ClockThứ Hai, 04/07/2016 09:52

Nhịp gõ trên phá Tam Giang

TTH - Bất kể ngày hay đêm, gió rét hay nước chảy xiết, những cư dân lấy nghề lưới gõ mưu sinh trên phá Tam Giang vẫn kiên trì bám nghề. Những âm thanh nhịp nhàng, dồn dập phát ra từ thanh gỗ gõ vào mạn ghe vẫn đều đặn vang vọng hòa con nước đầm phá Tam Giang mênh mông.

Như mọi ngày, ông La Văn Bé và vợ, bắt đầu ngày mưu sinh của mình bằng cách chèo chiếc ghe nhôm nhỏ bé ra giữa đầm phá Tam Giang. Ở đó, ông chọn cho mình một vị trí phù hợp để bắt đầu giăng lưới. Vừa thả tay lưới bén xuống dòng nước, ông Bé bắt đầu chèo chiếc ghe nhôm lượn quanh một vòng khu vực thả lưới và cùng vợ dùng thanh gỗ gõ vào mạn ghe để đuổi cá vào lưới.

Một chút nghỉ ngơi trên phá của ngư dân làm nghề lưới gõ

Nhìn bốn bề mênh mông của phá Tam Giang, đâu đâu cũng thấy hình bóng những ngư dân vùng đầm phá tất bất mưu sinh bằng nghề lưới gõ. Thả lưới xong, họ lại chèo ghe lượn quanh chỗ thả lưới, dùng thanh gỗ hoặc mái dầm gõ vào mạn ghe. Thỉnh thoảng, có người còn dùng mái chầm đập xuống mặt nước để đánh động các loài cá. Âm thanh lóc cóc vang vọng vào sóng nước mênh mông, tạo nên một bản nhạc vui tai giữa đầm phá.

Hơn một giờ nghỉ ngơi, chờ cá mắc lưới sau những nhịp gõ, vợ chồng ông Bé bắt đầu chèo chiếc ghe nhôm nhỏ đến chiếc phao đánh dấu nơi thả lưới và bắt đầu kéo lưới. Tay lưới vừa kéo lên khỏi mặt nước đã thấy nhiều con cá móm mắc lưới nhảy lạch đạch. Hôm nay là ngày may mắn của vợ chồng ông Bé, ngoài những con cá móm, một con cá mú trên 1kg cũng mắc lưới. Với giá cá mú 270 nghìn đồng/kg, vợ chồng ông tính nhẩm cũng kiếm được 500.000 ngàn đồng từ con cá mú và mẻ cá móm.

“Cái nghề lưới gõ này nó rứa chú ạ. Có hôm cá mắc đầy lưới gỡ không hết, có hôm không có con nào về mà ăn. Khác với các nghề khác trên phá Tam Giang, nghề lưới gõ là nghề hài hòa với thiên nhiên nhất. Đa số cá mắc lưới là cá lớn, cá nhỏ rất khó mắc khi màng lưới rộng. Như thế, mới có cá lâu dài để đánh bắt”. Một người dân làm nghề thả lưới gõ chia sẻ.

Theo ông Bé, nghề lưới gõ trên vùng đầm phá Tam Giang đã có từ rất lâu. Theo con nước đầm phá Tam Giang đã có từ rất lâu, nghề lưới gõ được truyền từ đời ông sang đời cha, rồi đến đời con, cháu và trở thành kế mưu sinh của các hộ gia đình ở gần đầm phá. Nhờ nghề mà nhiều hộ gia đình nuôi con khôn lớn.

Theo các cụ già ở xóm Cồn Dài, thôn Thai Dương Thượng Tây, xã Hải Dương, lưới gõ vốn có tên ban đầu là lưới bén vì sử dụng cặp lưới bén để đánh cá. Nhưng theo thời gian, người ta chuyển sang gọi là lưới gõ bởi đặc trưng sử dụng âm thanh để đuổi cá vào lưới. Bên cạnh nghề cào ngao, bắt cua, vớt rau câu, đa số người trong xóm Cồn Dài đều từng lấy nghề lưới gõ mưu sinh.

Anh La Sơn (39 tuổi) ở xóm Cồn Dài, một người nhiều năm mưu sinh bằng nghề lưới gõ chia sẻ: “Trước đây, lưới gõ thu hút rất nhiều người trong thôn hành nghề, đa số là ngư dân nghèo. Với chi phí đầu tư, chỉ cần sắm chiếc ghe nhôm, đôi ba tay lưới bén là có thể hành nghề. Đi lưới gõ cũng không tốn quá nhiều công sức, thu nhập lại khá. Chỉ cần 1 người hành nghề trong ngày, may mắn trúng mẻ cá cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng. Nhưng hiện nay, số người hành nghề còn rất ít, chỉ những ngư dân yêu nghề truyền thống này mới bám nghề.

Theo các ngư dân theo nghề lưới gõ, thời điểm này, mưu sinh trên phá Tam Giang gặp rất nhiều khó khăn, có lúc lênh đênh cả ngày trên mặt phá chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng đong gạo.

Nhiều ngư dân hành nghề lưới gõ cho biết, trước đây cá tôm ở trên phá Tam Giang, nguồn lợi thủy hải sản rất phong phú. Chỉ giăng lưới một lúc là cá mắc lưới nặng trĩu tay. Nhưng những năm gần đây, một số ngư dân đánh bắt cá tôm bằng lừ, xung điện... đã làm cạn kiệt hải sản

“Có lẽ, chỉ một thời gian ngắn nữa, trên phá Tam Giang sẽ vắng dần những tiếng gõ của những người hành nghề. Cái nghề truyền thống của ông cha cũng sẽ mất đi vĩnh viễn khi giới trẻ không ham theo nghề nữa”. Một người dân làm nghề lưới gõ buồn rầu dự báo.

Võ Thạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chạy đua” với tết

Cận tết, đêm ở chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba nghe rõ bước chân vội vã của những người làm nghề “cửu vạn”. Những cánh tay quệt lau mồ hôi, những bữa ăn vội, cái chợp mắt chỉ vài phút làm cho nhịp sống ngày gần Tết Giáp Thìn thêm hối hả. Nhiều chị em phụ nữ gồng mình bốc vác hàng nặng nhưng không quên hối nhau: “Chạy đua nhanh lên cho kịp tết”.

“Chạy đua” với tết
Đằng sau gánh nặng mưu sinh

Không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà dưới nắng mưa, gió lạnh, bất kể ngày hay đêm vẫn miệt mài vất vả mưu sinh trên đường phố Huế. Đã bao giờ bạn thử ngồi xuống một gánh hàng rong, mua một thứ gì đó của các mệ và lắng nghe những nỗi niềm của người bán hàng khắc khổ? Chắc chắn bạn sẽ có được một trải nghiệm rất thú vị và nhận ra rằng bạn may mắn biết chừng nào.

Đằng sau gánh nặng mưu sinh
Cư dân đô thị với xu hướng tiêu dùng xanh

Như đã thành thói quen, mỗi lần đi chợ là chị Nguyễn Thị Kim (P. Thủy Xuân, TP. Huế) lại đem theo chiếc giỏ mây để đựng thực phẩm như rau, củ, quả, gia vị. Theo chị Kim, túi ni-lông tiện dụng và rẻ nhưng vô cùng gây hại cho môi trường và sức khỏe. Nhẩm tính mỗi sạp hàng, mỗi lần mua bất cứ thứ gì từ mớ rau, con cá đến trái chanh, trái ớt đều sử dụng bao ni-lông thì mỗi ngày lượng rác thải nhựa sẽ quá tải như thế nào…

Cư dân đô thị với xu hướng tiêu dùng xanh
Sống chung với mưa lũ

Ngày 16/11, nước còn ngập ở nhiều vùng. Người dân vẫn tìm cách thích nghi trong mưa lũ bởi với họ, vẫn phải sinh hoạt, mưu sinh. Dù khó khăn song trong hoạn nạn, ở đâu đó, sự sẻ chia là món quà sưởi ấm lòng người lúc này. ​

Sống chung với mưa lũ
Đời sống mới của cư dân được nhập tịch

Chính thức trở thành công dân Việt Nam, sinh sống ở A Lưới, những người Lào nhập cư được chính quyền địa phương hỗ trợ sinh kế, đời sống dần ổn định và mở ra những trang mới trong cuộc đời.

Đời sống mới của cư dân được nhập tịch
Return to top