ClockThứ Năm, 03/01/2019 13:15

Nhớ mùa ẹo rớ quê tôi

TTH - Quê tôi thuộc vùng đất thấp trũng miền Trung, một miền quê nghèo bên dòng sông Ô Lâu bình dị. Thường khoảng bắt đầu tháng 9, tháng 10 âm lịch hết cơn lũ này đến cơn lũ khác tràn về (tiếng địa phương gọi là lụt). Đường làng, ngõ xóm một màu trắng đục của con nước bạc phù sa.

Cá cấn, món ngon nhà nghèoMùa thơ ấu đã qua

Kéo rớ là một thú vui mùa lũ

Người dân quê tôi vốn lam lũ, vất vả quanh năm, nay lũ về càng phải hứng chịu thêm không biết bao nhiêu phiền toái: nước vào nhà, lợn gà bị trôi, hoa màu bị ngâm dài ngày nên tàn thối. Khổ là vậy nhưng năm nào không có lũ hoặc nước chưa kịp tràn vào đường lại rút người dân lại cảm thấy thiếu, thấy lo. Bởi lũ về mang theo bao lớp phù sa bồi đắp cho ruộng vườn. Còn lũ con nít chúng tôi thì chỉ trông mùa lũ tới để đi tắm mưa, lội lụt, và đặc biệt là được bì bõm trong dòng nước đục ngầu gọi nhau đi kéo rớ, cất rớ (tiếng địa phương quê tôi gọi là ẹo rớ)

Trước khi lũ về, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một bộ giàn rớ. Ở làng tôi rớ được làm rất công phu, cẩn thận. Tre làm giàn rớ được chọn rất tỉ mỉ: đối với rớ khổ lớn phải chọn loại tre đực, chắc, dẻo; cóng rớ phải chọn loại tre giáo có độ chắc và bền cao. Những người có kinh nghiệm sau khi đã chọn được nguyên liệu vừa ý mới đem làm giàn rớ. Để làm được một giàn rớ bền, tre phải được uốn cho thẳng và phải sử dụng được lâu dài. Vì thế tre phải được hơ và uốn trên ngọn lửa, mà phải là lửa đốt lên từ rơm rạ. Sau đó đem gác lên chạn bếp để giàn và cóng rớ được khói bếp hun ủ khoảng mười ngày mới có thể có được bộ giàn rớ bền, bóng và chắc chắn, sử dụng được lâu dài.

Khi cơn lũ tràn về, quê tôi lại tấp nập, nhộn nhịp như ngày hội, từng tốp người chèo ghe, lắp rớ trong tiếng nói cười xua tan cái lạnh giá mùa mưa. Người lớn thì cải rớ bà – loại rớ khổ lớn, trẻ em thì cải rớ tay- loại rớ khổ nhỏ. Sáng tinh mơ, đèn pin chiếu sáng cả một vùng, tiếng khua lách cách của thùng nhốt cá, tiếng lội bì bõm của những người cải giàn rớ. Cứ như thế bao nhiêu nhọc nhằn, vất vả như nhòa đi trước hi vọng một mùa lũ với nhiều thức ngon mà thiên nhiên ban tặng.

Để có  được nhiều cá, những người giàu kinh nghiệm ở làng tôi thường chọn những khúc sông rộng, có nước chảy, hay là chỗ kề sát cống nước thủy lợi dẫn nước vào mương hoặc nơi ngã ba con kênh có dòng nước cuộn để đặt rớ. Chọn chỗ đặt rớ rất quan trọng bởi đặt đúng nơi đón đầu được hướng đi của cá thì mới có được nhiều cá. Sau khi chọn xong chỗ đặt rớ, chúng tôi háo hức với những mẻ kéo đầu tay, mỗi lần kéo rớ lên là những lần hồi hộp. Cả đám trẻ con háo hức chờ xem có được bao nhiêu con, to hay nhỏ và loại cá nào. Rồi có khi cả đám nuối tiếc khi rớ đã kéo lên rồi mà một anh chàng cá lấy hết sức mình vọt nhảy ra khỏi lưới rớ trước sự ngẩn ngơ, bất lực của người kéo rớ.

Ở làng tôi, kéo rớ là một thú vui mùa lũ chứ không hẳn là cuộc mưu sinh, bởi người dân quê tôi rất thảo ăn nên người đi qua đứng lại xem có thể lấy ít cá về kho hay nấu canh là chuyện thường.

Những ngày lũ, các mẹ, các chị không phải lội bì bõm đến chợ xã mới có thức ăn cho gia đình, cứ ngồi ở nhà thức ăn cũng nhiều không xuể, còn mấy anh thanh niên thì ngồi lại bên nhau nhấm nháp những con cá đầu mùa béo ngậy với vài xị đế râm ran đủ thứ chuyện. Cùng nhau đi ẹo rớ, cùng nhau chia cá, cùng ngồi bên nhau… tình làng nghĩa xóm thật ấm áp trong mùa lũ.

Bài, ảnh: Trần Văn Toản

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xuất quân đánh cá vụ Nam

Sáng 21/2, lễ xuất quân đánh cá vụ Nam năm 2024 đã được tổ chức tại phường Thuận An (TP. Huế).

Xuất quân đánh cá vụ Nam
Lễ hội cầu ngư và xuất quân đánh cá vụ Nam

Sáng 2/2, tại đình làng Thai Dương, UBND phường Thuận An, TP. Huế tổ chức lễ hội truyền thống cầu ngư và xuất quân đánh cá vụ Nam 2023. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; lãnh đạo TP. Huế và các ban ngành, người dân.

Lễ hội cầu ngư và xuất quân đánh cá vụ Nam
Nhộn nhịp làng biển những ngày giáp tết

Sau nhiều tháng “nằm bờ” do thời tiết mưa lạnh kéo dài, những ngày giáp tết, ngư dân làng chài ven biển huyện Phú Vang lại tất bật hơn, đi đánh bắt trở lại vì thời tiết ủng hộ.

Nhộn nhịp làng biển những ngày giáp tết
Return to top