ClockThứ Hai, 13/03/2017 06:44

Nhiều giải pháp phòng, chống dịch cúm A

TTH - Thừa Thiên Huế đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống, quyết không để dịch cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp đo thân nhiệt kiểm dịch cho hành khách qua cửa khẩu Cảng Chân Mây

Tăng cường kiểm tra, giám sát

TS. Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (chi cục) cho biết, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp, đặc biệt là cúm A/H7N9 đang hoành hành tại Trung Quốc và một số địa phương trong nước xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1. Ngoài tiết trời mưa ẩm, các hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm là cơ hội cho dịch cúm gia cầm có thể lây lan vào địa bàn. Trước tình hình trên, chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT chủ động xây dựng phương án phòng, chống dịch cúm gia cầm, hạn chế thiệt hại cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng môi trường sinh thái, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Cụ thể, các huyện Phong Điền, Phú Vang, thị xã Hương Thủy... thực hiện nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào địa bàn. Từ huyện đến cơ sở thành lập tổ liên ngành tăng cường công tác giám sát dịch tễ, tiêm phòng, kiểm tra số lượng gia cầm ở các khu nuôi, trang trại, hộ gia đình; đặc biệt chú ý trên các đàn vịt chạy đồng tái đàn sau tết tập trung ở các địa bàn vùng trũng. Chi cục Thú y và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nuôi gia cầm thực hiện cam kết “5 không” (không giấu dịch; không ăn thịt, sản phẩm gia cầm bệnh; không bán gia cầm bệnh; không vận chuyển gia cầm ra khỏi vùng dịch; không vứt bừa bãi xác gia cầm bệnh ra môi trường).

Huyện Phú Lộc, địa bàn nằm cửa ngõ phía nam, trong thời gian này đã kiện toàn 2 đội liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc trên Quốc lộ 1A, các địa phương tiếp giáp với huyện Nam Đông, Phú Vang và TP. Đà Nẵng; đồng thời, bố trí nhân viên kiểm soát giết mổ trực để kiểm tra lâm sàng gia cầm sống trước khi giết mổ, kiểm soát quá trình giết mổ để cung cấp sản phẩm gia cầm an toàn. Ông Trần Viết Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An (Phú Lộc) cho biết, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra cơ sở giết mổ gia cầm tại chợ Lộc An và phối hợp với lực lượng liên ngành, ban quản lý chợ kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y quầy, sạp kinh doanh thịt gia cầm; gia cầm phải có giấy kiểm soát giết mổ trước khi cung cấp ra thị trường.. Chị Nguyễn Thị T., tiểu thương mua bán gia cầm chợ Lộc An chia sẻ, được tuyên truyền về nguy hiểm của dịch cúm A, chị và những người mua bán, giết mổ gia cầm ở chợ luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, chú ý khâu nhập gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến tháng 2/2017, đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt 2.457 nghìn con, tăng 14,06%. Để phòng ngừa dịch cúm gia cầm hiệu quả, chi cục triển khai công tác tiêm phòng rộng khắp các địa phương. Đến  thời điểm này, toàn tỉnh tiêm được 240 nghìn liều vắc xin cúm A/H5N1; phấn đấu đến cuối tháng 4, tiêm phòng đạt 100% tổng đàn. Ngoài ra, vận động các hộ gia đình, trang trại chăn nuôi tư nhân chủ động tiêm phòng đúng khung lịch, đạt tỷ lệ 100%; đồng thời, hưởng ứng Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 tại các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, buôn bán gia cầm, các ổ dịch cúm gia cầm cũ... do chi cục phát động từ nay đến cuối tháng 3.

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp đo thân nhiệt kiểm dịch cho hành khách qua cửa khẩu Cảng Chân Mây

Thêm nhiều giải pháp

PGS.TS. Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, đến thời điểm này ngành y tế chủ động xây dựng tốt phương án phòng dịch cúm A/H7N9 theo các tình huống trước, trong và sau khi dịch xảy ra. Trên địa bàn đã củng cố kiện toàn 5 đội cơ động dự phòng tỉnh và 18 đội tuyến huyện, cùng trang bị dụng cụ, máy móc, hóa chất nhằm giám sát, theo dõi các nơi buôn bán, nuôi, mổ gia cầm tập trung. Các cửa khẩu, sân bay, cảng biển đã phân công cán bộ phối hợp để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, đặc biệt đối với các đối tượng đến từ khu vực đang có dịch. Đội ngũ này tăng cường tuyên truyền cho khách xuất, nhập cảnh đến vùng có dịch hoặc từ vùng có dịch trở về các biện pháp phòng, chống. Khi phát hiện nhiễm cúm gia cầm và bệnh nhân nghi ngờ, sẽ được phối hợp tiến hành phun diệt khử trùng, khử độc kịp thời và hướng dẫn đến các cơ sở y tế điều trị.

Các bệnh viện chuẩn bị nguồn nhân lực, khu vực cách ly, hóa chất, thuốc men và tích cực giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tính, nhất là với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm phổi nặng nghi do vi - rút và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết để cách ly, điều trị kịp thời.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Nam Hùng cho biết, một trong những biện pháp tích cực nhất để phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H7N9 là ngăn chặn, không để cúm gia cầm xâm nhập vào địa bàn. Mỗi người dân chủ động thông tin với cơ quan chức năng nếu thấy gia cầm chết bất thường; trong gia đình có người sốt, ốm không rõ nguyên nhân mà có tiếp xúc với gia cầm thì đến ngay các cơ sở y tế khám kịp thời.

Đến thời điểm hiện tại, trong nước xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6 và đang có chiều hướng lây lan rộng. Tại 2 tỉnh biên giới Vân Nam (Trung Quốc) giáp huyện Phong Thổ (Lai Châu) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) giáp tỉnh Cao Bằng, dịch cúm gia cầm A/H7N9 đang lây lan mạnh. Trong tháng 1 vừa qua ghi nhận 109 trường hợp người nhiễm virut cúm gia cầm A/H7N9. Từ cuối tháng 2 đến nay đã có 1.174 người bị nhiễm, trong đó có 417 ca tử vong.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan

Ngày 29/3, Thanh tra (TT) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra (TT) và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT. Tại Thừa Thiên Huế, Chánh TT tỉnh Lương Bảo Toàn cùng gần 100 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT tham dự.

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan
Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

TIN MỚI

Return to top