ClockThứ Hai, 30/01/2012 05:01

Nhớ người cộng sản Nguyễn Chí Diểu

TTH - Trong bài thơ “Quê Mẹ”, nhà thơ Tố Hữu viết: “Con lớn lên, con tìm Cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi”. Cũng như nhiều thế hệ học trò trưởng thành sau ngày giải phóng 1975, tôi thích và nhớ mãi câu thơ đó. Nó như một lời tự sự, đầy tri ân gắn với những kỷ niệm sâu sắc của nhà thơ cách mạng Tố Hữu dành cho những người đồng chí của ông và nó cũng hé lộ chân dung về một con người, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Chí Diểu. Quê Tố Hữu ở làng Tân Lai Xuân, xã Quảng Thọ (Quảng Điền), còn Nguyễn Chí Diểu thì sinh ra và lớn lên cách đó không xa, ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Tố Hữu sinh năm 1920, kém Nguyễn Chí Diểu đến 12 tuổi. Vậy nên không có gì lạ khi “Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi”.

Thuở nhỏ, Nguyễn Chí Diểu theo học chữ Hán và đến năm 10 tuổi mới học chữ Quốc ngữ. Năm 17 tuổi vào Trường Quốc Học Huế, thời gian này ông liên hệ mật thiết và kết thân với các nhà hoạt động cách mạng. Tại đây, ông tham gia Đảng Tân Việt, gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1927, ông tham gia cuộc bãi khóa tại Trường Quốc Học. Năm 1928, ông đắc cử Xứ ủy viên Trung kỳ của Đảng Tân Việt, sau đổi thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Đây là thời kỳ cách mạng sôi động của Nguyễn Chí Diểu.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại, ông bước vào cổng Trường Quốc Học Huế đúng vào lúc phong trào đấu tranh của nông dân, các tầng lớp trí thức, học sinh Trung kỳ đòi giảm sưu cao, thuế nặng, đòi nhà cầm quyền Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, đòi được để tang nhà yêu nước cách mạng Phan Chu Trinh. Võ Nguyên Giáp nhanh chóng hòa nhập ngay vào phong trào đấu tranh đó. Ở đây, ông có nhiều người bạn hoạt động trong phong trào học sinh, như: Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Nguyễn Thúc Hào… đặc biệt là Nguyễn Chí Diểu. Hai người tuy mới quen nhau nhưng rất thân thiết và hình như giữa hai người có cùng chung một suy nghĩ, một chí hướng… Nguyễn Chí Diểu thường chia sẻ với Võ Nguyên Giáp về sự bất bình trước cảnh giáo dục thực dân chỉ nhằm tạo ra những tên tay sai đắc lực phục vụ cho “mẫu quốc”. Chính những điều đó mà chỉ 3 năm sau ngày quen biết, Nguyễn Chí Diểu đã giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào Tân Việt cách mạng Đảng.
 
Về sự kiện tháng 4/1927, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhớ lại, tại Trường Quốc Học Huế diễn ra một cuộc bãi khóa rầm rộ với quy mô lớn. Nguyễn Chí Diểu bị tên giám thị Pháp chú ý, coi là kẻ cầm đầu. Nhân một hôm, thi môn toán, viên giám thị gian giảo này vu cho Diểu “quay cóp” bài của bạn và tức khắc đuổi ông ra khỏi trường. Võ Nguyên Giáp và các bạn cùng chí hướng bất bình trước việc “vu oan, giá họa” cho người khác của tên giám thị, đã làm đơn yêu cầu nhà trường hủy quyết định đuổi học Diểu, một học sinh giỏi của lớp, không hề chép bài của bạn như giám thị vu cáo. Đơn đã bị nhà trường trả lại. Ngay sau đó, Võ Nguyên Giáp liền bàn với Nguyễn Khoa Văn tiếp tục tổ chức bãi khóa để phản đối việc Diểu bị đuổi học. Cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc Học Huế lan rộng ra khắp các trường ở Huế và phát triển thành cuộc tổng bãi khóa. Do áp lực của công luận, sau một tuần nhà đương cục Pháp phải nhượng bộ thả một số học sinh bị bắt nhưng kiên quyết đuổi một số người bị chúng coi là những kẻ cầm đầu, trong đó có Nguyễn Chí Diểu và Võ Nguyên Giáp.
 
Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản (3/2/1930), Nguyễn Chí Diểu được điều vào làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định rồi bị bắt. Đến 1933, thực dân Pháp mới xử án, phán ông khổ sai chung thân lưu đày Côn Đảo. Tháng 6/1936, ông được trả tự do, nhưng lại bị theo dõi riết, song ông vẫn bí mật hoạt động và lãnh đạo các cuộc đấu tranh trực tiếp ở Huế và miền Trung. Nguyễn Chí Diểu được Trung ương chỉ định vào Ban Chấp hành lâm thời Xứ uỷ Trung kỳ. Cùng với Phan Đăng Lưu, ông đã đi vào các xưởng thợ, nhà máy vôi Long Thọ, nhà in báo Tiếng Dân, Trường Kỹ nghệ thực hành và một số xã vùng ven thành phố để tuyên truyền, vận động công nhân và nông dân đấu tranh đòi các quyền lợi thiết thực. Trong thời kỳ này, Tố Hữu vào học Trường Quốc Học Huế. Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxim Gorky,... qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ như: Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu… Tố Hữu sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản. Cái ý thơ “Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi” có lẽ ra đời từ đó. 
Tháng 8/1936, Nguyễn Chí Diểu và các đồng chí trong tổ chức cộng sản Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc họp ở hiệu sách Hương Giang để đề ra biện pháp chống lại những thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù và đề ra chủ trương mới, tổ chức Đông Dương đại hội tại Trung kỳ, mở rộng khả năng hoạt động hợp pháp để phát triển phong trào cách mạng quần chúng. Tại đại hội đại biểu nhân dân Trung kỳ (20/9/1936), Nguyễn Chí Diểu (cùng với Hải Triều, Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh) tham gia Uỷ ban lâm thời chi nhánh Trung kỳ của Đông Dương đại hội. Đến tháng 4/1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu, thay mặt Xứ uỷ Trung kỳ, triệu tập cuộc họp bàn bạc việc củng cố lại Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế.

Nhà văn Hồng Nhu thắp hương trước mộ cụ Nguyễn Chí Diểu. Ảnh: Internet

 
Giữa lúc phong trào cách mạng đang gặp khó do sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù thì do bị bệnh nặng, ngày 19/ 5/1939, Nguyễn Chí Diểu, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Trung kỳ qua đời ở tuổi 31. Theo đề nghị của đồng chí Phan Đăng Lưu, cụ Phan Bội Châu vui lòng để các đồng chí cộng sản và gia đình mai táng Nguyễn Chí Diểu trong vườn cụ. Đám tang của đồng chí Nguyễn Chí Diểu được tổ chức rất trọng thể đã là dịp biểu dương lực lượng của quần chúng. Hàng ngàn người mang vòng hoa đi theo linh cữu của đồng chí kéo dài từ ngã ba đường Gia Long (Phan Đăng Lưu) lên đường Paulbert (Trần Hưng Đạo) qua cầu Trường Tiền, thẳng theo đường Jules Ferry (Lê Lợi) đưa đồng chí Nguyễn Chí Diểu về nơi an nghỉ cuối cùng.
Cùng với khu lăng mộ tại Huế, di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Nguyễn Chí Diểu tại Thừa Thiên Huế còn có một con đường và một ngôi trường mang tên ông. Đặc biệt, ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, hiện còn lưu giữ ngôi nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu. Người đảng viên ưu tú Nguyễn Chí Diểu đã được sinh ra và lớn lên chính trong căn nhà tranh này. Ðến khoảng năm 1929, cũng tại địa điểm nền nhà cũ, người anh của Nguyễn Chí Diểu là ông Nguyễn Chí Thông đã bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi nhà, giữ nguyên kiểu dáng cũ, đó là ngôi nhà rường ba gian, khung gỗ kiền kiền và sến, mái lợp bằng ngói liệt. Tổ hợp hiện vật lưu niệm: Bàn ghế, giường, phản, bể nước, giếng... hiện vẫn được lưu giữ, là những bằng chứng hùng hồn minh chứng cho cuộc sống, sinh hoạt và những hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã gắn bó một thời với ngôi nhà thân yêu của mình, nâng bước cho những hoạt động của đồng chí góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Di tích lịch sử Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu được công nhận là di tích Quốc gia ngày 30/12/1991. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, khu di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu được tu bổ và mở rộng. Công trình bao gồm các hạng mục: xây mới nhà trưng bày, bổ sung bia tưởng niệm, cổng tam quan, hệ thống sân vườn, cây cảnh, khuôn viên di tích, tu bổ nhà lưu niệm, phục hồi nhà bếp, miếu ngoại, giếng nước... với tổng kinh phí trên 800 triệu đồng. Từ nhiều năm nay, Nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu trở thành điểm thăm viếng, tham quan học hỏi dành cho du khách gần xa, đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng cho thế hệ trẻ làng Thanh Tiên và người dân trong vùng.

Vào các dịp Festival Huế, tôi vẫn thường có thói quen về làng Thanh Tiên tham dự lễ hội “Sắc màu Thanh Tiên”, đồng thời viếng thăm và thắp một nén nhang cho người chiến sĩ cộng sản, người con của quê hương Phú Vang mà tôi đặc biệt trân trọng. Chính trong ngôi nhà lịch sử này, tôi đã gặp rất nhiều người đáng kính, như nhà thơ, Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Khoa Điềm, con của Hải Triều- Nguyễn Khoa Văn, người đồng chí của Nguyễn Chí Diểu. Và bất chợt, tôi lại nhớ đến lời thơ năm nào của Tố Hữu: “Con lớn lên, con tìm Cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa, con còn Đảng/ Dìu dắt khi con chửa biết gì”.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top