ClockThứ Sáu, 06/05/2022 14:29

Nhìn vào sự thật để đánh giá

TTH - Thời gian gần đây, thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra công an liên tục đưa thông báo về các bản kỷ luật, vụ án bị khởi tố với nhiều cán bộ cấp cao. Việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ sai phạm như vừa qua không có gì là “bất thường”, “đột biến” khi chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh và càng thực hiện nghiêm, sâu rộng hơn.

Từ sau khi lập nước, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh ấn định hình phạt đưa và nhận hối lộ; Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công và được Chính phủ thực hiện nghiêm từ đầu...

Gần đây, những quyết định kỷ luật, khởi tố hình sự có tính chất phức tạp với nhiều cán bộ cấp cao, tướng lĩnh lực lượng vũ trang được dư luận quan tâm; cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình. Câu hỏi đặt ra là kỷ luật nhiều như vậy là vui hay buồn? Nói sòng phẳng khi nghe thông tin thì những người có ý thức trách nhiệm không thể không buồn. Không ai có thể vui được khi đồng chí của mình đã trưởng thành nhưng lại bị “nhúng chàm”, “ngã ngựa” chỉ vì tham lam vật chất. Đó là những bài học quá đắt giá! Nhưng cũng không thể vì thế mà bi quan, lo lắng, tuyệt vọng để rồi quy kết, đánh đồng cho tất cả đảng viên, lãnh đạo. Cũng không thể vì vậy để mất niềm tin với những cán bộ gương mẫu, liêm chính đang chiếm đại đa số trong đội ngũ của Đảng.

Cần phải khẳng định rằng, những cán bộ bị xử lý là do chính bản thân họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu bản lĩnh từ chối cám cám dỗ. Không thể xem đây là “lỗi hệ thống”, “tính chất độc đảng” và càng không thể xem đó là bản chất của chế độ cầm quyền. Trước khi quy kết phải xác định không có ở bất cứ nhà nước nào không có tham nhũng, chỉ khác là nhiều hay ít, tràn lan hay không mà thôi. Ở một số nước không phải Đảng cộng sản cầm quyền nhưng tham nhũng vẫn là một vấn nạn, ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển, người cầm quyền được hưởng ưu đãi cao. Chẳng thế mà có những người là Tổng thống, Thủ tướng hay quan chức cấp cao bị truy tố về tham nhũng. Đó là vấn nạn, mặt trái vốn có của kinh tế thị trường, là thực tế khách quan...

Đảng ta tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa 8) đến các nghị quyết Trung ương 4 các khóa Đại hội 11, 12 và tiếp tục với Nghị quyết 4 khóa 13 như một hành động mạnh mẽ. Mấu chốt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng phẩm chất chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, chống “tự diễn biến - tự chuyển hóa”, chống tham nhũng, tiêu cực đối với đảng viên nói chung, cán bộ cấp cao nói riêng. Nâng cao chất lượng và kỷ luật với đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ của Đảng và cả hệ thống chính trị. Có chăng vào thời điểm này công tác thanh tra, kiểm tra đối với những lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm và những tồn tại từ các nhiệm kỳ trước nên nhìn vào có vẻ như nhiều hơn mà thôi. Điều đó để thấy rằng, Đảng ta chống tham nhũng không chững lại, không ngừng nghỉ.

Hình tượng “cái lò” sẽ luôn cháy rực nếu còn những kẻ có lòng tham với tiền bạc, vật chất của nước, của dân. Đảng là người “tiếp lửa” mạnh mẽ cho công cuộc chống tham nhũng vì đó vẫn là cuộc cách mạng lâu dài, là sự nghiệp của Nhân dân giao phó. Nó sẽ không phụ thuộc vào nhiệm kỳ hay tác động của “phe nhóm” nên cần nhìn thẳng vào bản chất sự thật để phán xét, chớ nên quy kết hồ đồ.

NGUYỄN AN HÒA

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025). Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ, một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế được mở rộng và bổ sung…

Cần đánh giá rõ tác động tài chính khi mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế
Return to top