ClockThứ Tư, 15/06/2011 20:12

Nhớ ký giả Đạm Phương nữ sử

TTH - Năm 2011 này là kỷ niệm lần thứ 130 ngày sinh Đạm Phương nữ sử, niềm tự hào của vùng đất núi Ngự, sông Hương. Sinh ngày 3/6/1881 tại Huế, mất ngày 10/12/1947 ở Thanh Hoá, Đạm Phương nữ sử là nhà văn, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và là một nhà báo nổi tiếng của nước ta những năm đầu của thế kỷ 20.

Quãng đời làm báo của Đạm Phương nữ sử không dài, khởi đầu vào năm 1918 và khép lại năm 1930. Trong hơn một thập niên đó, Đạm Phương nữ sử cho thấy bà là một cây bút đầy bản lĩnh và tự tin, sung sức và có năng suất lao động báo chí rất cao. Bằng chứng là con số gần 200 tác phẩm báo chí bằng chữ quốc ngữ mà bà còn để lại cho hậu thế hôm nay. Riêng trong 4 năm, từ 1923 đến 1926, bà viết đến 132 bài báo các loại. Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ đưa Đạm Phương nữ sử vượt lên, trở thành ký giả hàng đầu Việt Nam đương thời.

Sống tại Huế, Đạm Phương nữ sử vẫn cộng tác đều đặn với nhiều tờ báo nổi tiếng bấy giờ tại cả 3 trung tâm là Hà Nội, Sài Gòn và Huế. Trung Bắc tân văn là tờ nhật báo ghi rõ dấu ấn của bà hơn cả, với 129 tác phẩm đăng tải. Đạm Phương nữ sử giữ chuyên mục “Lời đàn bà” đặc sắc, tạo được tiếng vang lớn trên nhật báo Trung Bắc tân văn. Cùng lúc, bà vẫn góp bài đều đặn cho chuyên mục “Văn đàn bà” của tờ Hữu Thanh. Sau Trung Bắc tân văn, Hữu Thanh là tờ báo lưu lại dấu ấn lớn về Đạm Phương nữ sử với 24 bài, tiếp theo là tờ Nam Phong của cụ Phạm Quỳnh với 15 bài. Ngoài ra, là các tờ báo nổi tiếng: Phụ nữ thời đàm, Tiếng dân, Thực nghiệp dân báo… Làm báo hằng ngày là công việc cực kỳ vất vả, đặc biệt là đối với những ai “lỡ trót” mang nghiệp giữ chuyên mục cho những tờ báo lớn, như Trung Bắc tân văn, kỳ nào cũng phải có bài. Đã vậy, bà lại còn đều đều góp bút cho nhiều tờ báo khác nữa. Cùng lúc bảo đảm bài vở cho nhiều tờ báo trong hoàn cảnh thông tin liên lạc nước ta hồi đầu thế kỷ 20 là điều chẳng dễ dàng, nhất là đối với một phụ nữ. Khả năng lao động báo chí của Đạm Phương tiên sinh đáng để những kẻ hậu thế chúng ta hôm nay bái phục.   

Bà Đạm Phương với con gái út Nguyễn Khoa Diệu Vân. Ảnh: TL
So sánh Đạm Phương nữ sử thời kỳ đầu ở những báo đăng tải trên tạp chí Nam Phong (1928) với những bài viết sau này vào những năm 1929-1930 ở báo Phụ nữ tân văn, có thể ghi nhận bước tiến lớn của tác giả về cả nội dung lẫn cách thể hiện. Nếu trước đó là những bài viết mang nặng hơi văn biền ngẫu, thi thoảng xuất hiện vài vần thơ tức cảnh sinh tình, thì các bài sau đó đã đề cập đến nhiều vấn đề xã hội mạch lạc, sắc sảo, nhất là khi bà tham gia luận chiến. Nhà báo lão thành Phan Quang đã nhận xét chí lý về Đạm Phương nữ sử, rằng theo thời gian bà ngày một “hiện đại” lên. Từ cây bút tài tử, nghiệp dư, bà mau chóng trở thành nhà báo chuyên nghiệp, có bản lĩnh, có tay nghề chắc. Nội dung trong các tác phẩm báo chí của Đạm Phương nữ sử đề cập nhiều vấn đề thời sự trong bối cảnh đất nước trong giai đoạn chuyển mình, bị xâm lược và áp bức bởi thế lực thực dân, đế quốc.
Tuy nhiên, nổi bật nhất và ấn tượng nhất là vấn đề nữ quyền và bình đẳng giới. Ba phần tư các bài báo của Đạm Phương nữ sử nhằm vào 2 đối tượng phụ nữ và nhi đồng, chiếm số đông dân số Việt Nam.
Thật ngạc nhiên, gần 100 năm trước, Đạm Phương đã có cái nhìn rất tiến bộ về vị trí và vai trò người phụ nữ. Bà viết trên tờ Phụ nữ tân văn năm 1930: “Đàn bà là người, đàn bà là phần nửa nhân loại…Nếu tất cả đàn bà thế giới không có học thức, thì một nửa nhân loại có lẽ sẽ là thú cả”. Trước đó, bà từng lên tiếng phản đối lễ giáo phong kiến hà khắc, ứng xử với phụ nữ như nô lệ trong nhà. Bà viết: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, bắt đàn bà thủ tiết thờ chồng khi chồng chết, hạn chế học hành của phụ nữ đều phải vứt bỏ cùng với tam tòng tứ đức”. (Trung Bắc tân văn ngày 21/6/1926). Ký giả Đạm Phương nữ sử đặc biệt chú trọng đến việc nữ học. Tháng 1/1921 trên tờ Nam Phong, bà nhấn mạnh: “Nay vấn đề nữ học thật là một sự quan trọng nhất trong mấy ngàn năm của nước”. Ba năm sau, bà lại khẳng định trên tờ Trung Bắc tân văn: “Giáo dục phụ nữ là một vấn đề rất quan hệ cho một dân tộc tương lai” (số ngày 24/1/1923).

Con cháu bên con đường mang tên bà tại Tây Lộc, Huế
Cùng với Sương Nguyệt Anh, chủ bút báo Nữ giới chung (1918), Đạm Phương nữ sử được xem là nhà báo đầu tiên lên tiếng đấu tranh vì nữ quyền ở nước ta. Trong các bài viết, Đạm Phương nữ sử không trình bày có hệ thống quan điểm về các vấn đề rộng lớn là nữ giới, nữ quyền, dân chủ, bình đẳng giới và bình đẳng xã hội nói chung. Bà là một trong những người đi tiên phong trong việc tập hợp các bài báo đã in theo chủ đề để hình thành nên những cuốn sách, hoặc phát triển tư duy từng trình bày trên báo chí. Qua các bài viết và các cuốn sách của Đạm Phương nữ sử, có thể thấy, cơ sở đầu tiên tiến tới nữ quyền, bình đẳng với nam giới ở người phụ nữ phải là người có kiến thức và sự hiểu biết, có nghề nghiệp cụ thể để sống tự lập, không phụ thuộc vào đàn ông.
Con người sinh ra khó mấy ai thoát khỏi sự chi phối của hoàn cảnh. Đạm Phương nữ sử tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh là cháu nội của vua Minh Mạng. Chồng bà sau này là ông nghè Nguyễn Khoa Tùng, hậu duệ thứ 6 của Nguyễn Khoa Chiếm, tác giả cuốn “Nam triều công nghiệp diễn chí”, tiểu thuyết lịch sử đầu tiên ở nước ta. Sinh ra trong bối cảnh đất nước đã rơi vào tay thực dân xâm lược Pháp, nhưng là con vua cháu chúa nên bà vẫn thừa hưởng đặc quyền, đặc lợi cùng truyền thống giáo dục của hoàng tộc. Đó là thuận lợi trong việc góp phần hun đúc nên vốn văn hoá vững chắc sau này, nhưng cũng là hạn chế khi bà không tiếp cận trực tiếp và có hệ thống tư tưởng Âu Tây từ tuổi nhỏ ở học đường. Nói vậy để thấy, trong điều kiện ý thức hệ phong kiến đã thấm vào tận xương tuỷ nhưng vượt lên trên tất cả, ta vẫn có một Đạm Phương nữ sử hiện đại, thấm đẫm tư tưởng nhân văn trong tư duy và cả trong cách viết của một ký giả hàng đầu. Con số những người cầm bút có tầm vóc như bà là vô cùng quý hiếm, rất đáng được trân trọng.
Không chỉ là một nhà báo hàng đầu, người được biết đến là thân mẫu của nhà báo cách mạng Hải Triều còn là nhà văn, nhà khảo cứu, nhà tổ chức các hoạt động xã hội…Lạ thay, lĩnh vực nào Đạm Phương nữ sử cũng để lại dấu ấn và tên tuổi. Đạm Phương nữ sử là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thông thạo nhiều ngoại ngữ, là nữ trí thức đầu tiên đặc biệt quan tâm đến sự dưỡng dục thế hệ trẻ thơ Việt Nam, cũng là người tổ chức hội nữ công đầu tiên ở Việt Nam.
Sự nghiệp báo chí chỉ là một lĩnh vực trong con người đa tài Đạm Phương nữ sử. Vậy nhưng, trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của bà, thấy nổi bật như sợi chỉ đỏ xuyên suốt là hoạt động báo chí. Từ khi cầm bút và sau này suốt thời kỳ làm ký giả, bà đã quán triệt ý thức làm sách. Hoạt động nữ quyền của Đạm Phương nữ sử chủ yếu thông qua báo chí. Diễn đàn báo chí là nơi để bà trải nghiệm những ý tưởng xuyên suốt của mình. Nghề báo giúp “tích tiểu thành đại”, “lấy ngắn nuôi dài” mà làm nên sự nghiệp của một tên tuổi lớn- Đạm Phương nữ sử.
Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

TIN MỚI

Return to top