ClockChủ Nhật, 16/03/2014 07:14

Nhiều góp ý về phương án tổ chức và đặt tên các đơn vị hành chính

TTH.VN - Tại hội thảo lấy ý kiến về phương án tổ chức các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, đã có những đề xuất khác nhau về phương án phân chia địa giới và danh xưng của các quận. Thừa Thiên Huế Online lược ghi một số ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu và giới chuyên môn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: Tên “Huế” đã thành thương hiệu

Về tên gọi khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tôi ủng hộ phương án đặt tên là Thành phố Huế.

Tên Huế phổ biến rộng rãi, nói Huế là người ta hình dung ra liền. Trong lịch sử, đã từng có những tên gọi: “Kẻ Huế”, Triều đình Huế, Kinh đô Huế, “Nước Huế” (người Nam bộ gọi nước Huế để phân biệt với Việt Nam thời Pháp thuộc), rồi những chùa Huế, màu sắc Huế, nón Huế, áo dài Huế, con gái Huế, giọng Huế, ẩm thực Huế, chè Huế… Cuốn hồi ký đầu tiên của Đức Chaigneaux viết về Huế đầu thế kỷ XIX là Soivenirs de Huế, rồi Huế bài thơ đô thị tuyệt tác UNESCO dành cho Huế…

Người Thừa Thiên Huế ở Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy… nhưng đi đâu họ cũng nói tui dân Huế. Thử hỏi Việt Nam có tên gọi thành phố nào vượt không gian và thời gian, hiện hữu trong đời sống nhân văn đầy đủ, rộng khắp như địa danh Huế?

Căn cứ vào tính chất, hướng phát triển trong tương lai của từng địa bàn, tôi đồng ý với phương án 2, chia thành 4 quận nội thành. Về vấn đề cắt, nhập các phường, xã vào các quận, huyện mới cần phải có một quan niệm thân dân, nghĩa là phải nghĩ đến việc tạo thuận lợi cho người dân.

Trong đề án, chủ trương chia 3 phường bao quanh bên ngoài kinh thành là Phú Hòa, Phú Bình và Phú Thuận thuộc Quận 4 là không hợp lý. Dân ba phường ấy cách dân các phường Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hòa chỉ bằng các cửa thành, nên thuộc Quận 3 là hợp lý. Trụ sở của các quận phải chọn địa điểm thuận lợi cho việc giao thông giữa các quận.

Về tên gọi của các quận, Quận 1 nên đặt tên là Thọ Lộc, vì trên địa bàn Quận 1 có một chi lưu của sông Hương rất đẹp bị đời nay gọi sai tên là sông Như Ý. Tên chính thức của nó được “Đại Nam Nhất Thống Chí” đời Duy Tân viết là sông Thọ Lộc.

Hai tên gọi Hương Giang và Thuận Hóa mà dự thảo đề xuất từng chỉ chung cho cả vùng thành phố Huế từ trước đến nay, không thể lấy hai tên ấy đặt cho một quận chỉ bằng ¼ của Huế trong tâm thức người Huế.

Dự thảo đề xuất Quận 2 mang tên Ngự Bình, Nam Giao, cả 2 địa danh này đều phù hợp. Nhưng theo tôi, trên địa bàn Quận 2 có núi Bân – nơi vua Quang Trung lên ngôi, có khu tượng đài Quang Trung, có dấu tích lăng mộ vua Quang Trung và tên của lăng mộ vua Quang Trung được Ngô Thì Nhậm cho biết: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chưa bảo y tiên hoàng ta”. Địa bàn của Quận 2 quá quan trọng đối với vua Quang Trung, nên đặt tên là Quận Đan Dương (mặt trời đỏ).

Quận 3 mang tên Phú Xuân rất chính xác. Phú Xuân là Thủ phủ xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Thái, là Đô thành Phú Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Hoạt và Kinh đô Phú Xuân thời Quang Trung. Kinh đô nhà Nguyễn xây trên đất làng Phú Xuân. Hiện nay trên địa bàn Quận 3 còn đình Phú Xuân – ngôi đình của dân làng Phú Xuân trên toàn quốc.

Quận 4 lấy tên Gia Hội là hay nhất. Gia Hội là khu phố cổ ra đời sớm hơn phố Đông Ba hơn một thế kỷ. Còn Đông Ba đã là tên chợ rồi. Lấy tên chợ đặt cho quận thì không được.

PGS.TS Đỗ Bang: Phương án tổ chức các đơn vị hành chính phải dựa trên lịch sử, văn hóa lâu đời

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành đô thị hiện đại trên cơ sở bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường nên phương án tổ chức các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp quận phải dựa trên yếu tố lịch sử, văn hóa lâu đời, yếu tố tự nhiên và tiềm năng kinh tế, đặc điểm xã hội thích hợp.

Đặt tên các đơn vị hành chính mới cũng là dịp quy hoạch lại đô thị nên nhất thiết phải sắp xếp và điều chỉnh địa giới hành chính cho phù hợp với sự phát triển đô thị hiện đại về công nghiệp và dịch vụ để đảm bảo phát triển du lịch; hạn chế xáo trộn về địa giới của cấp huyện, phường, xã hiện nay để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ và bền vững.

Theo tôi, nên thành lập 3 quận nội thành lấy địa giới TP Huế hiện nay làm căn bản, lấy sông Hương làm trục quy hoạch. Phía Bắc sông đặt làm một quận (cũng có thể chia làm 2 quận khi khảo sát quá trình đô thị hóa ở đây), phía Nam sông chia làm 2 quận.

Quận ở bắc sông Hương sẽ là đơn vị hành chính trực tiếp quản lý khu di sản cố đô đặc trưng của Việt Nam nên có thể đặt tên là Phú Xuân – tên của một làng cổ ở Huế, là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô đầu tiên tại Huế sau khi đất nước thống nhất.

Quận ở đông nam sông Hương là trung tâm chính trị, hành chính, có thể đặt tên là Quảng Đức – tên gọi đơn vị cấp tỉnh của tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi vua Gia Long chọn Huế làm kinh đô trước khi xuất hiện tên Thừa Thiên (phủ) vào năm 1822.

Nếu đặt tên thành phố trực thuộc Trung ương là TP Huế thì quận ở tây nam sông Hương nên đặt tên là Thừa Thiên. Nhất thiết cần bảo lưu tên gọi này vì địa danh hành chính cấp tỉnh Thừa Thiên ra đời từ năm 1822 và gần như liên tục cho đến nay. Trong tiến trình phát triển đô thị, tên Thừa Thiên có vị trí rất quan trọng trong lịch sử trung, cận và hiện đại. Nếu lần quy hoạch này không đặt tên Thừa Thiên cho thành phố trực thuộc Trung ương thì tên gọi này cần được bảo lưu làm tên của một đơn vị hành chính quan trọng của Huế hiện nay, ví như đặt cho một quận ở Nam sông Hương.

Vào thời lịch sử hiện đại, Huế đã qua nhiều lần quy hoạch và đặt tên, nhưng đây sẽ là lần quan trọng nhất trong quá trình đô thị hóa vùng đất cố đô. Nếu chúng ta quy hoạch phù hợp với xu thế đô thị hóa mang đặc điểm lịch sử của xứ Huế và gọi đúng tên sẽ là sự kiện lịch sử có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa của vùng đất này.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ: Không nên đặt những cái tên sâu sắc nhưng xa lạ với người dân

Về việc đặt tên quận, theo tôi, cần lưu ý một điều: có những cái tên rất sâu sắc về chữ nghĩa sách vở, rất ý nghĩa nhưng còn xa lạ với người dân. Đây là điều mâu thẫn. Giữa chữ nghĩa sâu sắc với truyền thống thì phải chú trọng đến tính truyền thống và sự gần gũi với người dân. Ví dụ, tên Đan Dương mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề xuất đặt cho Quận 2 là rất sâu sắc. Tuy nhiên, Đan Dương vẫn là tên xa lạ với nhiều người. Những cái tên đã đi vào lòng nhân dân trở thành địa danh đáng được đặt lên hàng đầu.

Theo tôi, Phú Xuân, Thuận Hóa, Quảng Đức trước đây dùng để chỉ cả vùng đất mà đặt tên cho một quận thì chưa hẳn thích hợp. Ở Quận 1, đáng chú ý nhất là Vỹ Dạ - cái tên cả nước biết đến. Quận 2 nên đặt tên là Ngự Bình. Quận 3 nên đặt là Thành Nội - tên này rất phổ biến, nặng nghĩa trong lòng nhân dân ở miền Nam, trong nước và nước ngoài.

Nhà nghiên cứu Bửu Ý: Không nên xem nhẹ tên số

Bây giờ là thời toàn cầu hóa, chúng ta nên có cái nhìn rộng hơn, không chỉ bàn những chuyện phạm vi trong tỉnh, trong nước mà phải có tầm vóc thế giới. Thế nên tôi nghĩ, chúng ta không nên xem nhẹ việc đặt tên bằng con số, vì thế giới chuộng con số hơn. Ở Mỹ, Pháp, quỹ tên của họ thừa khi danh nhân lịch sử rất nhiều nhưng họ vẫn đặt tên bằng con số. Họ đã nghiên cứu qua nhiều thế kỷ và thấy rằng, trong tương lai tên bằng con số hợp thời hơn tên chữ.

Về tên thành phố, rõ ràng khó lòng đặt được cái tên nào khác ngoài thành phố Huế. Tên này đã bao gồm tất cả rồi, từ xa xưa đến bây giờ và trong tương lai cũng như vậy.  

Về phương án chia quận, tôi rất mong sau này chúng ta tổ chức được thành 4 quận. Tên Quận 1, tôi mê tên Hương Giang quá và tôi cũng thấy hợp lý. Quận 2 là Ngự Bình. Ngự Bình đi với Hương Giang sẽ cân đối. Quận 3 là Phú Xuân. Quận 4 là Gia Hội. Những cái tên này vừa là lịch sử vừa chứa đựng tình cảm thân thương.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê: Nên đặt vấn đề thành lập thị xã Lăng Cô - Chân Mây

Chúng ta nên nghĩ đến tương lai. Tiêu chí của Huế là phát triển văn hóa – du lịch nhưng đồng thời còn là kinh tế. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh nên nhìn về tương lai phát triển và đặt vấn đề thành lập thị xã Lăng Cô - Chân Mây.

Nếu ngại nhiều đơn vị hành chính thì ở phía Bắc sông Hương chỉ nên thành lập một quận vì nó bao gồm Thành Nội và cũng không nên tách rời tất cả các phường xung quanh Thành Nội. Cả thành phố chỉ có vùng này có hướng phát triển về sinh thái - công nghiệp không khói.

Chúng ta cũng cần liên tưởng đến bài học chia tỉnh đặt tên quanh đi quẩn lại mấy chục năm rồi hầu hết đều lấy lại tên cũ. Ngoài những tên gọi trong phương án đưa ra, chúng ta nên nghĩ đến những tên khác nữa để có nhiều phương án lựa chọn.

Minh Hiền (ghi)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam

Theo các quy hoạch chiến lược của tỉnh, huyện Phú Lộc trở thành cụm động lực tăng trưởng phía nam; trong đó xã Lộc Sơn nằm cửa ngõ phía bắc huyện đang phấn đấu trở thành đô thị loại V, góp phần quan trọng cho sự thành công trên.

Tạo động lực tăng trưởng cửa ngõ phía nam
Return to top