ClockThứ Ba, 27/07/2010 13:47

Nhớ chim biển, nhà thơ Hải Bằng

TTH - Tình cờ tôi gặp Hải Trung - con trai cố thi sĩ Hải Bằng - trong một cuộc vui. Hải Trung sống điềm đạm nhưng cởi mở và có óc hài hước.

- Lâu lắm mới gặp bác (Hải Trung thường gọi tôi bằng bác), bác vẫn khỏe?

- Cám ơn cháu, 85 rồi còn gì, sắp theo ba cháu rồi.
- Bác không nên đùa thế, còn lâu bác mới chết, bác vẫn còn phải trả nợ với đời. Bác và ba cháu là anh em kết nghĩa từ thời “lính tình nguyện” trong những năm kháng chiến chống Pháp. Bác có cả một kho kỷ niệm với ba cháu và cháu muốn được bác kể lại bằng chữ nghĩa, cháu cần, rất cần, mà việc này thì không ai làm thay bác được.
 
Tôi hiểu ngay Hải Trung muốn gì. Đó đúng là nợ, cái nợ tình nghĩa, cái nợ có cơ duyên của kiếp đời.
 
Lâu rồi, từ thuở Bình Trị Thiên những ngày sau giải phóng. Tôi, Chu Điền, Cao Nhị theo Phùng Quán cùng đến thăm nhà của nghệ sĩ tạo hình rễ cây, nhà thơ Hải Bằng. Với tôi lúc này, Hải Bằng là một cái tên không gợi nên được một một điều gì thân quen trong ký ức. Và ngược lại, Nguyễn Tích Ý cũng không gợi lên một điều gì với Hải Bằng. Ngồi với nhau không lâu, tôi vụt đứng dậy, chỉ vào mặt Hải Bằng:
- Mi là thằng Vĩnh Tôn phải không?
- Đúng rồi, là Vĩnh Tôn chính hiệu, anh là anh Đại, thổi sáo trong đoàn Văn công tuyên truyền giải phóng quân khu IV. Nay sao lại là Nguyễn Tích Ý bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế?
 
Hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau trước sự ngạc nhiên tột độ của những người còn lại. Ba mươi năm rồi còn gì, mất liên lạc, không còn tráng niên nữa, khác lắm.
 
Hải Bằng thốt lên: anh còn nhớ mấy câu của Cao Cao không. Tôi chưa kịp trả lời thì Hải Bằng đọc luôn:
Trông O tôi nhớ thằng cu Đại
Sáo thổi làm sao đến ngậm ngùi
Tôi nghe tiếng sáo tuồng như gọi
Thanh Thúy đâu rồi Thanh Thúy ơi”.
Cao Cao là Vũ Cao, tác giả Núi đôi ấy, anh quên à?
Quên sao được một thời đẹp nhất thuở thanh xuân. Anh Cao Cao cao hơn 1,8m, thường đi chân đất mà Thanh Thanh hay nói đùa là “Cao cao nghĩa là chưa cao”.
 
Chúng tôi gồm năm người (ba nam, hai nữ), năm anh chị em kết nghĩa đều xuất thân từ học sinh thuộc giai tầng tiểu tư sản. Anh Cao Cao (Vũ Cao) quê ở Nam Định; Thanh Thanh và Minh Thúy ở Hà Nội; Tích Đại (Nguyễn Tích Ý) và Vĩnh Tôn (Hải Bằng) quê ở Huế. Anh Cao Cao là anh cả. Vĩnh Tôn là em út, bấy giờ 16 tuổi, đẹp trai, ra đi từ trường Queignec (sau này là trường Thanh Long), tính tình dễ thương, lầm lì, ít nói, nhờ giúp gì là vui vẻ làm ngay, không nề hà một việc gì.
 
Năm 1948, tướng Nguyễn Sơn về nhận nhiệm vụ (thay cho tướng Lê Thiết Hùng) và đề xướng phong trào “Đội quân ủy lạo thương bệnh binh của Liên khu IV”. Phong trào được hưởng ứng rất sôi nổi. Thanh Thúy - một trong năm người chúng tôi - đã trở thành hình ảnh đẹp của thơ Hữu Loan trong đề tài về những chiến sĩ tình nguyện ủy lạo thương bệnh binh:
Em là hai mắt
Xưa ngời xanh lam
Của chàng trai trẻ say em hát
Ngồi lặng hình dung mắt một nàng
 
Cũng cần nhắc lại chi tiết này, bấy giờ, tướng Nguyễn Sơn (là Liên khu trưởng Quân khu IV) là một người rất yêu quý văn nghệ sĩ, đã quy tụ rất nhiều người như Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Trọng Loan, Vũ Trọng Hối, Bửu Tiến, Trần Hoàn, Hải Châu (em ruột của Hải Triều). Và tất cả chúng tôi, trên mỗi chặng hành quân, ai cũng nằm lòng, tạc dạ:
Đi băng qua đèo
Hay qua lô cốt
Vượt qua quốc lộ số 1, số 9, số 2
Dép nón cầm tay, áo trắng cởi ngay
Đi cho im lặng
Suỵt! Cấm hút thuốc, cấm nói, cấm ho”.
 
Sau 1949, với sự phân công của tổ chức, năm anh em chúng tôi mỗi người mỗi ngả, về sau mới biết Cao Cao về công tác tại báo Chiến Sĩ; Vĩnh Tôn cũng về báo Chiến Sĩ thuộc phòng Chính trị Liên khu 4, sau đó học lớp Văn nghệ khoá 1 tại phòng Chính trị Liên khu 4; Thanh Thanh đi học y khoa ở Liên Xô; Minh Thúy học dược sĩ cao cấp ở Hà Nội; Tích Đại cũng theo ngành y rồi trở thành phẫu thuật viên. Chúng tôi cám ơn cách mạng đã đào tạo nên một thế hệ toàn tâm, toàn ý, hết lòng với nhân dân. Nhớ lại chim biển Hải Bằng cũng là hồi tưởng về một chặng lịch sử gian khó mà đẹp đẽ biết bao.
 
 
 
Nhà thơ Hải Bằng
 
 
1978, gặp lại Vĩnh Tôn, Văn Tôn, Hải Bằng bấy giờ đã là một nhà văn, nhà thơ, nhà tạo hình rễ cây, nhà họa sĩ, sao mà nhiều tài và giàu nhà đến thế, tôi chợt nhớ đến một triết lý của Nguyễn Du và buột miệng: “Chữ tài đi với chữ tai một vần!”.  
 
- Anh Ý ơi, tôi còn “một nhà” nữa, nhà nghèo đấy! Hải Bằng nói.
 
Sau cuộc tiếp xúc ấy, tôi mới biết thêm được những khúc đoạn khác của Hải Bằng, nhất là thời gian ở Cảnh Dương rồi Đồng Hới trong những năm bom đạn ác liệt nhất của kháng chiến chống Mỹ.
 
Trở lại với câu chuyện thêm “một nhà” nữa của Hải Bằng. Đó là một căn hộ cấp 4 do Quốc doanh Phát Hành Sách cấp (sau tiếp quản khu Gia Binh cũ), nền tráng xi măng, diện tích chừng 18m2 là không gian sinh hoạt cho 02 vợ chồng và ba mặt con. Diện tích ấy dường như cũng vừa đủ cho hai chiếc giường đôi đặt song song nhau và một không gian bếp. Dưới hai gầm giường của gia đình Hải Bằng có đủ thứ lằng nhằng (cưa, đục, gỗ, búa, rựa, dao, chàng, kềm, dây thép v.v.); trên tường có đủ muôn loài được tạo tác từ rễ cây: tượng người, chân dựng người, phù điêu, tượng thú, tượng cầm v.v với rất nhiều kiểu dáng đặt trên những giá kệ tự chế; cũng trên tường là treo rất nhiều bài thơ của bạn bè muôn phương gửi tặng. Hải Bằng rất yêu cây cảnh và súc vật. Trên tường nhà còn treo các lồng chim hoàng yến, cu cườm, vẹt. Góc nhà là hai con chó và mèo quấn quýt lấy nhau.
 
Hải Bằng già trước tuổi. 50 tuổi đời, 50 đồng lương trên một tháng vào thời tem phiếu mà tính vẫn vui như Tết. Người Hải Bằng gầy còm nhưng ánh mắt lại chứa một sức sống mãnh liệt, lạc quan, quý bạn mà bạn cũng rất quý anh. Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch sáng sáng chủ nhật lại đến nhà giúp anh bổ củi để lo bữa cho đám trẻ nhỏ, xong việc anh lại lóc tóc trên xe đạp trở về khu tập thể Đống Đa. “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, nhà Hải Bằng chật chội nhưng cũng trở nên rộng hơn khi có khách, rộng hơn bởi tấm lòng bè bạn.
 
Hải Bằng sáng tác nhiều tạo hình rễ cây và thường lấy đó làm quà tặng bạn bè. Tôi vẫn còn như in năm Dậu ấy (1981), anh vẫn tạo hình hai con gà trống chọi nhau để tặng người bạn Việt kiều ở Pháp về thăm, trở lại Pháp, các bạn đã in thành bưu thiếp gửi tặng lại. Riêng tôi, Hải Bằng tặng một rễ cây con gà trống ngẩng cao đầu với đề tặng (bấy giờ tôi đang ở Praha):
Từ Praha xa xôi
Anh nghe chăng gà gáy
Giao thừa thương nhớ ai
Cố đô bừng tỉnh dậy”.
 
Hút thuốc lá nhiều và cà phê hằng sáng, làm việc cật lực không theo giờ giấc, một buổi sáng anh đến gặp tôi rồi trình bày: “Anh Ý ơi, tự dưng tôi thấy có gì đó vướng vướng ở cổ họng, nuốt nước bọt thấy ngạc ngạc!”. Tôi vội dẫn anh đến bác sĩ Nguyễn Hồng Quân - chủ nghiệm khoa tai mũi họng của Bệnh viện Trung ương Huế - nhờ kiểm tra. Đang thời bao cấp, không đợi nhiều thủ tục, bác sĩ Quân khám ngay và làm sinh thiết. Kết quả có ngay, nghi K, tôi nhận thông tin và bàn cách chuyển sớm cho Viện Tai Mũi Họng Hà Nội. Giấy giới thiệu chuyển viện, thư tay của bác sĩ Tuân Phó Giám đốc Viện Tại Mũi Họng (bạn học cùng thầy Trần Hữu Tước với tôi) sẵn sàng, kết hợp với chuyến công tác Hà Nội của khoa Y Dược Bệnh viện Huế, chúng tôi lên đường.
 
Cái đáng quý nhất của chúng tôi lúc này là thấy hết được những nghĩa cử từ tình bạn, tình đồng nghiệp, tình đồng đội. Sống có tiền, có hậu, Hải Bằng được bạn bạn bè ở Hà Nội rất thương quý. Các đồng nghiệp của tôi ở Bạch Mai cũng đã thể hiện đầy đủ sự nhiệt tình với Hải Bằng. Đội ngũ bác sĩ ở đây dường như quý mến Hải Bằng hơn thông qua tình cảm của anh chị em văn nghệ sĩ ở Hà Nội dành cho anh cũng như tinh thần lạc quan, vô tư của Hải Bằng đối với bệnh tật mà anh gặp phải.
 
Chẩn đoán cuối cùng vẫn là K vòm họng, cần phải phẫu thuật. Anh được xe của Viện Tai Mũi Họng đưa đến Viện Radim để chạy tia và đón về theo yêu cầu chuyên môn trước khi phẫu thuật.
 
Vốn tự do, phóng túng, nhưng khi phải chấp hành “mệnh lệnh” điều trị, thì Hải Bằng tuân thủ tuyệt đối. Không thuốc lá, chẳng cà phê, hàng ngày anh vẫn lạc quan phóng bút phác họa chân dung các y, bác sĩ, các bệnh nhân cạnh mình.
Sau mổ, anh lại tiếp tục với những đợt xạ trị mới để khống chế sự phát triển của tế bào ung thư.
 
Hơn hai tháng điều trị, anh được xuất viện trở về Huế. Không ai hứa hẹn điều gì cho những ngày còn lại với anh. Riêng tôi cùng với những người thân của gia đình và bạn hữu, ai cũng đầy ưu lo về tiên đoán của bệnh tình Hải Bằng. Và kỳ lạ nhất là sự dũng cảm của Hải bằng, đó quả là sự kinh ngạc. Tôi như nhận được từ Hải Bằng một triết lý nằm lòng của Voltaine tự thưở phổ thông: “Làm việc sẽ giúp ta tránh được ba cái hại lớn: sự chán nản, thói tật xấu và nỗi quẫn bách”. Anh không hề thể hiện mình đang bị mắc phải một cơn hiểm nghèo, 18 năm sau đợt mổ ấy, Hải Bằng vật lộn với bệnh tật để làm việc. Năm 1996, nhân dịp sinh nhật tôi (01/01), Hải Bằng tặng cho tôi bài thơ, buộc vào cổ chai rượu Vorka:
 
Uống cạn trời xanh vào nỗi nhớ
Trăng ngà đổ bóng xuống dòng sông
Hồn trăng thao thức nồng hơi thở
Biển cả cầm canh chén rượu nồng”.
 
Những tập thơ, những tác phẩm rễ cây, những bức tranh của anh vẫn tiếp tục ra đời trên cái - rễ - gầy - guộc có tên gọi là Hải Bằng, vút đi tựa cánh chim biển.
 
Nguyễn Tích Ý
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top