ClockThứ Ba, 27/12/2016 14:52

Nhìn lại nước Nga của năm 2016: Sóng cả chẳng ngã tay chèo

Giá dầu mỏ, từng mang lại nguồn thu hơn 50% ngân sách, lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, đồng nội tệ trong tình trạng "chạm đáy,"... được ví như những cơn "sóng cả" trong năm 2016 chực chờ "nuốt chửng" nước Nga, vốn bị điêu đứng sau thời gian dài oằn mình chống chọi với hàng loạt lệnh trừng phạt của Phương Tây.

5 sự kiện chính trị đáng chú ý của Nga năm 2016Forbes bình chọn Tổng thống Putin là người quyền lực nhất thế giới năm 2016Thông điệp Liên bang Nga 2016: Tập trung vào vấn đề đối nội

(Nguồn: Shutterstock)

Thậm chí, tới những ngày cuối cùng của năm, “vận đen” dường như vẫn chẳng chịu buông tha nước Nga.

Chưa hết bàng hoàng trước tin Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị sát hại tại thủ đô Ankara, cả nước Nga lại hứng chịu nỗi đau khôn cùng trong ngày quốc tang tiễn biệt 92 người, hầu hết là nghệ sỹ quân đội, nhà báo và cả nhà hoạt động nhân đạo, tử nạn trong vụ máy bay rơi tại Biển Đen đúng ngày Giáng sinh 25/12.

Có thể nói, nước Nga đã trải qua một năm 2016 nhiều thử thách và cam go, lắm đau thương và mất mát. Song, một lần nữa, bản lĩnh Nga, vốn được ví như cây bạch dương trong bão tuyết, lại trỗi dậy mạnh mẽ, đưa “con thuyền” nước Nga vượt qua sóng dữ khi duy trì được sự ổn định xã hội, kinh tế tăng trưởng và vị thế của Nga không ngừng được củng cố trên trường quốc tế.

Năm 2016 được xem là một năm thành công của kinh tế Nga trong bối cảnh mọi yếu tố bên ngoài đều không thuận lợi, nhất là các lệnh trừng phạt của Phương Tây nhằm vào Moskva suốt 2 năm qua tiếp tục được siết chặt.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg hồi tháng Sáu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định nước Nga đã gần như vượt qua thời kỳ suy thoái và nền kinh tế đang có những điều kiện cần thiết cho sự tăng trưởng.

Nga đã đảm bảo được sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô khi dự trữ tài chính đạt gần 400 tỷ USD, lạm phát được khống chế ở mức 5,8% và tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 0,3%. Nói một cách khác, nền kinh tế Nga đã “đứng vững trên đôi chân của mình.”

Đây là tiền đề quan trọng để ông Putin quyết định giao chính phủ lên kế hoạch hướng tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn trong thời gian tới, cũng đồng nghĩa với việc nâng vị thế của Nga trong nền kinh tế toàn cầu.

Có vẻ như trong thế bị “dồn vào chân tường” bởi những lệnh trừng phạt kinh tế liên tiếp của Phương Tây và giá dầu sụt giảm mạnh, nền kinh tế Nga đang thích nghi với những điều kiện mới.

Không còn cách nào khác, Nga buộc phải tích cực phát huy sức mạnh nội lực, tăng cường mở rộng quan hệ kinh tế, đặc biệt là với khu vực châu Á-Thái Bình Dương,... đồng thời quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế. Hàng loạt chính sách, chương trình nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài và vực dậy nền kinh tế "ốm yếu" đã được ban hành kịp thời.

Chỉ tính riêng năm 2016, Nga đã chi 827,7 tỷ ruble cho chương trình chống khủng hoảng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thay thế nhập khẩu, xuất khẩu những sản phẩm phi năng lượng, ngành sản xuất ôtô, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, xây dựng nhà...

Những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Nga đã được đền đáp xứng đáng khi một loạt lĩnh vực kinh tế từ công nghiệp quốc phòng, ngân hàng, công nghệ thông tin thực sự có bước tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt ngành nông nghiệp đã vươn lên vị trí số một thế giới về xuất khẩu lúa mỳ.

Giới chuyên gia cho rằng với các điều kiện thuận lợi về diện tích rộng lớn, khí hậu thuận lợi, chỉ cần một chính sách phát triển phù hợp là đủ để Nga có thể trở thành siêu cường về nông nghiệp và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Dự kiến, xuất khẩu nông sản của Nga trong năm nay lên tới 16,9 tỷ USD, cao hơn mức xuất khẩu vũ khí khoảng 25%.

Bên cạnh việc vực dậy nền kinh tế, Tổng thống Putin còn tiến hành chiến dịch "bàn tay sắt" trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Một loạt tướng lĩnh, quan chức cấp cao dính líu tới tham nhũng lần lượt bị cách chức hoặc bị truy tố, trong đó có Bộ trưởng Phát triển kinh tế Aleksei Ulyukayev, người bị cáo buộc nhận hối lộ 2 triệu USD.

Sự kiên quyết, không khoan nhượng với nạn "quan tham" của nhà lãnh đạo Nga đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội Nga, bất chấp đời sống của họ trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh chung của đất nước.

Đặc biệt, giới đầu tư Phương Tây ngày càng quan tâm tới thị trường Nga. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga tăng lên 8,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay, nhiều hơn 5,9 tỷ USD của cả năm ngoái.

Giới doanh nhân Phương Tây thậm chí đã phát động một cuộc vận động yêu cầu chính phủ các nước Liên minh châu Âu (EU) xóa bỏ các lệnh trừng phạt Nga, bởi nó đi ngược lại lợi ích kinh tế của chính họ.

Không chỉ "chèo lái" nước Nga thoát khỏi tình trạng khó khăn chồng chất, Tổng thống Putin còn có những đối sách linh hoạt, nhưng rất quyết đoán và hiệu quả trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như đối phó với kế hoạch của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường vũ khí và sự hiện diện của quân đội ngay sát biên giới Nga.

Chiến dịch không kích của Nga chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đem lại kết quả rõ rệt, giúp Damacus đẩy lùi được lực lượng khủng bố, giành lại nhiều vùng lãnh thổ chiến lược, trong đó phải kể đến chiến thắng của quân đội Syria tại thành phố Aleppo.

Vai trò của Nga trong vấn đề Syria nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung ngày càng được khẳng định. Trong cuộc đối đầu "cân não" với Phương Tây, lợi thế cũng đang nghiêng về nước Nga khi bất đồng giữa các nước Phương Tây xung quanh việc tiếp tục trừng phạt Moskva không ngừng gia tăng và ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ Nga.

Các nước Phương Tây đã buộc phải thừa nhận thực tế rằng nước Nga có vị thế quan trọng trên trường quốc tế, đặc biệt là vai trò của Moskva trong giải quyết cuộc xung đột Syria.

Các tổ chức đa phương mà Nga khởi xướng và tham gia như “Liên minh kinh tế Á-Âu” đang được củng cố, thậm chí có thêm thành viên mới.

Đáng chú ý, căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, bùng phát sau vụ máy Su-24 của Nga bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn ở khu vực gần biên giới Syria tháng 11/2015, đã chính thức khép lại khi Tổng thống Putin tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Ankara.

Vụ Đại sứ Nga bị ám sát cũng không ảnh hưởng tới đà cải thiện của quan hệ song phương, mà trái lại càng khiến hai bên xích lại gần nhau hơn, đặc biệt trong cuộc chiến chống khủng bố.

Quan hệ “mặn nồng trở lại” giữa hai nước chẳng những đáp ứng lợi ích thiết thực của cả Moskva và Ankara, với tư cách là hai đối tác kinh tế chủ chốt của nhau, mà còn là yếu tố tích cực thúc đẩy việc phối hợp giải quyết nhiều vấn đề khu vực, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Syria.

Tổng thống Vladimir Putin. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong khi đó, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Nga Putin tới Nhật Bản hồi giữa tháng 12 không chỉ đem lại một loạt thỏa thuận kinh tế với tổng trị giá lên tới 2,6 tỷ USD, mà còn mở ra cơ hội để hai nước giải quyết những bất đồng về lãnh thổ tồn tại hơn 70 năm qua, hướng tới một hiệp ước hòa bình.

Xét trong bối cảnh chung hiện nay, có thể nói rằng những năm tháng khó khăn nhất của nước Nga do tác động của những biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như gây sức ép chính trị của Phương Tây, đã qua.

Nga đã xây dựng được nền tảng cơ bản, tạo đà cho sự phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu tối đa sự tác động từ bên ngoài. Một nước Nga đã mạnh mẽ, vững vàng vượt qua “sóng dữ” có thể ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trên trường quốc tế./.

Theo Vietnam+

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhìn lại một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam

Đã một năm kể từ khi bắt đầu cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam. Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn thể người dân, chúng ta đã khống chế thành công các ổ dịch.

Nhìn lại một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam
Nhìn lại các hành vi coi thường pháp luật của một số đan sĩ đan viện Thiên An

Thời gian gần đây, người dân xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy rất bức xúc trước những hành vi, việc làm sai trái của một số đan sĩ Đan viện Thiên An, như: lấn chiếm đất rồi ngang nhiên đặt tảng đá có nội dung không đúng sự thật, bôi nhọ, xúc phạm chính quyền và Nhân dân; ngăn cản, phá hoại việc xây dựng hợp pháp của người dân… Điều đáng nói là những hành vi này có tính hệ thống và đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Nhìn lại các hành vi coi thường pháp luật của một số đan sĩ đan viện Thiên An
20 năm Putin: Dấu ấn và di sản

20 năm cầm quyền, ông Putin đã để lại những dấu ấn nào về đối nội và đối ngoại? Và di sản nào ông Putin để lại cho nước Nga, cho người kế nhiệm?

20 năm Putin Dấu ấn và di sản
Trận chiến “Đồi thịt băm” 50 năm nhìn lại

Từ ngày 10 - 20/5/1969, Quân đội Mỹ mở cuộc tấn công vào động A Bia (A Lưới) nhưng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân giải phóng. Báo chí Mỹ gọi A Bia là “Hamburger Hill-Đồi thịt băm”.

Trận chiến “Đồi thịt băm” 50 năm nhìn lại
Nhìn lại mình để phấn đấu

Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh vừa công bố, điều ấn tượng nhất là số phiếu tín nhiệm cao đạt tuyệt đối 52/52 phiếu của Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu.

Nhìn lại mình để phấn đấu
Return to top