ClockThứ Hai, 04/05/2015 10:46

Nhiều học sinh xã Thượng Long bỏ học

TTH - Từ sau Tết nguyên đán 2015 đến nay, tỷ lệ học sinh bỏ học ở xã Thượng Long (Nam Đông) tăng cao. Đây là lần đầu tiên học sinh bậc tiểu học tại địa phương bỏ học.

Lớp học trống trải do nhiều học sinh bỏ học

Khó vận động, thuyết phục

Tại Trường THCS bán trú Long Quảng, nhiều phòng học như lớp 6/1 trở nên vắng vẻ vì có đến 15 học sinh không đến trường. Cô Dương Thị Lệ Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Long Quảng bày tỏ, từ ngày thành lập trường đến nay, đây là lần đầu tiên học sinh bỏ học ở trường tăng cao, đầu năm học đến nay đã có 48 học sinh bỏ học.

Đến giữa tháng 4/2015, có 54 học sinh của xã Thượng Long bỏ học sau tết ở 3 trường là Tiểu học Thượng Long, THCS bán trú Long Quảng và Trường THPT Hương Giang, nhưng mới chỉ vận động được 2 em trở lại trường. Thầy Trương Quốc Toàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Long cho biết, giáo viên chủ nhiệm đã 3 lần đến tận nhà, Ban Giám hiệu tổ chức 3 đợt vận động, thế nhưng vẫn chưa có học sinh nào trở lại học tập. “Chúng tôi đến nhà, nhưng chỉ còn 2 em ở nhà. Số còn lại đã đi TP Hồ Chí Minh. Điều chúng tôi lo lắng là các em còn quá nhỏ, không biết đi sẽ làm việc gì. Từ trước đến nay, Trường tiểu học Thượng Long chỉ có học sinh chuyển trường do ba mẹ đi nơi khác ở, năm nay là lần đầu tiên có học sinh bỏ học”.

Theo thống kê của xã Thượng Long, rất ít trường hợp bỏ học do ốm đau, hầu hết là lười học, vào TP Hồ Chí Minh. Đáng lo ngại, trong số học sinh không còn ở Huế, nhiều em chỉ mới học lớp 3-4, rất nhỏ so với độ tuổi lao động.

Chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ em Phạm Văn Huy, học sinh lớp 6/1, Trường THCS bán trú Long Quảng, than thở: “Tui thấy buồn và xấu hổ quá. Huy bỏ học mà nói mãi không nghe, ba nó đánh mà nó vẫn không chịu đến trường, bảo con học không vô. Giáo viên nhiều lần đến vận động, khi thì nó bỏ trốn, khi gặp thì trước mặt nó đồng ý, nhưng thầy cô về thì kiên quyết không chịu đến trường”. Cũng theo chị Hiền, gia đình chị có 3 người con, bé lớn học lớp 9 thì bỏ học theo bạn đi TP. Hồ Chí Minh tìm việc làm. Huy cũng bỏ học từ lớp 6, chỉ còn người con út lớp 5 đang tiếp tục học, nhưng chị lo ngại nó sẽ học theo con đường của anh chị.

Nhiều giáo viên cho rằng, công tác vận động học sinh trở lại trường hết sức khó khăn, vì phần đông các em không còn ở địa phương. Nhiều phụ huynh muốn cho con trở lại trường nhưng thuyết phục bất thành. “Cha mẹ thấy chúng tôi đến nhiều quá, họ cũng cố gắng khuyên con nhưng bất lực. Một số học sinh buổi tối vẫn còn thấy ở nhà, nhưng sáng mai tìm mãi không thấy, sau đó thì điện thoại về báo con đang ở TP Hồ Chí Minh”, cô Hồng chia sẻ.

Tìm giải pháp ngăn chặn

Theo Phòng GD&ĐT huyện Nam Đông, tính đến ngày 9/3/2015, toàn huyện có 89 học sinh bỏ học, trong đó có 25 học sinh ở xã Thượng Long, nhưng đến nay, số học sinh bỏ học ở xã Thượng Long đã tăng lên thành 52 (2 em đã trở lại trường), chiếm tỷ lệ lớn nhất huyện. Mặc dù UBND huyện và Phòng GD&ĐT huyện Nam Đông có nhiều công văn chỉ đạo, trực tiếp xuống địa phương phối hợp với chính quyền cùng các trường đến nhà vận động học sinh nhưng chưa hiệu quả do nhiều học sinh đã đi xa làm ăn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại địa phương và các trường đều đã thành lập ban chỉ đạo công tác vận động, thuyết phục học sinh trở lại lớp. Nhiều trường còn khuyến khích hỗ trợ vật chất, như: áo quần, sách vở, dụng cụ học tập để các em yên tâm đến trường nhưng các giải pháp này vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Theo thầy Toàn, vào dịp Tết, một bộ phận thanh niên xa quê làm ăn trở về xài điện thoại xịn, tóc tai nhuộm màu, áo quần đắt tiền. Nghe lời rủ rê một số em bỏ học vào Nam kiếm tiền.

Ông Phạm Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Thượng Long tâm tư, ngoài việc làm tốt công tác khuyến học, xã nhiều lần tổ chức họp để lắng nghe chia sẻ từ phía học sinh. “Chúng tôi vận động, khuyên các em cố gắng học hết cấp 3, hoặc khó khăn quá thì học hết cấp 2 rồi đi học nghề. Nhưng các em chưa xác định được tầm quan trọng của việc học, ham chơi, nghỉ học nhiều dẫn đến hổng kiến thức và theo bài không kịp. Tư tưởng phụ huynh suy nghĩ đầu tư cho con học tốn kém, ra trường kiếm việc làm khó khăn nên khó vận động”.

Tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng bỏ học, nhất là thời điểm mùa thi đang đến gần, ông Cường cho biết đã phân công lực lượng công an viên theo dõi những đối tượng rủ rê học sinh bỏ học. “Vừa rồi, lực lượng công an bắt gặp một trường hợp đưa trẻ em đi lao động đã kịp thời ngăn chặn và đưa trở lại địa phương”, ông Cường kể.

Ông Lê Quang Thẩm, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Đông, cho biết, khó khăn lớn nhất là số học sinh đã bỏ đi nơi khác làm ăn. “Với những học sinh còn ở lại địa phương, chúng tôi đã phân công cán bộ phòng kết hợp với hiệu trưởng từng trường theo dõi và vận động các em trở lại trường. Quyết tâm lớn nhất là không để học sinh bỏ học trước mùa thi”.

Hiện nay, một số trường cũng đã thực hiện theo dõi sĩ số hằng ngày, đến tận nhà học sinh nghỉ đến buổi học thứ 2 để vận động. Ngoài giải pháp tuyên truyền vận động và hỗ trợ vật chất, theo lãnh đạo địa phương và hiệu trưởng các trường, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nhận thức của phụ huynh và học sinh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top