ClockThứ Năm, 30/08/2012 16:56

Nhớ mùa thu tế

TTH - Trên này phố thị, buổi sáng về quê, đi qua đình làng Dạ Lê Thượng quê nội, nằm ngay trên Quốc lộ IA bất chợt bắt gặp cảnh tượng cờ xí rộn ràng. Ngược xe trở lên làng ngoại Thanh Thuỷ Thượng, cũng là sắc quê thân thương ấy. Thôi nhớ rồi, “tháng bảy nước nhảy lên bờ”, đây đã là lúc các làng quê Huế bước vào mùa lễ tế thu.

Không phải ngẫu nhiên mà dịp trung tuần tháng bảy âm lịch được chọn lựa. Đây là thời điểm thời tiết giao mùa từ hạ sang thu. Như mấy ngày qua ở Huế, nắng nóng bỗng dưng dịu mát với những cơn mưa đầu mùa và đêm về không ngủ được đã nghe trời trở gió. Ấy cũng là lúc công việc đồng áng rảnh rang để ai đó có thể yên tâm đêm ngày với việc làng, việc xóm. Văn hoá Huế có truyền thống từ miền Bắc vào, theo những lưu dân lập nghiệp ở vùng đất mới. Dù quy mô, hình thức nào đi nữa thì tựu trung thu tế vẫn là ngày hội của các dân làng với ý thức sâu xa muôn thuở là tỏ bày sự biết ơn, ngợi ca công đức tiền nhân, những vị khai canh khai khẩn, chư vị thành hoàng, những kẻ khuất mặt khuất mày… đã góp công, góp sức tạo nên xóm làng ban đầu và giúp cho người dân qua bao đời được an cư lạc nghiệp.

Ví như làng Chuồn (Phú An, Phú Vang) có ba họ tộc có công khai canh làng được tôn làm Thành hoàng là các họ Hồ, họ Nguyễn, họ Đoàn. Ngài Hồ Quảng Lãnh, được dân làng trọng vọng gọi là Hồ Quý Công, sắc phong Nhật báo Trung Hưng Linh Phò Ðoan Quốc Công tôn thần. Lễ tế thu của làng Chuồn kéo dài trong 3 ngày: 15, 16 và 17/7 âm lịch. Ngày 17/7 là ngày chính tế. Ngày 15/7 làm lễ trần thiết và cúng rằm, sáng sớm 16/7 làm lễ rước cung nghinh các bài vị Thành Hoàng về Tổ Ðình, sau đó là lễ an vị kế hành túc yết. Ngày 17/7, đúng 2 giờ sáng làm lễ Chánh tế; 5 giờ sáng làm lễ tiến cung nghinh, cúng bia bạc. Có những khác biệt nhỏ, nhưng đó được xem là chương trình cơ bản của một lễ tế thu ở làng quê xứ Huế.

Bao kẻ đi xa, nhớ quê, nhớ làng quay quắt trong lễ tế thu với những đám rước đầy sắc màu và cả đêm dân làng ở lại đình làng chuẩn bị cho lễ chánh tế vào sáng sớm hôm sau… Để rồi, đi làm ăn xa, hằng năm, nhiều con em dân làng đều khát khao trở lại quê nhà vào dịp làng tế. Không về được thì tấm lòng thành là chút ít tiền hay lễ vật dâng cúng, một cách tưởng nhớ về nơi cắt rốn chôn nhau, một cách góp sức cho xóm làng yêu thương. Lễ tế thu do thế có thêm được những sắc thái mới trong cuộc sống đang nhiều đổi thay. Đó là tôi muốn nhắc đến tế thu của nhiều làng quê Huế, như ở làng Lại Thế (Phú Thượng, Phú Vang) mấy năm gần đây với thêm phần lễ trao học bổng cho học sinh giỏi và học sinh nghèo hiếu học là con em của làng.

Rằm tháng bảy âm lịch với Vu lan báo hiếu những bậc sinh thành. Cũng dịp tháng bảy về, rộn ràng trên khắp nẻo làng quê là lễ hội tế thu tưởng niệm bậc tiền nhân có công lao mở đất. Về làng vào dịp mùa thu tế, thoang thoảng đâu đây mùi rơm rạ, buâng khuâng nhớ lại tuổi thơ và bạn bè một thuở. Bất chợt phát hiện thêm một nét nữa thân thương và gần gũi lạ của làng quê Huế mình.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top