ClockThứ Ba, 26/09/2017 05:57
QUỸ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG CẤP XÃ:

Nhìn từ Phú Sơn

TTH - Xã Phú Sơn (TX.Hương Thủy) được đánh giá là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dụng và sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (QBV&PTR).

Người dân Phú Sơn tích cực chăm sóc rừng trồng

Người dân đồng tình

Là chủ hộ có diện tích rừng sản xuất đến 86 ha nên ông Nguyễn Hữu Tân ở thôn 4 luôn ý thức cao trong quản lý và bảo vệ rừng (QL&BVR).

“Lo nhất là vào mùa nắng nóng, lá khô trên những cánh rừng keo, tràm rất dễ cháy, lây lan nhanh. Chỉ một sơ suất, bất cẩn khi vứt bỏ tàn thuốc, hay nấu ăn cạnh rừng... thì có thể bị cháy bất cứ lúc nào”, ông Tân nói.

Ông Tân ý thức rằng, việc dập tắt đám cháy không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có đầy đủ trang thiết bị, con người. Trong khi với hộ cá nhân, kể cả các tổ chức không đảm bảo nguồn nhân lực và tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, trả công cho lực lượng tham gia QL&BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Ngoài các lực lượng, thiết bị hỗ trợ của kiểm lâm cần phải “xã hội hóa” trong công tác QL&BVR.

Vậy nên khi địa phương tuyên truyền thực hiện chủ trương của tỉnh về vận động QBV&PTR, ông Tân cùng nhiều hộ khác tích cực hưởng ứng. Tuy số tiền phải đóng cho 86 ha với gần 35 triệu đồng (mỗi ha đóng 400 ngàn đồng), nhưng ông Tân vẫn không ngần ngại, đã đóng đầy đủ.

Ông Nguyễn Quang Nhân ở thôn 3 có 22 ha, đóng quỹ gần 9 triệu đồng chia sẻ: “Mỗi ha rừng chỉ đóng 400 ngàn đồng, mức kinh phí phù hợp với khả năng của người dân. Điều quan trọng hơn cả là sự an toàn cho những khu rừng. Từ ngày tham gia đóng góp quỹ, tôi cũng như nhiều hộ dân cảm thấy yên tâm sản xuất”.

Chủ tịch UBND xã Phú Sơn- Đỗ Viết Tùng thông tin, từ khi có chủ trương của tỉnh về thành lập QBV&PTR cấp xã, Phú Sơn thành lập Ban Quản lý QBV&PTR. Ban còn có nhiệm vụ phối hợp với các thôn tổ chức tuyên truyền chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc vận động đóng góp quỹ. Trước khi triển khai thu tiền, địa phương tổ chức họp dân để lắng nghe, tham khảo ý kiến. Điều đáng mừng là hầu hết người dân đều đồng tình hưởng ứng.

Sử dụng quỹ có hiệu quả

Theo quy định của tỉnh, người dân tham gia đóng QBV&PTR cho mỗi ha rừng nguyên liệu ván dăm là 400 ngàn đồng với chu kỳ 5 năm, 800 ngàn đồng/ha rừng trồng gỗ lớn với chu kỳ 7 năm.

Với xã Phú Sơn, thời gian thu QBV&PTR bắt đầu triển khai từ ngày 1/7/2017. Các hộ tham gia đóng quỹ không nhất thiết phải nộp một lần, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình có thể nộp 2-3 đợt.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho biết, thực hiện Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 của UBND tỉnh quy định về việc thành lập thí điểm QBV&PTR cấp xã, đến nay toàn tỉnh đã có 16 xã, phường thành lập QBV&PTR; trong đó 6 xã thí điểm và 10 xã vừa nhân rộng. Phú Sơn là xã đầu tiên triển khai xây dựng và sử dụng hiệu quả QBV&PTR. Các địa phương còn lại do mới thành lập quỹ và đang tiến hành thu kinh phí nên chưa đi vào hoạt động.

Toàn xã Phú Sơn có trên 2.722 ha rừng sản xuất của hộ cá nhân và các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, riêng hộ cá nhân trong và ngoài địa phương chiếm phần lớn diện tích gồm 2.144,14 ha.

Đến nay, Phú Sơn đã thu quỹ gần 150 triệu đồng/374,175 ha rừng; trong đó hơn 41 triệu đồng của 60 hộ dân địa phương và gần 110 triệu đồng của 15 hộ ngoài địa phương. Chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động người dân tham gia đóng quỹ.

Ban Quản lý QBV&PTR của xã Phú Sơn tiến hành xây dựng quy chế hoạt động và dự toán chi cho các hoạt động phổ biến pháp luật, hội họp, PCCCR, chặt phá rừng, mua sắm các trang thiết bị dập lửa, phun nước, bồi dưỡng cho các lực lượng khi tham gia QL&BVR... Mức kinh phí bồi dưỡng mỗi ngày cho đội ngũ cán bộ làm thêm ngoài giờ liên quan đến QL&BVR, những người tham gia PCCCR... tương đương một ngày công lao động. Hoạt động tuần tra rừng thì tính theo km để hỗ trợ tiền công và xăng xe.

Ông Đỗ Viết Tùng cho rằng, hiệu quả bước đầu mà QBV&PTR tại địa phương mang lại thấy rõ. Trước đây không có kinh phí hoạt động nên một số cán bộ chưa phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm trong công tác tuần tra, QL&BVR. Mỗi khi xảy ra các vụ cháy rừng thì việc huy động lực lượng rất khó khăn. Các phương tiện, thiết bị PCCCR không có nên gặp nhiều trở ngại trong công tác ứng phó, dập lửa...

Từ khi có QBV&PTR tạo động lực cho đội ngũ cán bộ QL&BVR, lực lượng tham gia PCCCR. Mới đây, tại một khu rừng ở thôn 3 xảy ra đám cháy nhỏ, nhưng được người dân sớm phát hiện, báo với chính quyền địa phương huy động phương tiện, lực lượng đã dập tắt kịp thời, không để lây lan gây thiệt hại.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn

Chiều 6/4, Nhà máy Điện rác Phú Sơn tổ chức lễ khánh thành đi vào hoạt động. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương. Về phía tỉnh có ông Lê Trường Lưu, UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trường đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã..

Khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu

Tại lễ Tết trồng cây năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh nhấn mạnh, hoạt động trồng cây, gây rừng là vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Trồng rừng theo hướng đa mục tiêu
Return to top