ClockThứ Sáu, 28/02/2020 14:31

Nhớ mái nhà tranh

TTH - Tôi nhìn tấm ảnh về ngôi nhà tranh xưa ở quê tôi. Người trong ảnh là một người bạn thân thiết. Anh đang đứng trước ngôi nhà toàn bằng tranh của anh với bộ đồ sơ mi lịch sự, gọn gàng, gương mặt nhẹ nhõm, hồn nhiên.

Mùa hương...Sông ấy chắc là mình có...

Tôi còn nhớ hè năm nhất đại học thì diện mạo của ngôi nhà anh vẫn là toàn tranh từ mái đến phên, từ nhà trong đến nhà bếp. Có những buổi chiều, mấy anh em trải chiếu dưới bờ tre trước nhà anh uống rượu gạo và đàn hát. Chúng tôi không hát bolero mà hát nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An... chỉ vì hồi đó bolero chưa thịnh trở lại, thanh niên mới lớn say mê tập tành hát nhạc sang với những ca từ tình yêu nồng nàn...

Anh bạn tôi ngồi trước nhà hát nghêu ngao những tình khúc mà anh yêu mến và mơ sẽ trở thành bác sĩ trong tương lai. Mấy năm sau giấc mơ đó của anh đã thành hiện thực. Căn nhà tranh cũ ngày nào tất nhiên rồi đã trở thành quá vãng.

Làng tôi bây giờ chẳng còn mái nhà tranh nào. Nói rằng ai đó muốn về lại bên mái tranh liêu xiêu, ngồi đốt bếp lửa hồng chỉ là cách nói lãng mạn mà thôi. Nhưng những mái tranh xưa vẫn là nỗi nhớ là ký ức khó phai mờ đối với những người sinh ra từ làng như tôi.

Nhớ có lần ra ngoại ô và gặp một căn nhà lợp tranh rất đẹp nằm cô lẻ ngay giữa làng với những ngôi nhà cao tầng bao quanh. Chủ nhà là một người vui tính nói: "Tui đi khắp đó đây, cuối cùng rút ra một kết luận: không có chi sướng bằng ở nhà tranh. Chú ngồi chơi một chút coi lời tui nói có đúng không...".

 Giữa cái oi nồng trưa mùa hạ đúng là ngồi dưới mái nhà tranh thiệt dễ chịu. Chủ nhà còn rót mời khách mấy ly nước lá và nói thêm: "Ở nhà tranh, uống nước lá hái từ rừng về thì còn chi bằng...".

Những căn nhà tranh đang dần mờ trong ký ức... Tôi đã lớn lên từ nhà tranh và nhớ lắm cái câu của mấy bậc cha chú ở làng: "Sướng như ăn giỗ - Khổ như đi tranh". Hồi đó, để có tranh lợp mái, người làng tôi phải ngược sông theo đò ra chợ Mỹ Chánh (Quảng Trị) để mua. Nhưng đó là những ai có tiền. Còn những nhà nghèo thì phải đi tranh; phải cơm đùm gạo bới rủ nhau lên rừng bứt tranh về lợp nhà. Cả chục người thuê đò đi ngược sông Ô Lâu nửa ngày đường lên tận núi Thác Ma đầu nguồn dựng trại để cắt tranh. Mười ngày, nửa tháng mới được mấy bó tranh to chất lên đò về làng.

Sau đó là công đoạn phơi khô, đan tranh, lợp tranh... Mà cùng với tranh là tre để làm lạt đan và làm rui, mèng, phên... Cái công để dựng nên một căn nhà tranh cũng lắm gian truân, vất vả...

Tôi vẫn còn nhớ câu ru hời của mạ: “Chiều chiều con quạ lợp nhà, con cu chẻ lạt, con gà đưa tranh” là đang nói chuyện người xưa lợp mái tranh của làng quê tôi đó thôi!

Rồi chừng mấy năm mưa gió bão bùng, rồi nắng nôi thiêu đốt; nhà tranh hư hao lại phải bắt đầu cho hành trình dựng một căn nhà tranh mới... Lại nhớ một câu hát về lứa đôi đã cũ mèm mà hình như ai cũng thuộc: "Một mái nhà tranh hai trái tim vàng"…

Tôi nhìn tấm ảnh mái nhà tranh xưa của bạn và nhớ làng tôi một thuở chưa xa. Những mái tranh ấm áp vương vấn những sợi khói lam chiều. Bạn tôi đang ngồi bên bếp lửa bấm những phím đàn và hát một bài hát về người tình đã bỏ anh ấy mà đi...           

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cổ tích của ba”: Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ

Quyển sách nhỏ, có lẽ là một thể loại mới - tản văn cho thiếu nhi - “Cổ tích của ba” của Lê Phi Tân chào bạn đọc vào lúc thời tiết Huế chắc cũng ở mức nắng nóng nhất của mùa hè. Phượng "thắp lửa" trên cây. Trời càng nóng, sắc phượng càng rực rỡ. “Cổ tích của ba” đến vào dịp hè, dù học trò có đi học thêm đủ thứ thì vẫn có nhiều thời gian rảnh để đọc. Và như thế “Cổ tích của ba” là một món quà chào hè 2023 của Nhà Xuất bản Trẻ cũng như của tác giả.

“Cổ tích của ba” Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ
Chiều Đông

Chiều xuống nhanh. Mạ tôi sai: “Mấy đứa con nghỉ chơi ra đụn rơm lôi cho mạ đầy hai trác rơm hí!”.

Chiều Đông
Rau trái vườn xưa

Rau quế có thân màu tím, lá màu xanh đậm, mùi thơm cũng đậm, ngon và thơm nhất khi làm món bóp với rau muống luộc.

Rau trái vườn xưa
Lao xao đồng chiều

Ở ngã ba đầu xóm, mạ tôi và mấy o, mấy dì trong xóm đang dên lúa.

Lao xao đồng chiều
Radio nhớ thương

Hôm qua về nhà cũ chợt nhớ nhà ông Tời hàng xóm của tôi có một chiếc radio hiệu Philips của Hà Lan.

Radio nhớ thương

TIN MỚI

Return to top