ClockThứ Tư, 24/10/2012 05:54

Nhiều tiềm năng, lắm thách thức - Bài 1: Khát vọng đổi đời

TTH - Phong Điền có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế trang trại, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại là vấn đề đặt ra.

Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nông dân ở các xã vùng cát nội đồng, vùng gò đồi và vùng bàu cát, vùng cát ven biển của huyện Phong Điền mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại với khát vọng đổi đời...

 

Làm trang trại theo cách người nghèo

 

 Ngoài kinh tế trang trại người dân còn đầu tư thêm các ngành nghề khác để tăng thu nhập

 

Ngay từ những năm sau giải phóng, Nhà nước có chính sách kêu gọi người dân khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Không đắn đo, ông Hồ Viết Ẩn, xã Phong Xuân nhận đất khai hoang để làm trang trại. Không tìm nơi thuận tiện như mọi người, ông xin vào tận vùng đất khó khăn nhất để làm. “Ở thời điểm đó, đây là một vùng đất hoang vu, nhưng tui nghĩ bù lại, mình sẽ nhận được nhiều đất hơn và có thời gian để làm từ từ vì nghèo, không có tiền để làm một lúc được” – ông Hồ Viết Ẩn giải thích.

Nhận được đất, ông Ẩn huy động cả gia đình vợ chồng, con cái vào cắm trại, phát rừng mở đất. Ý định làm trang trại, nhưng gia đình ông Ẩn cũng chỉ có sức người là chủ yếu. Chưa khai hoang được đám đất nào, gia đình ông Ẩn đã rơi vào cảnh tiền hết, gạo vơi. Nhiều bữa, dốc hết ba lô cũng chỉ còn được bơ gạo, cả gia đình phải trộn cả mớ rau má vào nấu cháo mà húp cho đằm bụng để có sức khai hoang. Khai hoang đến đâu, ông Ẩn quy hoạch trồng trọt đến đó. Lúc đầu trồng các loại cây ngắn ngày, như lạc, đậu, sắn... Sau vài năm, không còn phải lo chuyện “đói” nữa mà bắt đầu chuyển sang trồng các cây dài ngày như tiêu, cao su... Đó là cách duy nhất để người tay trắng như mình làm trang trại”- ông Ẩn tâm sự.

 

“Trong những lần quanh quẩn chuyện tiền nong, tui bỗng nảy ra ý nghĩ, đất canh tác không thiếu, vì răng mình không lập trạng trại phát triển kinh tế?” Nghĩ sao, làm vậy, hôm sau, ông Đoàn Văn Dưng, xã Phong Hòa huy động cả gia đình lên động cát, đắp đê chống cát bay, rồi đào mương dẫn nước để cải tạo đất cát thành đất sản xuất. Dân quanh vùng ai cũng ái ngại. Có người bảo: “Nhìn mô cũng thấy cát, “eng” làm cái chi chi rứa? Họ nói làm tui lo lắm. Lúc đó, không có ai làm theo “kiểu” như tui cả”. Những ngày mới bắt tay vào làm kinh tế trang trại cũng là những ngày đầy gian khó, bởi các con còn nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu vốn, chưa hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Tui cùng vợ phải đảm nhiệm hầu hết các công việc, từ việc học hỏi quy trình kỹ thuật trồng cây đến chăm sóc cây, hì hục đào ao, đắp bờ thả cá, nuôi vịt…” Ông Đoàn Văn Dưng nhớ lại.

 

Những năm gần đây, kinh tế trang trại giúp nông dân Phong Điền đỡ chật vật hơn. Không giàu, nhưng nhiều hộ đủ ăn, từ khó khăn, vươn lên khá giả. “Lấy ngắn, nuôi dài” là phương châm mà nhiều người làm kinh tế trang trại đúc rút. Đó là cách làm trang trại của những người nghèo, thiếu vốn, thiếu nhân lực. Trang trại tổng hợp vẫn là hướng lựa chọn của khá nhiều nông dân ở Phong Điền. Ông Trần Ngọc Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền thống kê: “Toàn huyện hiện có 151 trang trại, với gần 1.000 ha. Trong đó, có 89 trang trại tổng hợp, 9 trang trại trồng rừng, 13 trang trại nuôi trồng thủy sản; 33 trang trại trồng cao su và 6 trang trại chăn nuôi.

 

Đổi đời từ trang trại...

 

Nhiều năm bền gan với đồi núi trọc, gia đình ông Hồ Viết Ẩn đã có trong tay một cơ ngơi khá lớn. Chúng tôi thật sự bị hút hồn bởi những vườn cây trái sum suê trĩu quả, những vườn tiêu xanh mướt, ao cá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có lúc cao điểm, trang trại của gia đình ông Ẩn có cả chục lao động thời vụ được thuê đến để phục vụ sản xuất kinh doanh. Ông Ẩn nói như khoe: “Mỗi năm, trang trại mang lại nhu nhập cho gia đình khoảng 100 đến 200 triệu đồng. Mong rằng, trang trại của gia đình tui sẽ có thu nhập cao hơn gấp đôi, gấp ba lần từ những năm sau”.

 

Không cam chịu đói nghèo, vợ chồng ông Đoàn Văn Dưng đã xây dựng thành công mô hình kinh tế trang trại, với tổng số heo hiện có là 60 con. Mỗi năm gia đình ông xuất chuồng khoảng từ 14 đến 15 tấn thịt, thu về gần 800 triệu đồng. Riêng khu rừng tràm, keo với 8 ha, mỗi đợt thu hoạch thu lãi được 100 triệu đồng; ao cá rộng 0,3 ha với nhiều loại cá có giá trị cao như cá trê, cá rô phi. Tổng thu nhập mỗi năm từ kinh tế trang trại của gia đình ông lên tới gần 900 triệu đồng. Vợ chồng ông Dưng đang là chủ sở hữu của ngôi nhà rộng rãi, khang trang nằm cạnh con đường bê tông sạch đẹp; 5 người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định và đạt được thành tích tốt trong học tập. Ông Đoàn Văn Dưng phấn khởi: “Sự trưởng thành của các con chính là niềm an ủi động viên lớn nhất để vợ chồng tui tiếp tục vươn lên làm giàu từ kinh tế trang trại”.

 

Việc phát triển kinh tế trang trại ở những nơi có điều kiện bao giờ cũng đi liền với việc khai thác và sử dụng một cách đầy đủ và hiệu quả các loại nguồn lực trong nông nghiệp nông thôn, ông Hồ Đăng Vang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.

“Xã có 40 trang trại trồng cây lâm nghiệp, với 4.000 ha rừng keo và 1.270 ha cao su. Gần 100% hộ dân của xã có diện tích rừng và cao su, cho thu nhập vài trăm triệu đồng/hộ/năm. Hiện tại, số hộ thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên từ kinh tế trang trại ở bản Khe Trăng là gần 20 hộ. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Muốc có trong tay 6 ha cao su, 27 ha rừng keo lai, 3 ha sắn công nghiệp. Tính riêng 6 ha cao su, ông Muốc thu nhập 400 triệu đồng/năm”. Kinh tế trang trại đã làm đổi đời không ít hộ dân trong xã. Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ phấn khởi.

 

Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền cho thấy: Trong số 151 trang trại, có từ 40 trang trại trồng cây cao su cho thu nhập lớn nhất, từ 100 đến 500 triệu đồng/trang trại/năm; 3 đến 5 trang trại cho thu nhập khá, khoảng vài trăm triệu đồng/năm. Các trang trại có diện tích trồng rừng lớn, thu nhập chủ yếu dựa vào chăn nuôi và trồng cây ngắn ngày. Những trang trại này có doanh thu bình quân từ 50 đến 200 triệu đồng/năm. Riêng trang trại tổng hợp cho thu nhập tương đối thấp, từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, nhưng khá ổn định.

Bài, ảnh: Anh Phong

Kỳ II: Bài toán cho kinh tế trang trại

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao
Return to top