ClockThứ Ba, 03/04/2018 12:15

Nhìn nhau mà sống...

TTH - Tôi nhớ là mình đã kể ở đâu đó, về hai người đàn bà đã nhiều tuổi mỗi sáng thường ngang qua trước ngõ nhà mình. Không phải lúc nào họ cũng đi cùng nhau, nhưng cách nách một cái rổ lớn cộng thêm một vài cái rổ bé, cách xách chiếc giỏ nhựa hay chiếc xô đi về phía chợ là không lẫn đi đâu được. Họ cũng khác những người đàn bà trẻ, già khác vẫn qua ngõ nhà tôi cũng chính vì điều đó.

 

Nhà tôi có hàng rào đầy cây xanh, nên hai bà cụ ấy thi thoảng cũng ghé lại ngồi nghỉ mệt đôi chút. Nếu đi cùng nhau, cuộc trò chuyện của họ mà tôi nghe được thường hay là những điều như hôm ni được mấy đồng; tui gặp mấy người mua chi mà làm đày dữ quá, cứ thêm thêm bớt bớt từng chút mà chóng mặt hay đã hẹn với ai đó để mai lấy rau, lấy khuôn đậu sơm sớm cho kịp rằm... Có mấy lần giữa những cuộc rù rì như thế, tôi nghe tiếng người là chị nhắc bà em nhớ hâm lại siêu thuốc mà uống cho thường, tiếng bà em “càm ràm” chị cũng ráng ăn vô và chị trở mình hoài, rồi tiếng nhắc răng không kêu tui vô xoa lưng cho một chặp mà ngủ...

Câu chuyện cứ nhẩn nha vậy thôi. Một vài lần thấy họ qua ngõ tôi hoặc mua một thứ gì đó như mớ rau lộn, quả đu đủ hay nói con gái pha cho mệ ly nước, chuyện trò thăm hỏi vài câu. Miết rồi hai bà cũng đã trở thành quen. Ít ra là với tôi, vì những điều như thế vẫn diễn ra hàng ngày.

Trong những câu chuyện khác ở quán cà phê trước ngõ và mấy hàng tạp hóa, tôi dần biết là hai bà không có con. Nhà họ trước cũng khá giả lắm những sau này thì luội dần. Từ con gái nhà có của ăn, của để và chỉ biết làm việc nhẹ, sau này hai bà phải tự chạy chợ, buôn bán lặt vặt để tự kiếm tiền nuôi mình và thuốc thang khi về già nữa. Có lẽ đó cũng là lý do hai bà không biết gánh gồng. Có lần, bà kể với má tôi là nhà có nhiều đất lắm, nhưng anh em, con cháu đông và không ai chịu ai nên có lời rồi vẫn chẳng ai chịu ai trong việc cắt đất bán bớt chút ít, dù hai bà trông chờ vào điều đó để phòng thân. Thế nên hai chị em cùng cảnh, cứ nương tựa và nhìn nhau để sống...

Sáng qua đi bộ về, tôi cười chào và lại thăm hỏi vài câu khi gặp bà em nách một chiếc rổ trên đường ra chợ. Đáp lại lời tôi là một cái nhìn dò hỏi “nhà ở mô rứa? Răng biết tui?” Tôi nói con ở trong kia mà, bà vẫn ngồi trước cửa nhà con... nhưng ánh mắt của bà dường như không thay đổi. Mà ánh mắt đó bạc hơn trên vùng da nhợt nhạt. Nhớ là gần cả tháng rồi bà không đi chợ. Không biết bà có còn nhớ hâm thuốc cho ấm như lời bà chị dặn không nữa.

Hèn chi hàng rào ngày mỗi đổ bóng nhiều hơn nhưng tôi cứ thấy thiêu thiếu điều gì...

An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống

Nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp nhiều hội viên, nông dân (HVND) Phong Sơn (Phong Điền) có điều kiện thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thoát nghèo, ổn định cuộc sống
Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù

Chiều 3/4, Toà án Nhân dân tỉnh tuyên phạt 17 năm 6 tháng tù với hai bị cáo Huỳnh Hạnh (SN 1993) và Hoàng Như Nghĩa (SN 2000, cả hai đều trú tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) về tội “mua bán trái phép chất ma tuý”.

Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù
Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù

Chiều 12/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất mua túy” đối với hai bị cáo Trần Viết Thanh và Nguyễn Thị Anh Thi (cùng SN 2000, là vợ chồng, cùng trú tại phường Thuận Hòa, TP. Huế).

Hai vợ chồng trẻ “làm ăn lớn” lĩnh án 40 năm tù
Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

Với chủ đề "Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng", Tháng Thanh niên năm 2024 là dịp để tuổi trẻ toàn tỉnh phát huy vai trò xung kích, tình nguyện góp sức cùng hệ thống chính trị xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng
Return to top