ClockThứ Sáu, 02/09/2016 13:46

Nhớ những ngày chuẩn bị giành chính quyền

TTH - 70 năm tuổi Đảng, 96 tuổi đời, ông Nguyễn Hưng Quýnh (bí danh Nguyễn Xuân Quýnh, Nguyễn Xuân Tốn), cán bộ tiền khởi nghĩa, cựu tù Côn Đảo, hiện trú tại kiệt 18/2A Đào Tấn, phường Trường An (TP. Huế) vẫn nhớ như in những ngày cách mạng sục sôi tháng 8/1945...

Dù tuổi cao nhưng ông Nguyễn Hưng Quýnh vẫn nhớ rất rõ những ngày Cách mạng Tháng Tám

Ước mơ về một ngày mai tươi sáng

Bên chén trà đầu ngày, ông Quýnh bồi hồi nhớ về những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa. “Tuổi thanh niên tôi thích văn nghệ và bóng đá. Tôi theo học chữ Hán, đến thứ bảy, chủ nhật  lại xin ba mẹ về đá bóng tại chợ Phò Trạch (Phong Điền). Thời gian tham gia bóng đá, tôi đã kết bạn thêm với anh Nguyễn Tri Tân và Trương Đức Thiệu - những người bí mật tham gia tổ chức Việt Minh, là thầy dạy học của người em. Một hôm đang đùa vui giữa căn phòng, anh Nguyễn Tri Tân đưa cho tôi xem tờ truyền đơn và nói: “Quân phát xít Đức, Ý, Nhật cấu kết nhau xâm lược thế giới, nhưng quân Đồng minh, nhất là Hồng quân Liên Xô đánh khắp các mặt trận”. Tờ truyền đơn này lấy từ đường dây anh Hoàng Công Phẩm (cán bộ lão thành cách mạng) và anh Hoàng Tiến (nguyên Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên, hy sinh trong chống Pháp). Đọc xong tờ truyền đơn, chúng tôi nhìn nhau cười, ngầm hiểu về một ngày mai tươi sáng”, ông Nguyễn Hưng Quýnh mở đầu câu chuyện.

Những ước mơ về một ngày mai tươi sáng ấy đã thôi thúc ông Quýnh sớm giác ngộ để tham gia cách mạng. Ông cùng với ông Trương Đức Thiệu đi vận động nông dân các làng ở xã Phong Nguyên (nay là xã Phong Mỹ, Phong Điền) vào hội hiếu (lo tang lễ cho những người qua đời) với mục đích để tập hợp, giác ngộ quần chúng Nhân dân, chờ lệnh cướp chính quyền.

Ông Quýnh nhớ lại: “Chỉ sau 3 tháng vận động, hai anh em đã hình thành được hai hội hiếu tại làng Lưu Phước do tôi phụ trách. Tại làng Hiền Lâm, chúng tôi cũng xây dựng được một tổ đổi công, một tổ hội hiếu do anh Trương Đức Thiệu tổ chức”.

Chớp thời cơ, giành chính quyền

“Tháng 12/1944, anh Hoàng Anh (nguyên Bí thư Trung ương Đảng nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) bí mật lãnh đạo nhóm sông Bồ báo tin cho tôi biết: Nhật hất cẳng Pháp để xâm lược Việt Nam, ta phải gấp rút phát động phong trào quần chúng chống Nhật. Tiếp đến, tháng 3/1945, anh Hoàng Công Phẩm, cán bộ Việt Minh bí mật của tổng Phò Trạch đến làng Lưu Phước triệu tập số thanh niên yêu nước gồm: Tôi, anh Thiệu, anh Ngô Quyền để thông báo: “Việt Minh Trung ương do Hồ Chí Minh lãnh đạo ra chỉ thị: “Nhật – Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta”. Thời cơ ngàn năm có một, các anh phải trở về các địa phương gấp rút chuẩn bị”. Ba anh em chúng tôi phân công nhau về các làng tập hợp thanh niên yêu nước, giác ngộ họ tham gia Việt Minh đánh Pháp, đuổi Nhật. Tôi còn nhớ rõ, vào một đêm tháng 7/1945, bầu trời ngập tràn ánh trăng, tôi và anh Thiệu tìm đến anh Lê Trung Nghĩa để bàn chuyện thời sự. Chúng tôi tin anh Nghĩa ngay từ khi anh ở Sài Gòn ra đồn điền Hòa Mỹ, Phong Điền, vì anh là một nhà báo yêu nước đã có nhiều bài báo tố cáo sự áp bức bất công của thực dân Pháp. Đêm càng về khuya, chúng tôi càng sôi nổi bàn về tổ chức phong trào học chữ quốc ngữ, hội hiếu ở làng Hòa Mỹ”. 

“Suốt chặng đường hoạt động cách mạng, điều vinh dự nhất trong đời ông Quýnh là được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam đúng ngày 1/1/1946. 5 tháng sau đó, ông được cử làm Bí thư Chi bộ xã Phong Nguyên (nay là Phong Mỹ), rồi Bí thư Chi bộ xã Phong Thu, Bí thư Huyện ủy Hương Trà, Phú Vang... Vinh dự, tự hào nhưng cũng rất gian khổ, quyết liệt. Năm 1956, ông bị bắt giam tại Côn Đảo 18 năm. “Dù hoàn cảnh nào, khó khăn đến bao nhiêu, tôi vẫn luôn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản...”, ông Nguyễn Hưng Quýnh thổ lộ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Quýnh và các anh em khác đã tổ chức được 32 nhóm học chữ quốc ngữ, 6 tổ du kích và tập hợp được 80 người ở các làng Lưu Phước, Hiền Lâm, Hưng Thái, Huỳnh Trúc. Riêng ông Lê Trung Nghĩa ở Hòa Mỹ tổ  chức được 3 nhóm học chữ quốc ngữ, 1 trung đội tự vệ thanh niên nam, nữ gần 40 người. “Thừa lệnh của Tổng bộ Việt Minh Trung ương do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đồng chí Hoàng Tiến, Việt Minh Trung bộ và đồng chí Hoàng Công Phẩm về phổ biến cho Tổ Việt Minh Lưu Phước, gồm có: Tôi, anh Thiệu, anh Quyền, anh Nghĩa, anh Hoàng Nhật đẩy mạnh tuyên truyền và rải truyền đơn khắp các làng trong huyện Phong Điền; phát động quần chúng tham gia vào các tổ chức thích hợp, nhất là tổ chức tự vệ đỏ, chuẩn bị gươm giáo, gậy gộc... khi có lệnh lên đường khởi nghĩa cướp chính quyền ở làng, tổng, huyện lỵ; tổ chức quyên góp gạo, lúa cứu đói cho dân. Không khí chuẩn bị cướp chính quyền rất khẩn trương”, ông Quýnh bồi hồi nhớ lại.

Ngày 18/8/1945, nhận được chỉ thị hỏa tốc của Ủy ban khởi nghĩa Phong Điền, Việt Minh các làng, tổng huy động toàn thể tầng lớp Nhân dân tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Tổ Việt Minh Lưu Phước do ông Quýnh làm tổ trưởng cùng với tổ Việt Minh các làng, tổng cùng với Nhân dân mang băng cờ, biểu ngữ, gậy gộc rầm rộ kéo đến cướp chính quyền. “Chúng tôi đi đến đâu, ban lý hương các làng bận áo đen, khăn đóng xin nạp triện đồng, sổ bộ, tiền bạc của làng và hứa ủng hộ Việt Minh. Đúng 17 giờ ngày 18/8/1945, cướp chính quyền xong, các làng trong toàn huyện Phong Điền tuyên bố thành lập chính quyền Nhân dân ở các làng và tổng. Đêm ấy, Nhân dân khắp nơi bàn tán, vui mừng ngày hội, chuyện trò suốt đêm không ngủ, tiếp tục đợi lệnh cướp chính quyền huyện đến tỉnh”, ông Quýnh kể lại.

Sáng 19/8/1945, được lệnh Việt Minh Trường Sơn (Phong Điền), Nhân dân các làng, các tổng trang bị súng, gươm, gậy gộc kéo quân lên huyện Phong Điền hộ vang khẩu hiệu Việt Minh. Tên tri huyện và quan lại đứng hai hàng đón tiếp. Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Hoàng Thái tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng, tịch thu triện đồng, sổ bộ, tài sản sung vào công quỹ. Sáng 23/8/1945, nhận lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa Phong Điền, chúng tôi huy động 200 người tham gia cùng toàn huyện vào Huế cướp chính quyền về tay Nhân dân.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những ngày Cách mạng tháng Tám ở tổng An Cư

Ngày 22/8/1945, tổng An Cư (Phú Lộc) đã lập xong chính quyền cách mạng. Ngay trong đêm đó, một đoàn biểu tình đã ra Huế để kịp tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế ngày 23/8/1945, góp phần tạo nên khí thế hào hùng của dân tộc.

Những ngày Cách mạng tháng Tám ở tổng An Cư
Cách mạng tháng Tám là một dấu mốc quan trọng

Quá khứ không chỉ là lịch sử mà còn là hành trang, là sức mạnh tinh thần, tạo nên cốt cách của mỗi người dân và của cả dân tộc. Đó là điều hiển nhiên khi chúng ta giở lại trang sử từ những ngày được hưởng quyền độc lập.

Cách mạng tháng Tám là một dấu mốc quan trọng
Vững tin

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Khát vọng độc lập tự do và thành quả cách mạng mà thế hệ cha ông không tiếc máu xương mới giành được là ánh đuốc soi đường, ngọn lửa nhiệt huyết truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.

Vững tin
Return to top