ClockChủ Nhật, 16/10/2022 06:30

Nhớ núi

Ánh nắng đã mấtKhoảng cách vô hình

Moan ngồi nơi liếp cửa, nhìn giọt nắng cuối cùng rớt trên đỉnh ngọn núi trước nhà. Nắng chiều đã thôi sóng sánh màu mật mà tím man mác như cánh hoa sim nở muộn trên triền đồi. Mùa thu đã về trên núi, nhưng lớp lớp hoa sim vẫn còn nở trong miên man nỗi nhớ của đất trời. Hôm trước Moan lên đồi lấy củi, bên những chùm hoa tím sẫm đang khoe sắc là những trái sim chín mọng đen nhánh nằm phơi dưới nắng ngọt cuối ngày. Bọn trẻ trong bản bận bịu với sách vở, nên cũng vơi những bước chân rộn rã chạy quanh đồi hái trái. Moan hái đầy một áo sim chín mọng. Sim ủ với đường sẽ lên men thơm ngát. Thứ nước uống ngọt lịm sóng sánh màu tím của mây trời luôn khiến Moan mê mẩn. Mẹ nói hũ sim ấy để dành cho Moan mang theo về phố. Chắc những người bạn mới của Moan cũng sẽ thích thứ nước uống thanh ngọt từ rừng.

Chiều ở núi thường vắng lặng trong dải khói xám miên man tỏa lên từ chái bếp nhà ai đang thổi lửa nấu cơm. Khói len qua rặng cây, mang theo mùi thức ăn nồng đượm. Mặt trời chưa kịp lặn mà trăng non đã chênh chếch phía trời xanh. Cái vành trăng non mỏng dính nằm chơ vơ giữa bầu trời rộng lớn trông cô đơn đến tội nghiệp. Moan lắng tai nghe tiếng lục lạc kêu leng keng theo gió núi kéo về. Giờ này, đàn bò nhà Ku Đê đang về ngang qua đèo A Ho. Con đèo nhỏ nằm quanh co bên chân núi. Cả triền lau nơi đó đang nở những bông hoa trắng muốt. Có những buổi chiều ngang qua A Ho khi mây chùng chình uốn quanh đỉnh núi, lần nào Moan cũng dừng lại thật lâu và nhìn mê mẩn, cứ ngỡ màu trắng bồng bềnh kia là của ngàn đóa hoa lau kết lại. Hay mây trắng ẩn mình dệt những bông hoa trắng muốt, khiến núi đồi nơi đây bỗng đẹp một cách lạ lùng.

Moan hít hà mùi đất đai âm ẩm, mùi của gió núi thơm ngát. Ngày mai, Moan xuống phố nhập học. Còn chưa rời bản mà lòng đã thấy cồn cào nhớ núi. “Moan vào ăn cơm. Ăn xong còn phải kiểm tra lại hành lý. Đừng để thiếu thứ gì nhé”. Mẹ Moan nói với ra hiên khi nhấc nồi cơm ra giữa nhà. Con bé Sân đang thoăn thoắt giã cà, con Hiu đang hơ lại kẹp cá suối trên đám than. Mùi cá nướng thơm phức chạy quanh nếp nhà sàn. Bữa cơm chiều ở núi chỉ có cá nướng chấm với muối tiêu rừng, canh măng nấu cùng thịt khô gác bếp và cà rừng giã cùng mấy ngọn ngò gai hái bên hè.

Moan thích nhất là món cà giã. Cái vị đăng đắng của cà hòa với mùi thơm của hạt bí rang, mùi ngò gai thơm ngát, cả vị ớt rừng cay xé lưỡi khiến người ta say đắm. Nuốt xuống miếng cà đắng, vị ngọt cứ đọng mãi nơi cổ không chịu tan. Mẹ nói bà đẻ rơi Moan nơi vạt cà dại khi đang làm rẫy, nên Moan mới ghiền cái vị cà mọc hoang trên đồi đến thế. Chỉ cần chén cơm nóng cùng nhúm cà giã, Moan có thể ăn quanh năm suốt tháng không biết ngán. “Con gái ăn thế, không lớn được đâu”. Mẹ Moan thường nói thế khi thấy Moan bữa nào cũng muốn làm món cà giã ớt rừng.

“Ở phố có cá nướng, cà giã không mẹ nhỉ?”, bé Hiu hỏi mẹ khi gắp miếng cà vào chén Moan. “Ở phố chẳng có núi, có đồi như bản mình, lấy đâu ra đất cho cà mọc. Tau nghe mọi người nói, dưới đó nhiều nhất là nhà và xe. Nhà mọc san sát nhau. Còn xe chạy chật kín đường, giống như trong ti-vi ấy”. Bé Sân tỏ ra rành rẽ, dù nơi xa nhất nó từng đặt chân đến là thị trấn gần nhà. Chỉ cần băng qua mấy ngọn đồi, thêm mấy con đường dài hun hút vòng quanh nương rẫy là đến thị trấn. Đó là nơi chị nó học cấp ba. Nó từng theo mẹ về thăm chị, lúc chị học ở trường nội trú của thị trấn. Nhưng phố thì xa lắc, nó chưa đến bao giờ. “Dưới đó không có thì mình mang theo về. Chị ăn hết, em lại lên rẫy hái, mẹ mang ra thị trấn gửi về là được”. Sân nói, rồi nhìn chị nó bằng đôi mắt lấp lánh.

“Ngày mai chị đi học xa. Sân và Hiu ở nhà phải ngoan nhé. Lo cố gắng học. Còn phụ mẹ chăm bà. Không được đi chơi nhiều. Phải làm việc nhà nữa nhé. Đàn gà sau chuồng, mấy con heo, con dê đều phải nhờ Sân và Hiu giúp đấy”. Moan xoa đầu con bé Sân. Thêm một năm nữa, Sân cũng sẽ về thị trấn học. Căn nhà này sẽ lại thêm vắng. Moan nghĩ đến 4 năm đại học dài hun hút phía trước, chẳng hiểu sao lòng lại thấy chênh chao buồn. Niềm háo hức nhập học bị đè xuống, thay vào đó là biết bao nỗi lo toan. Chưa kể phố xá dưới kia lạ lẫm, không biết Moan có thích ứng được không.

***

“Phải đi học chứ. Ở bản mình, có ai được đi học đại học đâu? Phải học hết cái chữ, mới thay đổi cuộc sống được. Người ở bản này, cứ quanh năm suốt tháng quanh quẩn với núi với đồi, không có cái chữ, làm gì cũng khó, không khá lên được”. Mẹ Moan nói thế khi thấy Moan cứ chần chừ muốn bỏ học. Đường về phố xa lắc khiến bước chân Moan chùn lại. Bà nội đau ốm phải nằm một chỗ, cần có người săn sóc. Hai đứa em Moan đều còn nhỏ. Một mình mẹ phải lên nương lên rẫy làm lúa, làm khoai. Phải chăm đàn gà, con heo sau nhà. Mặt trời chưa mọc đã phải trở dậy, mặt trời lặn từ lâu mới mò mẫm trên rẫy trở về nhà. Tháng trước đàn dê tự dưng lăn ra ốm chết. 5 con dê cả lớn cả bé, mẹ nói để dành bán lấy tiền cho Moan vào đại học. Nào ngờ mất trắng. “Không còn dê thì còn gà, còn lợn, còn lúa trên rẫy. Còn sức mẹ đây. Còn sức thì còn làm. Miễn mày chăm học là được. Mẹ nghe thầy Huân nói, Nhà nước còn cho sinh viên vay tiền đi học. Mày lo mẹ không nuôi được thì vay tiền mà học. Học xong lại đi làm lấy tiền trả nợ, thế là được rồi”.

Moan vùi đầu vào ngực mẹ. Tóc mẹ thơm mùi lá rừng, áo mẹ cũng thơm ngát hương cây cỏ trên núi. Một lần cha lên núi về, thì bị nước lũ cuốn trôi. Những cơn mưa rừng đổ xuống đột ngột, không hề có một dấu hiệu gì báo trước. Nước cuồn cuộn màu đỏ oạch chạy băng băng trong cơn giận dữ của đất trời, cướp đi cha Moan và một người đàn ông nữa trong bản. Người trong bản nói, rừng bị đốn hạ, nên rừng giận dữ với con người. Nhưng người trong bản từ lâu đã không còn lên rừng đốt cây làm rẫy. Vậy mà rừng vẫn mất.

Mười năm, mẹ ở vậy nuôi mấy chị em Moan. Khi đó, tóc mẹ vẫn còn xanh, giờ thì đã lưa thưa sợi bạc. Bàn tay cũng sần sùi, chi chít vết chai, vết sẹo vì cầm cuốc, cầm rựa, vì bị cây rừng, lá rừng cắt tứa máu. Mẹ vuốt bàn tay Moan. Tay con gái cầm bút, sẽ không bị chai, bị sẹo.

Moan nhớ mãi người nữ kỹ sư về bản nhiều năm trước. Chị Miên đã chỉ cho dân bản cách trồng nhiều loại rau. Cách chăm đàn gà, đàn heo sao cho nhanh lớn. Gà, heo gì cũng phải uống thuốc khi bị bệnh. Dân bản nói, chỉ người bệnh mới uống thuốc. Chị Miên nói, cái cây bị bệnh cũng phải uống thuốc, cây mới lớn. Ở đây nương rẫy trải dài theo các triền đồi. Nhưng trồng cây lúa không cho được nhiều hạt, trồng củ sắn không to, củ khoai bé tí ti. Nhiều nhà vẫn còn đứt bữa khi mùa mưa xuống. Chị em Moan cũng thường phải ăn rau rừng, măng rừng cùng khoai sắn thay cơm. Moan cũng muốn giống như chị Miên, biết thật nhiều thứ. Học xong cái chữ, nhất định Moan sẽ quay về, kể lại cho người dân trong bản. Moan không tin bản làng mình cứ mãi nghèo xơ nghèo xác được.

***

Bác A Vin mượn được chiếc xe máy của hàng xóm để chở Moan ra bến xe ngoài thị trấn. Từ thị trấn, xe chạy cả trăm cây số nữa mới đến được phố. Rồi từ trung tâm thành phố, Moan sẽ bắt xe ôm tìm đường đến trường. Đứng trước cổng nhà, mẹ vẫn không quên dặn đủ thứ chuyện, đêm trước trong cơn trằn trọc không ngủ được, Moan đã nghe mẹ dặn kỹ rồi. “Đi thôi, cả nắng lên rồi”. Bác A Vin giục. Moan xóc lại ba lô, đưa mắt nhìn căn nhà sàn thêm lần nữa. Tiếng bà nội húng hắn ho vọng xuống. Lũ gà chạy quanh bên hè tìm mồi. Con heo đen trong chuồng vừa ăn xong nắm lá đang nằm khềnh ra đất kêu ủn ỉn. Bao nhiêu lần xa nhà đi học, nhưng chưa lần nào Moan thấy bịn rịn như lần này.

Xe chạy ra khỏi ngõ, men theo con đường đồi nho nhỏ rời khỏi bản, nắng chạy theo phía sau lưng Moan vàng ươm như giọt mật trên rừng. Qua vài ngã rẽ đã thấy núi nằm lại phía sau xa, bản làng cũng mất hút trong màu xanh của núi đồi. Moan chỉ còn nghe tiếng mẹ dặn thoang thoảng bên tai: “Đi học giỏi, rồi còn trở về với bản”. Moan ngoái nhìn bóng núi phía mờ xa, đã nghe trong lòng miên man một nỗi nhớ.

LÊ HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top