ClockThứ Năm, 22/11/2012 06:09

Nhớ ổ mì xưa

TTH - Huế đang vào mùa mưa. Đang miên man với những ý nghĩ về mưa thì nghe tiếng rao phát ra từ máy ghi âm của người đàn ông gầy guộc “bánh mì nóng đây”. Những tiếng rao được ghi âm sẵn như thế ở thành phố này là chuyện bình thường và rất đỗi quen thuộc. Nhưng hôm nay, tiếng rao vang lên dưới làn mưa khiến tôi bồi hồi nhớ quê xưa. Nhớ đến ổ bánh mì ngày xưa mẹ tôi từng mua cho.

Có lẽ, bây giờ dân thành phố mỗi sáng ra điểm tâm bằng ổ bánh mì, món ăn bình dân, thua xa những thức ăn như phở, bún... giá trung bình từ 20-25 ngàn đồng/bát. Thế nhưng 15 hay 20 năm về trước, mỗi sáng có được ổ bánh mì từng là khao khát, một hạnh phúc lớn của tuổi thơ tôi và có thể là của nhiều người khác. Còn nhớ mỗi khi mẹ ra chợ, tôi đều giao ước sẵn - mẹ mua cho con ổ mì. Bánh mì gì cũng được nhưng hồi ấy, tôi thích nhất là những chiếc bánh mì làm hình con cua, hoặc con cá có nhiều hạt vừng rải lên thân bánh. Lúc ấy mẹ nhìn tôi với đôi mắt âu yếm rồi trả lời: “Ừ để mẹ mua cho”. Thú thực nghe mẹ hứa, lòng tôi mừng rơn và vô cùng hạnh phúc khi trên tay nắm ổ mì của mẹ mua từ chợ về. Tôi đã mang ra khoe với nhóm bạn trong xóm trong niềm háo hức, tự hào.

Minh họa: Hương Trà

Lớn lên một chút, tôi bước vào độ tuổi cấp II. Cách nhà tôi chừng 400 mét hướng lên TP Huế có lò bánh mì của chú Huế nằm đối diện ngôi chùa Thần Phù (Thủy Châu). Cứ vào buổi sáng, tôi đạp xe lên mua lấy 2-3 ổ, giá mỗi ổ hồi đó 400 đồng. Mua 3 ổ, chú Huế chỉ lấy 1.000 đồng. Tôi ăn no cái bụng rồi đi học. Có những bữa vắng học, ăn bánh mì của chú Huế xong, tôi nán lại xem những người thanh niên lực lưỡng làm nghề bánh mì tại nhà chú như nhào bột, thắt bánh, đặt bánh vào khay rồi đưa vào lò nghi ngút khói. Với tôi lúc ấy có vẻ làm bánh mì khó và cầu kỳ quá, phải là những người chăm chỉ, sáng ý mới làm được...

Những hôm nhà có tiền rủng rỉnh sau những chuyến xe đầy khách của bố mang về, mẹ lại phát tiền ăn sáng nhỉnh hơn so với thường lệ, khi ấy tôi lại mua nhiều bánh mì mang đến lớp học. Trên bục giảng thầy giáo cắm cúi viết bảng còn chúng tôi ngồi bàn cuối, mỗi đứa thỉnh thoảng cấu một tý bánh mì đưa vào miệng. Cái cảm giác vừa sợ thầy vừa nhâm nhi mùi vị bùi bùi thơm ngon của ổ bánh mì đã đi sâu vào ký ức tôi và những người bạn mà tôi thường chia bánh. Ăn rồi có đứa vu vơ đố nhau, bánh mì làm bằng bột gì. Bột mì lấy từ cây gì, nơi nào trồng... Chuyện chỉ có vậy mà sau này lớn lên tôi mới biết...

Rồi thời khó khăn đã qua. Tôi cũng bắt đầu cuộc hành trình của đời mình với nhiều ước mơ khát vọng. Ổ mì bây giờ trở nên quá thân quen đến nỗi tôi chỉ dùng nó vào buổi sáng lúc cạn túi. Bao nhiêu suy nghĩ và kỷ niệm chợt hiện lên như một thước phim, rất nhanh rồi qua đi bởi tiếng rao “ai mì nóng nì” trong làn mưa đêm nhè nhẹ. Chợt cảm giác vui sướng khi trong tay cầm ổ mì nóng. Tôi lại nhớ những ổ mì quê xưa mẹ mua về ở chợ hay mỗi sáng ghé vào lò bánh của chú Huế. Những ổ mì đơn giản mới ra lò nhưng thấm đẫm ân tình một thời chưa xa nhưng khó để tìm lại được...

Minh Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top