ClockThứ Sáu, 22/05/2015 09:30

“Nhiều người không chịu được Khánh Ly hát nhạc Trịnh”

TTH.VN - Nữ danh ca ví mình và Trịnh Công Sơn là mối tình đầu trong âm nhạc nhưng không có nghĩa là mối tình đó không bao giờ bị thay thế. Khánh Ly nói, cũng có người phê bình thẳng thắn khi nghe bà hát nhạc Trịnh...

Duyên và nợ của “cặp tình nhân trong âm nhạc”- Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã trở thành niềm cảm hứng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài viết dưới đủ góc độ của ngòi bút.

Người ta nói, Trịnh Công Sơn sáng tác chỉ dành cho giọng hát Khánh Ly, và Khánh Ly sinh ra làm ca sĩ cũng chỉ vì… nhạc Trịnh mà thôi. Hoàn cảnh đất nước chiến tranh khói lửa cùng số phận riêng cô đơn, thiếu tình thương khiến Khánh Ly sống gần như thân phận của cô gái bụi đời. Lối hát như chơi, tưởng như dửng dưng, vương sự từng trải, chút bụi bặm của bà khít khao với chất nhạc Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn - Khánh Ly biểu diễn ở Quán Văn
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly biểu diễn ở Quán Văn

Sự đồng cảm của hai trái tim nghệ sĩ sinh cùng thời, nhạy cảm, dễ tổn thương và giàu sự lãng mạn khiến Khánh Ly hát nhạc Trịnh một cách đơn giản, như sự giãi bày, như kể về chính nỗi niềm của mình. Vì thế, Khánh Ly từng nói, dù không có bài nào Trịnh Công Sơn viết riêng cho bà nhưng bà cảm nhận tất cả các ca khúc đều như viết về mình.

Không chỉ gắn bó trong âm nhạc, ngoài đời chuyện tình cảm giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn cũng vượt xa những nhận định thông thường. Khi hay tin Trịnh Công Sơn “rời cõi tạm” năm 2001, bà đang sinh sống tại Mỹ đã ngất và phải vào viện cấp cứu. Bà nói: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn”.
 
“Ông Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi, khi ông mất một nửa cuộc đời của tôi cũng mất theo. Tuy là bố mẹ sinh ra tôi nhưng người cho mình cuộc sống lại là ông Trịnh Công Sơn. Ông là một người ơn đối với tôi, ông không đơn thuần chỉ là một nhạc sĩ, ông giống như bạn của tôi, anh của tôi, hơn nữa là một người cha. Tôi nợ ông Trịnh Công Sơn cả đời sống này bởi những điều ông làm cho tôi nhiều hơn những điều bố mẹ làm cho tôi”, Khánh Ly chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Khánh Ly hát nhạc Trịnh trên sân khấu Hà Nội

Khánh Ly hát nhạc Trịnh trên sân khấu Hà Nội

Chính vì bóng dáng quá sâu đậm của Khánh Ly trong thánh địa nhạc Trịnh, mà cho đến thời điểm này, dù nhiều ca sĩ dấn thân vào nhưng số người “được chấp nhận” cũng chỉ có Hồng Nhung?

Dù có ưu điểm về sức trẻ, sự hồn nhiên, tinh tế và giọng hát mềm mại, có văn hóa nhưng “cô Bống” của Trịnh vẫn bị những khán giả cực đoan “nâng lên đặt xuống” bên cạnh tiếng hát Khánh Ly. Họ cho rằng, cách hát làm mới nhạc Trịnh, “đưa nhạc Trịnh về phía dương” của Hồng Nhung không đúng chất nhạc Trịnh.
 
Có thông tin cho rằng, ngay cả ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh- em gái cố nhạc sĩ họ Trịnh cũng từng không chấp nhận giọng hát thuở ban đầu khi Hồng Nhung bước về phía nhạc Trịnh?!
 
Dù rất yêu nhưng nhiều giọng hát sau này vẫn ngần ngại, thậm chí không tự tin để bước vào thánh địa nhạc Trịnh vì những khán giả cực đoan chỉ chấp nhận Khánh Ly.

Cặp tình nhân trong âm nhạc cùng đi qua tuổi trẻ hát ca, từng chia ngọt sẻ bùi với nhau
Cặp tình nhân trong âm nhạc cùng đi qua tuổi trẻ hát ca, từng chia ngọt sẻ bùi với nhau

Chia sẻ về vấn đề này, ca sĩ Tấn Minh bày tỏ: “Nếu tôi là cô Khánh Ly, tôi mong các thế hệ tiếp theo hát nhạc Trịnh. Ngay tức thì chưa thỏa mãn một số người nhưng nên cởi mở đón nhận luồng gió mới để các bạn trẻ có cơ hội được hát. Giọng hát qua nhiều năm sẽ trưởng thành và chín chắn hơn chứ không thể đòi hỏi họ có được ngay sự già dặn như cô Khánh Ly. Bản thân tôi, tôi muốn ca sĩ hát đúng tuổi.”

Trước tâm sự của ca sĩ Tấn Minh, tại buổi gặp mặt một số phóng viên mới đây tại Hà Nội, Khánh Ly cởi mở khuyến khích các nghệ sĩ trẻ hãy làm gì mình muốn, hãy hát nhạc Trịnh nếu yêu thích và đừng suy nghĩ về những lời khen chê.
 
 “Đồng ý là tôi và ông Trịnh Công Sơn là mối tình đầu trong âm nhạc, nhưng không có nghĩa là mối tình đó không bao giờ bị thay thế. Cũng phải có lúc mối tình đầu qua đi để còn yêu mối tình thứ hai chứ? Tôi không cảm thấy khó chịu khi nghe những người trẻ hát nhạc của ông Sơn.
 
Những người trẻ bây giờ dĩ nhiên không thể nào hát giống như tôi. Hẳn là họ cũng không muốn hát giống tôi và đó là lựa chọn đúng. Họ có quyền hát theo cảm xúc của mình. Khi phẫn nộ, họ có thể hát ca khúc Da Vàng, khi đang yêu họ có thể hát những bản tình ca của ông Sơn theo cách riêng của họ. Chúng ta nên khuyến khích người trẻ hơn là chê bai hay đem họ ra so sánh với Khánh Ly. Nếu có người nói không ai hát bằng Khánh Ly như thế chưa hẳn tôi đã vui. Tôi thấy nhận xét đó không còn hợp thời nữa”, nữ danh ca nói.
 
Bà thẳng thắn khi cho rằng: “Không phải ai cũng nói chỉ Khánh Ly hát được nhạc Trịnh. “Cũng có nhiều người phê bình tôi thẳng thắn lắm. Có người bảo, tôi không thể chịu được Khánh Ly hát nhạc Trịnh.”

Khánh Ly: Khi sức đã cạn, lòng yêu của khán giả không đủ đối
với bà nữa thì phải đi thôi...
Khánh Ly: "Khi sức đã cạn, lòng yêu của khán giả không đủ đối với bà nữa thì phải đi thôi..."

Khánh Ly cũng tự trào rằng nhiều khi bà cảm thấy…xấu hổ và sợ người ta bảo “sao vẫn còn bà nội này” sau hơn 50 năm đi hát. Tuổi già không ai tránh được, chỉ là mình còn yêu cuộc đời này hay không. Bà rất yêu cuộc sống này và nhận ra cuộc đời không bạc đãi gì mình. Nếu được sống thêm, được làm những điều mình yêu thích thì đó là ân sủng lớn của bề trên dành cho bà. Nếu không được thì 1-2 năm nữa, khi sức đã cạn, lòng yêu của khán giả không đủ đối với bà nữa thì phải đi thôi...

Bà còn nói: “Lúc đó, mình cũng nói như ông Trịnh Công Sơn: “Dù đến dù đi tôi cũng xin tạ ơn người/ Tạ ơn em đã cho tôi về chốn này để ngồi xây mãi cuộc vui”. Ông Sơn, ai phụ ông, ông cũng cám ơn. Đối với ông Sơn: “Yêu em thì lòng chợt từ bi bất ngờ”. Chỉ có tình yêu mới làm cho con người ta có lòng từ bi thôi. Nếu một ngày tiếng hát của tôi vẫn còn làm được điều gì, dù rất nhỏ, dù chỉ còn một ngày thôi, tôi sẽ vẫn sống như thế…”

Theo Dân Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top