ClockThứ Ba, 29/06/2021 06:45

Nhiều tiện ích từ dịch vụ chữ ký số

TTH - Sau hơn 10 năm cung cấp trên thị trường, dịch vụ chữ ký số công cộng (CKSCC) đã đáp ứng được nhu cầu đa dạng cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân sử dụng…

Doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ

Giới thiệu chữ ký số của VNPT đến khách hàng

Lợi ích của chữ ký số thời 4.0

Được ra mắt từ năm 2009, đến nay, đã có 14 đơn vị được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp mới giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKSCC, trong đó, có các DN viễn thông, công nghệ hàng đầu như VNPT, BKAV, Viettel, FPT…

Theo lãnh đạo VNPT Thừa Thiên Huế, dịch vụ CKSCC được áp dụng phổ biến trong các giao dịch thương mại điện tử nhằm chứng thực người tham gia giao dịch, xác thực tính an toàn của giao dịch điện tử qua mạng.

Chữ ký số (CKS) có giá trị pháp lý và được coi là chứng cứ ký số vào thông điệp dữ liệu (văn bản, chứng từ, hoá đơn điện tử…). Đặc biệt, CKS giúp các tổ chức, DN, cá nhân thực hiện chuyển tiền, giao dịch chứng khoán và mua bán và đấu thầu qua mạng.

Ngoài ra, CKS cũng được ứng dụng phổ biến trong chính phủ điện tử với các hoạt động: khai sinh, khai tử; cấp các loại giấy tờ và chứng chỉ. Đồng thời, sử dụng cho khai báo hải quan, thuế điện tử; hệ thống nộp hồ sơ xin phép ở các lĩnh vực xây dựng, y tế, giáo dục, xuất bản…

“Ứng dụng không thể thiếu, rất tiện lợi cho DN” là nhận xét chung của các đơn vị, DN đang sử dụng dịch vụ CKS.

Anh Phạm Hoàng Nam, kế toán DN xây dựng ở TP. Huế cho biết, công ty anh sử dụng dịch vụ này 3 năm nay và nó “đem lại nhiều lợi ích, giúp công việc của đơn vị ngày càng thuận lợi”.

Theo anh Nam, “bảo mật, an toàn và giúp tiết kiệm chi phí về thời gian, đi lại” là những lợi ích “thấy rõ” khi dùng CKSCC.

Anh Hải, Giám đốc DN Thương mại dịch vụ VT chia sẻ, trước đây, để ký kết hợp đồng, anh phải đi gặp khách hàng cả chục lần. Điều này không chỉ mất thời gian cho cả hai bên mà còn tốn kém nhiều chi phí: in ấn, đi lại, lưu trữ. Khi đến hạn nộp thuế, ngoài việc “ngập” trong đống giấy tờ, sổ sách, DN phải thống kê, đến địa điểm nộp thuế rồi ký kết… “Những việc này mất rất nhiều thời gian và có thể sai sót, nhầm lẫn trong việc làm thủ tục. Nhưng khi có CKS DN, mọi việc trở nên dễ dàng”.

“Chúng tôi có thể kê khai thuế trực tuyến cũng như ký hợp đồng với đối tác mà không cần ngồi trực tiếp với nhau. Chỉ cần ký vào file hợp đồng và gửi qua email. DN còn có thể tiếp cận cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế”, anh Nam nói.

Hỗ trợ chữ ký số cho doanh nghiệp mới thành lập

Theo ông Nguyễn Đình Thịnh, Giám đốc Phòng Khách hàng tổ chức DN – Trung tâm Kinh doanh VNPT tỉnh, tại Thừa Thiên Huế, qua hơn 10 năm triển khai, đến nay, việc ứng dụng CKSCC khá phổ biến. 3 năm trở lại đây, số DN sử dụng CKSCC tăng mạnh. Nhất là từ khi Cục thuế tỉnh yêu cầu 100% đơn vị khai báo thuế qua mạng, các DN bắt buộc phải sử dụng CKS của các nhà cung cấp dịch vụ để khai báo.

Đến nay, đa phần các DN đều có tối thiểu 1 CKS đại diện cho DN, chưa kể nhiều đơn vị dùng 2-3 CKS để thực hiện các giao dịch điện tử.

“Đúng ra từ tháng 11/2020 đã áp dụng 100% DN phải có CKS theo quy định của Bộ Tài chính nhưng do tình hình dịch bệnh, Chính phủ có gia hạn cho các DN, Cục thuế tỉnh đã phối hợp với VNPT triển khai tập huấn cho các DN còn lại trên địa bàn, phấn đấu đến cuối 2021 đạt gần 100% DN có CKSCC”, ông Thịnh nói.

Sau thuế điện tử là Hải quan điện tử, Bảo hiểm xã hội điện tử, gần đây Kho bạc Nhà nước cũng triển khai dịch vụ công điện tử, vì vậy, DN phải dùng CKS trong các giao dịch của mình. Thị trường CKS vì vậy có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Tại Thừa Thiên Huế, VNPT, Viettel là những đơn vị đi đầu, nhà cung cấp chính dịch vụ CKS cho DN, tổ chức, cá nhân. Trong đó, thị phần CKS của VNPT tại tỉnh chiếm từ 55-60%.

Theo ông Thịnh, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều DN Thừa Thiên Huế chưa cao nên rất cần sự hỗ trợ của đơn vị cung cấp, nhất là nhà cung cấp tại địa bàn. “Ngoài chính sách giá tốt, ưu thế của VNPT là chúng tôi có đội ngũ “trực chiến” hỗ trợ trực tiếp (tại 51 Hai Bà Trưng) bao quát chung toàn tỉnh, đồng thời, tại các huyện, thị cũng có các nhân viên sẵn sàng giúp đỡ tận nơi. Ngoài ra, VNPT còn có tổng đài toàn quốc để “gỡ khó” từ xa”, ông Nguyễn Đình Thịnh cho biết.

Hiện VNPT đang cung cấp gói hỗ trợ miễn phí CKS cho 300 DN mới thành lập (từ 9/2020 đến 9/2021) của tỉnh. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận đơn đề nghị hỗ trợ của DN và VNPT thực hiện cung cấp CKS miễn phí. Kinh phí do tỉnh hỗ trợ. Đến nay, VNPT đã hỗ trợ CKS cho hơn 290/300 DN mới thành lập.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển

Tuy tiềm năng du lịch biển Việt Nam nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng rất lớn, nhưng hiện vẫn đang chủ yếu được khai thác ở mức độ đơn giản với các hoạt động tắm biển và ăn uống thông thường. Du lịch biển cần thêm các hoạt động, dịch vụ bổ trợ.

Thêm dịch vụ bổ trợ cho du lịch biển
Kết nối việc làm với hơn 9.000 vị trí cần tuyển dụng

Sáng 19/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL) tổ chức Tháng giao dịch việc làm với chủ đề "Mùa xuân kết nối việc làm" nhằm đẩy mạnh công tác kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, cơ sở đào tạo tuyển sinh học nghề đạt hiệu quả.

Kết nối việc làm với hơn 9 000 vị trí cần tuyển dụng
Return to top