ClockThứ Bảy, 04/05/2019 05:49

Nhớ lời Đại tướng dặn

TTH - Những năm về hưu, khi nào ra Hà Nội tôi cũng đến thăm Đại tướng Lê Đức Anh. Lần thăm sau cùng là ngày 14/11/2018 tại Viện Quân y 108.

Một tấm gương bình dị mà cao quýHuế trong lòng Đại tướngKý ức mãi còn

Đại tướng Lê Đức Anh ghi vào hồi ký tặng tác giả (từ trái sang: đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại tướng Lê Đức Anh, đồng chí Nguyễn Văn Bòn. Ảnh: TÁC GIẢ CUNG CẤP

Vào cuối năm 1992, trên cương vị Chủ tịch nước, trong dịp vào Thừa Thiên Huế, Đại tướng ghé về thăm và làm việc với Huyện ủy Phú Lộc. Lúc này, do tình hình nội bộ Huyện ủy có vấn đề nên nhiệm kỳ đại hội 1991 – 1995 bị kéo dài. Sau khi nghe đồng chí phụ trách Bí thư Huyện ủy phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng, Đại tướng gợi ý: “Tôi muốn nghe thêm các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy phát biểu về cách khắc phục tồn tại, khuyết điểm để đưa huyện nhà đi lên".

Nghe Đại tướng gợi ý, không khí cuộc họp trở nên gần gũi, thân tình. Từng đồng chí trong Ban Thường vụ phát biểu, nêu trách nhiệm của mình để bổ sung vào báo cáo của đồng chí phụ trách Bí thư Huyện ủy. Nghe xong, Đại tướng nói: Các ý kiến nêu ra của các đồng chí trong Ban Thường vụ, tôi thấy nếu quyết tâm thực hiện thì huyện nhà sẽ có nhiều điều kiện để phát triển. Tôi cũng có nghe đồng chí Vũ Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy có báo cáo cho tôi về tình hình của huyện. Tôi buồn lắm! Phú Lộc là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Nhân dân cần cù và anh dũng trong lao động, chiến đấu. Các đồng chí trong Ban Thường vụ hiểu lịch sử của Đảng bộ huyện. Chi bộ Đảng đầu tiên của 2 huyện Phú Vang và Phú Lộc được thành lập năm 1930 tại Đình làng Bàn Môn, xã Lộc An với 3 đồng chí... Tự hào lắm chứ!

Trải qua những năm tháng oanh liệt, Đảng bộ huyện đã lớn mạnh và trưởng thành. Việc nội bộ Huyện ủy có vấn đề về đoàn kết nội bộ là điều không vui đối với mỗi chúng ta, nhưng tôi nghĩ, kế hoạch chung của Ban Thường vụ và của từng đồng chí vừa nêu ra, tôi tin tưởng cán bộ và Nhân dân huyện nhà sẽ vượt qua được khó khăn trước mắt, đưa Phú Lộc đi lên xứng đáng với cái tên Phú Lộc mà ông cha xưa đã chọn.

Ở đây, tôi xin nêu thêm một vài ý kiến để các đồng chí bổ sung vào chương trình công tác sắp tới của huyện.

Trước hết, các đảng viên trong Đảng bộ huyện phải biết tập trung lo cho dân. Đây là mục tiêu chung, ai cũng lo cho dân, không lo cho cái tôi của mình thì không có gì để xảy ra mất đoàn kết cả.

Trong Ban Thường vụ Huyện ủy, mỗi đồng chí mỗi hoàn cảnh, mỗi khả năng, khi nhìn nhận một sự vật, hiện tượng, khi nghiên cứu học tập nghị quyết của Đảng, chưa thể có sự đồng nhất được mà cần phải có thời gian để cùng suy nghĩ, cùng thống nhất, cùng hành động...

Các đồng chí phải biết thương yêu lẫn nhau. Trong Ban Thường vụ hiện nay phần lớn là các đồng chí kinh qua hai cuộc kháng chiến, thấu hiểu được tình thương của Nhân dân đã bao che, đùm bọc, nuôi dưỡng cách mạng trong những năm tháng cam go, ác liệt của chiến trường. Tình thương của dân là vậy, huống gì chúng ta là những người đảng viên với nhau, chiến đấu bên nhau, cùng vào sinh ra tử. Vì vậy, trong Ban Thường vụ Huyện ủy phải lấy tình thương yêu, lấy tinh thần tự phê bình và phê bình làm căn bản để làm tốt công tác xây dựng Đảng. Về thăm quê hương lần sau, tôi tin rằng Huyện ủy sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong báo cáo.

Nghe Đại tướng nói xong, mọi người cùng vỗ tay, nét mặt ai cũng hân hoan, phấn khởi, tin tưởng vào việc khắc phục mất đoàn kết, quyết tâm xây dựng huyện nhà phát triển trong giai đoạn mới.

Cuối năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 966/TTg ngày 27/12/1996 về việc phê duyệt định hướng quy hoạch đô thị mới Chân Mây, đặt nền móng cho sự phát triển của vùng Chân Mây - Lăng Cô hiện nay với cảng biển nước sâu Chân Mây; khu nghỉ dưỡng Quốc tế Laguna 5 sao nổi tiếng.

Dịp gặp Đại tướng lần thứ  2 là vào mùa hè năm 1997, lúc này tôi làm Bí thư Huyện ủy Phú Lộc. Lần này, Đại tướng dành thời gian đi thăm Bạch Mã.

Bạch Mã là một ngọn núi cao nhất ở Thừa Thiên Huế. Đường đi có nhiều đoạn phải đi bộ với độ dốc rất lớn, nhất là đường lên Hải Vọng Đài.

Hải Vọng Đài là một trong những ngọn đồi cao của núi Bạch Mã. Năm 1972, Mỹ, ngụy đã biến nơi đây thành sân bay dã chiến – sân bay trực thăng cùng với một căn cứ quân sự khá mạnh để chiếm ưu thế trong phòng ngự của chúng ở Thừa Thiên Huế và cho cả Đà Nẵng. Khi đi ngang qua địa đạo của quân giải phóng đào để tấn công địch sau Hiệp định Paris 1973, Đại tướng Lê Đức Anh chú ý quan sát và chăm chú lắng nghe cán bộ thuyết minh giới thiệu. Thấy địa đạo bị xuống cấp, không được tu sửa, Đại tướng nói: “Bạch Mã là Đà Lạt của miền Trung. Địa danh này nổi tiếng có từ thời Pháp thuộc, càng nổi tiếng khi Mỹ, ngụy phải đưa nội dung đề nghị ra hội nghị quân sự bốn bên ở miền Nam trong thực hiện Hiệp định Paris, xin ngưng chiến để cho máy bay Mỹ chuyển quân ngụy bị thương và binh lính rút khỏi Bạch Mã để khỏi bị ta tiêu diệt. Vì vậy, các đồng chí phải báo cáo với cấp trên, với Trung ương để có phương án phục dựng lại địa đạo, coi đây là một di tích lịch sử cách mạng để sau này khi Bạch Mã trở thành địa chỉ du lịch, nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng thì Bạch Mã càng thêm phong phú và đa dạng...

Những năm sau này khi về hưu, mỗi lần ra Hà Nội là tôi đều ghé thăm Đại tướng. Đại tướng hỏi về sức khỏe của tôi, hỏi về tình hình bà con quê hương. Nghe tôi báo cáo về sự phát triển của huyện, nhất là sông Truồi đã được tỉnh đầu tư xây dựng hồ thủy lợi với dung tích 50 triệu m3 nước, Đại tướng cười, đọc lại câu thơ có từ xa xưa:

Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu

Anh đi làm rở lâu không về...

Khi nghe báo chí đưa tin nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước- Đại tướng Lê Đức Anh từ trần, trong lòng tôi buồn khôn tả, điện thoại cho bạn bè và người thân ai cũng nghẹn ngào xúc động không nói nên lời...

NGUYỄN VĂN BÒN

(Nguyên Bí thư Huyện ủy Phú Lộc)

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và phu nhân

NDO - Sáng 30/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và phu nhân, bắt đầu thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 29-30/1, theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân chủ trì Lễ đón chính thức Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr và phu nhân
Return to top