ClockThứ Bảy, 23/07/2016 05:36
THẤT THU THUẾ TRONG KINH DOANH NHÀ HÀNG, KHÁCH SẠN TƯ NHÂN:

Nhiều kẽ hở - Kỳ II:Nan giải

TTH - Muốn thanh, kiểm tra phải có kế hoạch được phê duyệt và thông qua, quan trọng hơn là phải thông báo trước cho doanh nghiệp. Đó là khẳng định của lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Huế.

Nhiều kẽ hở - Kỳ I: Chuyện cái hóa đơn đỏ

“Xui mới bị phạt!”

Thời điểm này, Chi cục thuế TP. Huế đang tiến hành kiểm tra một số nhà hàng, khách sạn tư nhân… về công tác kê khai, nộp thuế. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn tham gia cùng đoàn, lãnh đạo Chi cục Thuế TP. Huế cho rằng, việc này ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nên phải chờ xin ý kiến, sau đó, tìm cách từ chối khéo.

Được quyền kê khai bổ sung những khoản thuế bị thiếu, kẽ hở này là “điều kiện tốt” để người kinh doanh lách luật, vi phạm chính sách pháp luật thuế (Trong ảnh: Hướng dẫn kê khai thuế tại Cục Thuế tỉnh)

Được biết, tất cả các chương trình, kế hoạch kiểm tra, thanh tra thuế đều phải xây dựng từ đầu năm và có xét duyệt của lãnh đạo Cục Thuế tỉnh. Các doanh nghiệp nằm trong danh sách, thanh kiểm tra đều được thông báo cụ thể thời gian thanh, kiểm tra để chuẩn bị các thủ tục cần thiết. Doanh nghiệp được phép kê khai tất cả các khoản thu chưa tính thuế để nộp lên cơ quan có thẩm quyền. Kể cả trong thời gian thanh, kiểm tra, doanh nghiệp cũng có quyền tiếp tục nộp tờ khai mà không bị xử lý. Điều đó có nghĩa, nếu cố tình kê khai sai, gian lận, trốn thuế, thì khi thanh, kiểm tra, doanh nghiệp vẫn “ở trong vùng an toàn”.

Kẽ hở này khiến nhiều doanh nghiệp “nhờn” luật, cố tình chậm kê khai, nộp thuế nếu không nằm trong diện, thanh, kiểm tra. Chỉ tính tiền thuế chậm nộp, doanh nghiệp hưởng lợi khá nhiều. Do đó, không có gì khó hiểu nếu doanh nghiệp tìm cách chậm hoặc không kê khai, không cung cấp hóa đơn VAT cho khách hàng.

Trong một số cuộc “trà dư, tửu hậu”, những người kinh doanh các dịch vụ nêu trên bông đùa: “Chỉ có xui mới bị phạt”, bởi họ nắm quá rõ quy trình, quy định. Đó là chưa nói, việc thanh, kiểm tra, chủ yếu chỉ dựa trên sổ sách kế toán. Nếu kế toán làm gian dối, nhưng “chặt chẽ” thì có thanh, kiểm tra cũng khó phát hiện sai sót?

Chưa có giải pháp khả thi

Không dưới vài lần chúng tôi đề cập đến các giải pháp chống thất thu thuế ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn tư nhân, nhà nghỉ, quán ăn, khi đây là ngành kinh tế mũi nhọn của không riêng TP. Huế mà cả tỉnh. Song, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cho rằng, đều phải làm theo các quy định. Muốn thanh kiểm tra phải theo kế hoạch. Chúng tôi đề cập đến việc thanh, kiểm tra đột xuất, nhưng giải pháp này chỉ nhận được cái lắc đầu.

Theo quy định của chính sách pháp luật thuế, người kinh doanh, doanh nghiệp, người dân… đều có trách nhiệm tự kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế chỉ kiểm tra khi có đánh giá mức độ rủi ro, nghĩa là có khả năng xảy ra những sai sót, kể cả kê khai thiếu, gian lận, trốn thuế… để xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra, truy thu, xử phạt… Việc thanh, kiểm tra theo quy định trong vòng 5 năm, 1 doanh nghiệp chỉ được thanh kiểm tra một lần, nên nếu muốn, ngành thuế cũng khó làm khác.

Lãnh đạo ngành thuế cũng thừa nhận, gần như năm nào việc thanh, kiểm tra thuế nói chung cũng phát hiện sai phạm và truy thu hàng chục tỷ đồng. Các chi cục thuế trực thuộc, ít cũng được vài tỷ đồng. Thế nhưng, việc này khó triển khai thường xuyên, do thiếu cơ chế, chính sách.

Theo chúng tôi được biết, ngoài thanh, kiểm tra của ngành thuế, cảnh sát kinh tế cũng có trách nhiệm trong việc theo dõi các cá nhân, tổ chức trốn thuế. Song, quá trình này mất khá nhiều thời gian và phải có đầy đủ bằng chứng mới khởi tố.

Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán nhậu,…, việc kiểm tra còn khó khăn hơn, do báo cáo bán hàng hàng tháng đều do các chủ cơ sở tự thực hiện. Nếu có yêu cầu xem xét các tài liệu liên quan về doanh số trong tháng, ngày, các cơ sở này lách luật bằng cách báo máy hư, mạng không kết nối xóa bớt các dữ liệu nhằm giảm doanh số bán hàng, đồng nghĩa với giảm số tiền thuế phải nộp. Nếu không có giải pháp quyết liệt, câu chuyện thất thu thuế ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn tư nhân, nhà nghỉ… sẽ khó có hồi kết.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hạn chế rủi ro thuế khi phát sinh giao dịch liên kết

Giao dịch liên kết là một trong những vướng mắc gặp phải của các kế toán doanh nghiệp trong quyết toán thuế năm 2023. Vì thế, ngoài hướng dẫn xác định giao dịch liên kết và các quy định liên quan, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp cần hiểu và nắm được nội dung phải kê khai giao dịch liên kết để hạn chế rủi ro khi kê khai, quyết toán thuế.

Hạn chế rủi ro thuế khi phát sinh giao dịch liên kết
Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi
Đồng hành trong quyết toán thuế

Ngày 21/3, Cục Thuế tỉnh tổ chức chương trình hỗ trợ quyết toán thuế năm 2023 tại bộ phận một cửa của cơ quan Cục Thuế tỉnh.

Đồng hành trong quyết toán thuế
Return to top