ClockThứ Hai, 25/07/2016 10:19

Nhớ những ngày máu lửa - Bài 1: Nhiệm vụ đặc biệt

TTH - LTS: Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2016), Báo Thừa Thiên Huế xin trích đăng hồi ký về những ngày máu lửa của đồng chí Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Chính trị viên Đơn vị biệt động cánh Bắc TP. Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Đầu năm 1972, tuyến hành lang từ Hương Trà vào Huế về các xã dưới Quốc lộ 1 vốn đã căng thẳng lại càng ác liệt, khi ngụy quân, ngụy quyền ráo riết thực hiện chiến dịch “Tìm diệt”. Các cửa rừng ở chiến khu về đồng bằng, địch tăng cường các thủ đoạn như: phục kích, cài mìn định hướng, rải cây nhiệt đới. Cán bộ, bộ đội, các đội công tác của huyện và thành phố đêm nào cũng căng sức để tránh tổn thất khi đi qua các tuyến đường này.

Đồng chí Nguyễn Huy Ngọc (hàng dưới, ngoài cùng bên phải - tác giả bài viết) cùng các thành viên trong Đội công tác xã Hương Thái những năm 1974 

Ở Hương Trà, lực lượng địch dường như bít hết tất cả các tuyến đường về đồng bằng, chỉ còn lại tuyến đường từ núi Thông Cùng ra khe Đâu về các xã Hương Thạnh, Hương Thái là có thể đi được. Để chuẩn bị cho đoàn công tác xã hoạt động, xây dựng cơ sở thu mua lương thực; 14 giờ chiều ngày 4/3/1972, một tổ trinh sát gồm các đội công tác thành phố, Hương Thạnh, Hương Thái do đồng chí Lê Văn An - trinh sát vũ trang thành phố làm tổ trưởng xuất phát từ khe Bôi qua đồi Kè ra khe Đâu, phải rà mìn, cảnh giới bám địch để đảm bảo an toàn cho 24 cán bộ, chiến sĩ về đồng bằng hoạt động. 16 giờ chiều, tổ trinh sát đã ra đến dốc Ồ Ồ cách khe Đâu khoảng 200m. Bằng tất cả các khả năng trinh sát, ống nhòm nhìn xa, nhìn gần, tổ trinh sát không thấy một bóng dáng lính ngụy nào, chỉ thấy có hai người bận áo quần thường dân, đầu đội nón lá, lom khom ở khe Đâu, nơi con đường mòn về Hương Thạnh.

Đến 17 giờ, đoàn cán bộ, bộ đội của các đơn vị đội công tác thành phố cánh Bắc, đội công tác xã Hương Thạnh, Hương Thái, đội trinh sát vũ trang thành phố, huyện đội Hương Trà, đơn vị K10…, sau khi hội ý và thống nhất nhận định, phải hết sức cảnh giác hai người mặc áo quần thường phục đó vì có thể là lính nguỵ cải trang để cài mìn, cắm cây nhiệt đới, có thể địch phục kích cách đường trục đâu đó… các đội bắt đầu vạch hướng đi tránh đường mòn. Phân công tổ đi đầu có đồng chí Hồ Ban chỉ huy, đồng chí Lê Văn Ân - trinh sát vũ trang và đồng chí Lâm - bộ đội K10.

Tổ đi đầu tích cực đạp đường mới dọc qua khe Đâu. Trời rất tối, mưa nặng hạt. Khi tổ đi đầu đang tìm đường, vượt qua lùm cây dày đặc, đội hình bị ùn lại. Người đi đầu tranh thủ bước qua trước, đồng chí thứ hai qua khe bước thêm khoảng 3 bước thì vấp phải sợi dây điện, gài mìn định hướng của địch. Một loạt tiếng nổ chát chúa vang lên, 23 đồng chí đi sau nằm trong tầm sát thương của bãi mìn nên ngã xuống trong tiếng kêu rên đau đớn. Trong tình thế bị động, thương vong nhiều, đồng chí Lê Văn Ân liền quay lại, chạy một mạch vào báo cáo với đồng chí Nguyễn Hường Thọ - Bí thư Huyện ủy Hương Trà và tôi trong đội công tác thành phố là người đêm trước đã đi đồng bằng, hôm nay được nghỉ: Báo cáo chú Thọ và anh Ngọc, toàn bộ đoàn công tác đã hy sinh và bị thương hết. Chú cho anh em ra hết để giải quyết thương binh, liệt sĩ…

Trên gương mặt của đồng chí Nguyễn Hường Thọ lúc đó thấy rõ sự lo lắng khó tả. Đồng chí liền phân công tôi, Nguyễn Văn Hạnh, Phan Anh Đào, đồng chí Tuất súng đạn khẩn trương theo đồng chí Ân ra kiểm tra và giải quyết thương binh, liệt sĩ. Thực hiện mệnh lệnh, tôi cùng bốn đồng chí lên đường. Lúc đó là 21 giờ đêm (19 âm lịch) trăng đã lên đầu ngọn núi. Tôi là người thạo đường, xách súng rẽ đường chạy một mạch từ đồi Huyện đội ra dốc Đu. Dưới ánh trăng mờ giúp cho tôi phát hiện được lều bạt của tiểu đội lính Mỹ nằm phục kích.

Nhanh như sóc, tôi nhảy vào hố bom cạnh lều bạt của lính Mỹ đang ngủ. Không thấy động tĩnh gì, tôi quay lại cùng anh em đạp đường khác. Sau 2 giờ đạp đường, qua đồi Kè, khe Bội, khe Rệ ra tới dốc Ồ Ồ, một không khí căng thẳng vô cùng. Người đi trước là Phan Anh Đào, vừa đi vừa nghe ngóng, vừa lần bước, vừa rà mìn, vừa chuẩn bị tư thế sẵn sàng nổ súng chống trả… Tổ chúng tôi chậm chậm bước, người này tiếp bước người kia. Từ dốc Ồ Ồ ra khe Đâu khoảng 200m mà chúng tôi phải đi hơn nửa giờ. Khi cách chỗ mìn nổ chừng 30m, chúng tôi ai nấy đều nghe rõ tiếng rên của các đồng chí bị thương, tiếng rên có lẽ đau lắm nhưng không to.

Tiến nhẹ theo động tác đó, chúng tôi bắt gặp người đầu tiên là đồng chí Phạm Thị Mão - Bí thư Đảng ủy xã Hương Thạnh, bị thương bể mắt cá chân, đang bò lui. Đồng chí bình tĩnh nói: Anh em hy sinh và bị thương hết, các đồng chí đưa anh em lui với.

Các đồng chí Đào, Hạnh, Ân, Tuất và tôi tiếp tục bò tới mấy mét nữa thì gặp thi thể nhỏ người của một chị, tôi nhận ra đó là chị Hà Thị Đắng - đội công tác thành phố, người kế đó là chị Nguyễn Thị Hồng - tiểu thương chợ Đông Ba, tham gia cách mạng hồi Xuân 1968 về Hương Trà để chuẩn bị vào lại Huế. Thêm một người nữa nằm gần đó là anh Châu, người Cổ Bưu; rồi thêm một người nữa, đó là anh Lê Đình Trở, lính nghĩa quân ngụy tham gia cách mạng - một con người rất lạc quan, thường hay kể chuyện tiếu lâm, mấy chị lúc nào cũng muốn anh kể tiếp. Tiến thêm một đoạn nữa, thấy thi thể của đồng chí Lâm - Trung đội trưởng của Đại đội 2, K10 trong bộ quân phục vải Tô Châu còn tươi màu áo mới. Thêm mấy mét nữa gặp đồng chí Nguyễn Văn Đăng, cán bộ binh vận của tỉnh được tăng cường về Hương Trà. Đồng chí Đăng nói: “Tôi bị thương ở bụng, lấy tay đè lại, máu chảy ướt hết cả bộ quần may bằng vải ni lông màu xanh lá cây”. Chúng tôi tiếp tục bò tới, gặp đồng chí Duân, cán bộ du kích xã Hương Thạnh bị thương bất tỉnh. Tiếp tục bò lên kiểm tra gặp đồng chí Hồ Bạn bị thương ở chân vừa lết vừa bò. Tôi và anh em kiểm tra lại toàn bộ thấy có 12 đồng chí hi sinh, 6 đồng chí bị thương.

Chúng tôi hội ý nhanh: Bây giờ phải cõng tất cả các đồng chí thương binh lui sau khe Bối. Cáng tất cả liệt sĩ về sau khe Rệ, cách khe Đâu 500m cất giấu, tối mai sẽ mai táng. Chúng tôi vất vả, căng sức, oải hết cả người, máu me ướt đẫm. Hoàn thành công việc lúc đã 5 giờ sáng. Sương mù dày đặc của tiết trời xuân lành lạnh, chúng tôi dựa lưng trên các tấm đá bên đường nghe nước suối ồ ồ chảy và tất cả miệng đắng, cổ khát, bụng đói, nhìn nhau không ai bảo ai thiếp đi vì quá mệt. Thôi cố gắng lên. Cách mạng là thế.

Mùa hè - 2016

Nguyễn Huy Ngọc

(còn nữa)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Phú Lộc: Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ

Sáng 22/3, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Lộc tổ chức lễ viếng, dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Phú Lộc (24/3/1975 - 24/3/2024), kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), hướng đến kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Phú Lộc Dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ
Nữ công an xã vùng biên gương mẫu

Gương mẫu, tận tụy và đầy trách nhiệm trong công việc, Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh (sinh năm 1986, Phó Trưởng Công an xã Hồng Kim, huyện A Lưới) luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền, Thiếu tá Kim Anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nữ công an xã vùng biên gương mẫu
Return to top