ClockThứ Hai, 13/03/2017 05:27

Nhìn lại trận chiến Thanh Hương - Mỹ Xuyên

TTH - Đã 66 năm trôi qua, song âm hưởng của chiến thắng Thanh Hương – Mỹ Xuyên vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân xứ Huế. Cuộc chiến Thanh Hương – Mỹ Xuyên chỉ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 11 đến ngày 13/3/1951, nhưng đã tạo được chiến công oanh liệt, vang dội nhất trong lịch sử chống Pháp của Nhân dân Thừa Thiên Huế.

Sa bàn về diễn biến trận Thanh Hương – Mỹ Xuyên tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh

Thanh Hương – Mỹ Xuyên là địa danh của 2 làng thuộc xã Phong Hòa và xã Điền Hương, huyện Phong Điền. Đầu tháng 3/1951, qua thám báo, Bộ Chỉ huy Pháp biết quân chủ lực của ta do Trung đoàn 101 (Trung đoàn Trần Cao Vân) chủ lực đang dừng chân ở làng Thanh Hương, quân Pháp cho mở cuộc càn. Để thực hiện âm mưu này, chúng sử dụng 2 binh đoàn với trên 2.200 tên, có pháo binh, công binh và máy bay yểm hộ. Tất cả chia làm 2 cánh, hình thành thế trận bao vây vùng Thanh Hương - Vĩnh Xương nhằm tiêu diệt lực lượng của ta.

Về phía ta, để vận động tiến công, ngăn chặn đẩy lùi cuộc càn của quân Pháp, ngay trong đêm mồng 10/3/1951, hai Trung đoàn chủ lực 95 (Quảng Trị) và 101 (Thừa Thiên Huế) được lệnh cấp tốc hành quân đến khu vực tác chiến, hình thành thế trận chuẩn bị đánh địch.

Vào 3 giờ sáng ngày 11/3/1951, quân Pháp bắt đầu mở trận càn. pháo hạm của địch nã vào các căn cứ du kích của ta ở xã Phong Hải. Cùng lúc đó, quân địch từ hai mũi tiến công tiến về làng Thanh Hương. Ở  hướng tây và tây nam, Binh đoàn Socken theo đường Mỹ Chánh - Ưu Điềm - Vĩnh An - Vân Trình đánh xuống vùng Thanh Hương - Vĩnh Xương. Tuy nhiên, trên đường hành quân, chúng gặp ngay Đại đội 153 của Trung đoàn 95 vừa cấp tốc hành quân tới. Đại đội nổ súng chặn địch rồi rút về Vĩnh An. Socken thúc quân tiến vào. Tại Vĩnh An, các chiến sĩ Trung đoàn 95 đã liên tiếp bẻ gãy 7 đợt tiến công của địch và sau đó tổ chức phản công quyết liệt. Socken cho quân chạy về hướng Ưu Điềm.

Còn ở hướng bắc và tây bắc, Binh đoàn Buttin từ thị xã Quảng Trị tiến về Thuận Nhơn, Hội Yên, theo Tỉnh lộ 68 đến Diên Khánh rồi chia thành nhiều mũi đánh vào Thanh Hương - Vĩnh Xương. Theo kế hoạch, hai binh đoàn này đến trưa hôm đó thì sẽ cùng hội quân ở Thanh Hương, song trên đường hành quân, chúng gặp phải du kích của ta ở Hải Lăng (Quảng Trị) chặn đánh, nên mãi đến 12 giờ trưa mới đến rìa làng Thanh Hương. Tại đây, vừa mới chân ướt chân ráo chúng đã gặp phải lực lượng của ta, các chiến sĩ Tiểu đoàn 319 thuộc Trung đoàn 101 đang chờ đánh địch. Một trận đọ sức ác liệt đã diễn ra tại đồi Vĩnh Xương nằm giữa hai làng Thanh Hương và Vĩnh Xương, kéo dài cho đến tối. Cuối cùng, khi bộ phận công kích đồi Vĩnh Xương bị thiệt hại nặng, Buttin buộc phải rút lực lượng lui vào giữa làng, đưa sở chỉ huy vào cố thủ ở nhà thờ Tháp Một.

Bị giáng một đòn choáng váng, mờ sáng hôm sau (12/3), Buttin định tháo chạy theo đường 68 về thị xã Quảng Trị, nhưng không thoát được trước sức tiến công dũng mãnh của Tiểu đoàn 436. Trên cánh đồng Thanh Hương, Binh đoàn Buttin bị sa bẫy, kháng cự tuyệt vọng. Trung tá Buttin,  2 thiếu tá, 2 đại úy cùng 600 quân Pháp vĩnh viễn nằm lại trên cánh đồng.

Ngày 13/3/1951, do không nhận được tín hiệu từ Binh đoàn Buttin, nên Binh đoàn Socken vẫn thản nhiên tiến về làng Thanh Hương như kế hoạch đã định. Tuy nhiên, khi đến địa phận làng Mỹ Xuyên đã bị Trung đoàn 95 phục kích đánh bất ngờ, chúng dạt ra giữa cánh đồng, ta đã tiêu diệt hơn 300 tên. Trung tá chỉ huy Socken bị trúng đạn cùng đám tàn quân tháo chạy. Trận vận động đánh càn Thanh Hương - Mỹ Xuyên của quân và dân Trị Thiên thắng lợi giòn giã.

Sau 3 ngày giao tranh, ta đã tiêu diệt hơn 950 tên địch, tịch thu nhiều phương tiện chiến tranh và vũ khí của địch. Đặc biệt, đã bảo vệ được cơ quan chỉ huy, bảo vệ được mùa màng và căn cứ địa cách mạng. Với chiến công lừng lẫy này đã thể hiện sự mưu trí, sáng tạo, dũng cảm của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung cũng như quân và dân Trị Thiên Huế nói riêng. Sau chiến thắng này, ngày 19/3/1951 quân và dân Bình Trị Thiên đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi:

“Tôi thân ái gửi lời khen ngợi bộ đội và đồng bào Bình -Trị -Thiên đã thắng một trận khá. Thắng lợi ấy là do sự dũng cảm của bộ đội, lòng hăng hái của toàn dân và sức đoàn kết của quân - dân - chính Đảng. Nhưng quân và dân chớ vì thắng lợi mà chủ quan khinh địch. Trái lại chúng ta phải cố gắng hơn nữa và phải nhớ rằng: Chiến lược của ta ở Liên khu IV vẫn du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ. Cộng nhiều thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to và phải nhớ rằng: Kháng chiến là trường kỳ gian khổ rồi mới đến thắng lợi hoàn toàn. Chào thân ái và quyết thắng.Hồ Chí Minh”

Tiếp đến, Tổng Bí thư Trường Chinh, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng Tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp đã gửi thư, điện khen ngợi, biểu dương trận đánh vẻ vang của quân và dân Trị Thiên Huế. Từ đó, ngày 12/3 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Sư đoàn 325 bộ binh, ngày đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội ta trên đất Trị Thiên khói lửa.        

66 năm đi qua, một lần nữa nhìn về trận chiến Thanh Hương – Mỹ Xuyên để tri ân những chiến sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ôn lại khí phách hào hùng của quân và dân Trị Thiên Huế. Nhìn lại những bài học quý báu trong tổ chức tác chiến, bài học giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chiến thắng Thanh Hương – Mỹ Xuyên mãi mãi là trang sử sáng ngời tô thắm thêm cho Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế, là niềm tự hào về những chiến công vẻ vang của cha ông. Đồng thời, cũng để thế hệ hôm nay thấy được trọng trách luôn mang trên mình, cần phải đoàn kết hơn nữa, phát huy sức mạnh và trí tuệ để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

Ngọc Kiêm

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
PH
Phan Ngọc Hoàn - 18/06/2023 10:17
Đọc bài viết về trận chống càn của quân và dân ta ở Thanh Hương trong kháng chiến chống Pháp, tôi rất khâm phục lòng dũng cảm của bộ đội, đặc biệt là bộ đội trung đoàn 95 từ Quảng Trị đã nhanh chóng chi viện kịp thời cho trung đoàn 101 khi Pháp nhảy dù và đổ bộ bất ngờ nhằm hợp vây. Ba tôi khi đó là tiểu đội trưởng trinh sát của E95 cũng tham gia chiến dịch này.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trận chiến cần thiết và không khoan nhượng

Đăng kiểm bê bối như thế, chả trách, cuộc chiến với vấn nạn tai nạn giao thông; nỗ lực kéo giảm số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm vẫn tiếp tục nhọc nhằn đến vậy.

Trận chiến cần thiết và không khoan nhượng
Trận chiến ở cao điểm 935 cần được tri ân và vinh danh

Các ngày 15, 16, 17/12/2022, bằng cả hai hình thức in và online, Báo Thừa Thiên Huế đã đăng bài nhiều kỳ về “Trận đánh cuối cùng của Quân đội Mỹ ở Việt Nam” của Nhà báo Phạm Hữu Thu. Một bài viết công phu, tâm huyết, mang cái nhìn từ cả hai chiến tuyến đã lột tả bức tranh chân thực, khách quan, toàn diện về giá trị của trận chiến ở cao điểm 935 (phía Mỹ gọi là Ripcord) do Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6 Quân khu Trị Thiên thực hiện.

Trận chiến ở cao điểm 935 cần được tri ân và vinh danh
Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2021), Đại tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an có bài viết: "Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, góp phần đắc lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng lực lượng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Return to top