ClockThứ Bảy, 16/04/2016 05:59

Nhớ những ngày giữ đảo

TTH - Ở thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc), người lính già Nguyễn Văn Thuyết đã từng trải qua những tháng năm gian khó, hiểm nguy, cùng đồng đội tiếp tế lương thực, đạn dược cho đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Nhiệm vụ quan trọng

Tôi biết ông qua câu chuyện của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phú Lộc-Lê Đức Thịnh. Ở tuổi 82, 56 tuổi đảng hai tai không còn nghe rõ, thế mà khi nhắc đến đảo Cồn Cỏ, câu chuyện của ông cứ dài mãi, dài mãi...

Bồi hồi nhắc đến từng danh hiệu đã lập công trong thời hiểm nguy, gian khó

Là du kích địa phương, năm 1954, sau Hiệp định Giơnevơ, ông Thuyết tập kết ra Bắc ở Nghệ An học tập, huấn luyện súng cối ở Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 269. Đến năm 1957, thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bắt đầu vào thời kỳ ác liệt, ông được điều vào Đại đội Vận tải đường biển số 27, là một trong những đơn vị vận chuyển đưa quân, hàng hóa tiếp tế nguồn sống cho đảo Cồn Cỏ.

Hồi đó, đảo Cồn Cỏ là điểm đối đầu giữa lực lượng 2 miền Nam- Bắc. Nếu để Cồn Cỏ rơi vào tay địch, chúng sẽ xây dựng căn cứ quân sự, cản trở giao thông tiếp tế từ Bắc vào Nam và là căn cứ quân sự, làm bàn đạp đánh phá ra miền Bắc. Với tầm quan trọng đó, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ bằng tàu chiến, máy bay và cả biệt kích người nhái liên tục tấn công, bao vây đảo suốt ngày đêm.

Lật lại những trang nhật ký đã nhòe mực, ông nói, không ngày nào ngơi nghỉ tiếng súng đánh phá trên biển đảo Cồn Cỏ và đất liền. Đại đội Vận tải 27 hồi đó có 12 thuyền nhưng chỉ là những thuyền buồm, 6 mái chèo với tải trọng từ 6-10 tấn nên việc tiếp tế cho đảo gặp rất nhiều khó khăn. Sự an toàn cho những chuyến hàng ra đảo không nói trước điều gì vì lúc nào trước mặt cũng là kẻ thù với tàu lớn, vũ khí hiện đại, còn đại đội của ông chỉ là những con thuyền thô sơ.

Theo ông Thuyết, từ đất liền ra đảo khoảng 30 cây số theo đường chim bay. Mỗi chuyến cũng mất cả ngày đêm khi trời quang mây tạnh; nếu không phải mất 4-5 ngày. Đã có những chuyến, 12 thuyền ra đi nhưng chỉ có 4 chiếc thoát khỏi vòng vây dày đặc của địch. Vì vậy mỗi chuyến đi anh em trên thuyền luôn nguyện thề đồng cam chịu khổ, khi bất trắc xảy ra phải quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Mất người, mất thuyền không lo, nhưng đau buồn là hàng hóa không kịp tiếp tế ra đảo phục vụ anh em chiến đấu. Vì vậy việc bảo vệ hàng hóa an toàn là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà ông Thuyết cùng đồng đội suốt trong những năm tháng dài luôn trăn trở.

Người lính kiên trung

Nhân lúc ông hào hứng, tôi hỏi: Kỷ niệm nào thời đó đến bây giờ ông nhớ mãi. Ông bảo: Nhiều lắm, nhưng điều không phai trong tâm trí tôi là vào cuối tháng 5/1965, sau khi đoàn chở hàng hóa ra đảo an toàn. Đến 21 giờ hôm sau quay vào bờ, nhưng đi được 7-8 hải lý bất ngờ gặp gió lớn và giông. Không thể tiếp tục, đoàn thuyền đành quay lại đảo theo lệnh. Đợi đến 24 giờ, hết sóng gió, đoàn dong thuyền vào, nhưng đi được nửa đường lại bị tàu địch phát hiện bao vây, bắn chìm. Lúc này nhiều đồng đội mất tích do lật thuyền, mất phao, có người dạt vào tận cửa Thuận An, Tư Hiền - Thừa Thiên Huế.

Vụ ấy, ông bị địch bắt. Ông Thuyết đã tráo tên thật, khai mình là Nguyễn Thạnh, một ngư dân đánh cá trên biển gặp nạn nhưng địch không tin nên đã tra tấn hành hạ dập tay, dập chân và gãy cả răng. Không nắm được thông tin gì, chúng đã đưa ông vào Đà Nẵng giam cầm hơn một tháng. Sau đó, chúng chuyển ông vào nhà tù chính trị Biên Hòa, Đồng Nai rồi Sài Gòn. Năm 1967, chúng đưa ông ra biệt giam ở đảo Phú Quốc. Ông lúc này gần như mất hết sức lực và trí nhớ. Năm 1974, chúng trả tự do cho nhiều chiến sĩ, trong đó ông Thuyết cũng được trở về đất liền, an dưỡng tại tỉnh Quảng Ninh. 

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, vào năm 1976, ông cùng gia đình trở về quê. Ông lại nhận nhiệm vụ mới là Chủ nhiệm HTX ngư nghiệp Bình Dương (Lộc Vĩnh, Phú Lộc), đưa phong trào khai thác thủy sản địa phương phát triển mạnh mẽ. Sau đó, ông được tín nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy xã, rồi Chủ tịch Hội chất độc da cam và hiện nay là Chủ tịch Hội tù yêu nước xã Lộc Vĩnh. Hiện nay, ông sống thanh bạch giản dị cùng người bạn đời - bà Đỗ Thị Quế. Hai ông bà chỉ có một người con trai hiện là cán bộ ngân sách của xã Lộc Vĩnh. Mong muốn của ông bây giờ là có sức khỏe, để ông bà tự chăm sóc nhau, không làm phiền đến con cháu.

Trong suốt buổi trò chuyện, chúng tôi biết những thước phim về quá khứ hào hùng đang từng phút, từng giờ thức dậy trong ông. Quá khứ hào hùng ấy sẽ sống mãi khi từng ngày, từng tháng trên bức tường trong căn phòng ấm áp của ông, những tấm huân, huy chương, bằng khen luôn treo ở vị trí trang trọng.

Bài, ảnh: Minh Văn

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng về biển

Hệ thống giao thông tỉnh gần đây đã, đang hiện hữu nhiều tuyến đường kết nối các trung tâm huyện, thị, thành phố hướng về biển. Đó là những “con đường vàng” của Thừa Thiên Huế.

Hướng về biển
Nhà xe than vì phí qua hầm Hải Vân tăng

Kể từ ngày 1/5/2021, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chính thức tăng mức phí đối với các phương tiện ô tô đi qua hầm Hải Vân tại Trạm thu phí Bắc Hải Vân ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc). Mức giá đưa ra cao hơn gấp 3 lần so với các trạm thông thường làm chủ phương tiện ô tô qua lại lo lắng.

Nhà xe than vì phí qua hầm Hải Vân tăng
Vui cùng LRAMP

Nhằm giúp người dân vùng xa, vùng khó đi lại thuận tiện, mới đây, Thừa Thiên Huế triển khai xây dựng 16 cây cầu dân sinh. Đây là một phần trong dự án (DA) LRAMP-DA đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Vui cùng LRAMP
Người lính già & ký ức hào hùng về “trận địa giả”

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, “trận địa giả” - một cách thu hút hỏa lực của địch đã góp phần không nhỏ trong thắng lợi vĩ đại của dân tộc ở cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ký ức về những ngày thu hút hỏa lực của địch bằng “trận địa giả” ấy lại trở về trong trí nhớ của một cựu binh ở Hương Thủy.

Người lính già  ký ức hào hùng về “trận địa giả”
“Người lính già đầu bạc” ấy chưa bao giờ rời xa đội ngũ

“Người lính già đầu bạc” Lê Đức Anh (sinh năm 1920) trưởng thành từ cuộc đấu tranh cách mạng, trở thành một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy có bản lĩnh. Sau ngày đất nước thống nhất, dù ở cương vị nào, ông vẫn chăm lo việc quân giữa thời bình, vẫn trăn trở với những bức xúc của xã hội, vẫn lo củng cố tiềm lực của đất nước để bảo đảm bảo vệ vững chắc chủ quyền của quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đại tướng Lê Đức Anh ra đi là sự mất mát to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có quê hương Thừa Thiên Huế.

“Người lính già đầu bạc” ấy chưa bao giờ rời xa đội ngũ
Return to top