dẫn, thú vị, giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn khi đến với Festival Nghề truyền thống Huế.

Điểm mới khác là ngoài trưng bày, sẽ tổ chức bình chọn các sản phẩm tiêu biểu để trao giải vào đêm bế mạc. Điều này sẽ giúp các cơ sở, làng nghề có thêm điều kiện để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường thuận tiện hơn.

Tiếp tục xã hội hóa

Qua 6 kỳ festival nghề truyền thống, TP. Huế dần khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong việc tổ chức các sự kiện lớn, đồng thời, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Ngành du lịch-dịch vụ cũng ăn nên làm ra nhờ các lễ hội như thế. điều làm lãnh đạo TP. Huế trăn trở là làm thế nào để ngày càng hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách cho các hoạt động nói chung, trong đó có festival nghề truyền thống.

Lâu nay, gần như các lễ hội đều sử dụng kinh phí từ ngân sách, gây tốn kém không nhỏ, trong khi nguồn thu ngân sách ngày càng khó khăn. Từ thực tế đó, từ lễ hội trước, UBND TP. Huế đã vận động, kêu gọi sự chung tay, giúp sức từ phía các doanh nghiệp và sự hưởng ứng từ người dân. Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2015, ban tổ chức đã kêu gọi được khoảng 3 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% chi phí cho lễ hội. Tuy thế, với mong muốn ngày càng xã hội hóa festival, từ bây giờ TP. Huế đã gửi thư mời, kêu gọi vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…, phấn đấu sự hỗ trợ sẽ chiếm từ 50-70%/tổng kinh phí tổ chức và tiến tới 100% kinh phí được xã hội hóa. Thông tin đáng mừng là hiện có nhiều doanh nghiệp, tổ chức đồng ý sẵn sàng hỗ trợ về vật chất, phương tiện, con người cho festival.

Khó khăn hiện nay là với một số làng nghề ở xa, dù có làng nghề chỉ cần gửi thư mời, các nghệ nhân thuê phương tiện, tự túc kinh phí đi lại, ăn ở. Song, cũng có một số nghệ nhân, do hoạt động riêng lẻ nên rất khó khăn trong việc đi lại, ăn ở. Do đó, TP. Huế dự kiến tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí cho các nghệ nhân, thợ thủ công để họ đến Huế thuận tiện hơn. Hiện công tác liên lạc với một số làng nghề, nghệ nhân đã hoàn thành. Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Huế đang chốt danh sách những nghệ nhân, làng nghề tham gia để bố trí ăn ở, khu vực thao diễn…

Với các đoàn nghệ thuật từ nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã gửi thư mời và nhận được sự đồng ý. Khác với festival nghề trước về việc giới thiệu các món ăn, hàng thủ công, quốc phục truyền thống của người phụ nữ, festival nghề lần này, người hâm mộ, khán giả Huế có thể có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với một số diễn viên của Hàn Quốc. Việc giới thiệu, chiếu một số bộ phim nổi tiếng, đặc sắc của Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ tổ chức dịp này, nếu các điều kiện thuận lợi.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế

Một trong những hình ảnh không đẹp xuất hiện tại thành phố hiện nay là nhiều người vô ý thức biến nơi công cộng thành "nhà vệ sinh công cộng".

Hình ảnh làm xấu du lịch Huế
Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân

Nếu như “Avatar” là một thủ thuật của marketing để tạo dựng, củng cố hình ảnh cá nhân, nhận diện thương hiệu cho một hay nhóm sản phẩm nào đó, thì “Avatar” của làng hương Thủy Xuân được tạo ra theo một cách hết sức thú vị, ít ai ngờ tới.

Người tạo “Avatar” cho làng hương Thủy Xuân
“Tắm rừng”

Khi những “cánh cửa” di sản văn hóa được mở dần theo năm tháng, những “cánh cửa” về cảnh quan thiên nhiên cũng đang tiếp tục được mở ra… mang đến cho du khách về một Cố đô độc đáo vô cùng.

“Tắm rừng”
Du khách trải nghiệm ngắm tết Huế trên xe buýt thoáng nóc miễn phí

Hơn 10 giờ sáng ngày mùng 1 Tết (ngày 10/2), 2 chiếc xe buýt hai tầng thoáng nóc (City Sightseeing) bắt đầu lăn bánh chở khách tham quan thành phố Huế. 84 hành khách may mắn đầu tiên của năm Giáp Thìn được Công ty cổ phần Ngắm Cảnh Việt Nam - Chi nhánh Huế tặng vé miễn phí.

Du khách trải nghiệm ngắm tết Huế trên xe buýt thoáng nóc miễn phí
Return to top