ClockThứ Hai, 01/02/2016 05:15

Nhờ rừng, cuộc sống thay đổi

TTH - Lên vùng đồi ở các huyện, thị xã, hầu như không nơi nào còn đất trống. Nhiều cánh rừng đến kỳ thu hoạch, cũng có nhiều khu rừng vừa mới trồng vẫn còn xanh…

Thu nhập cao

Cách đây chừng 20 năm, trong khi nhiều người chùn bước trước những vùng đồi hoang hiểm trở, thì ông Đoàn Phước Hóa ở xã Hương Lộc (Nam Đông) lại mạnh dạn khai hoang trồng rừng. Khi có chương trình trồng rừng 327, ông Hóa đã tiên phong nhận đất trồng 20-30 ha keo.

Nghề bóc vỏ keo tạo việc làm cho nhiều lao động

Nhận thấy nhiều vùng đồi trọc, cỏ dại um tùm không ai “ngó” tới, ông tiếp tục xin chính quyền địa phương mở rộng diện tích rừng. Ông Hóa mở lòng: “Diện tích rừng trồng lúc này cả thảy hơn trăm ha. Vui trước rừng keo đã hình thành, nhưng vẫn ăn ngủ không yên vì lo nợ và chăm sóc cây. Sau mấy năm trồng, keo phù hợp vùng đồi núi của địa phương, phát triển tốt, gia đình mới bớt lo”... Khoảng chục năm trở lại đây, rừng keo cho thu hoạch, bình quân mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng. Tổng giá trị rừng keo của ông Hóa hiện nay khoảng 6 tỷ đồng. Nhờ thu nhập từ rừng, gia đình ông Hóa trả hết nợ, xây dựng nhà khang trang.

Ngoài trồng rừng, gia đình ông Hóa còn sản xuất keo giống bán cho người dân trên địa bàn và một số địa phương khác. Hoạt động trồng rừng của ông Hóa đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động; trong đó, gần một nửa lao động thường xuyên có thu nhập từ 2 triệu đến 2,5 triệu đồng/tháng; còn lại là lao động thời vụ, thu nhập bình quân mỗi ngày 150-200 ngàn đồng.

Tương tự, gia đình chị Ngô Thị Cúc ở xã Bình Thành (TX Hương Trà), từ hộ nghèo khó đã vươn lên làm giàu từ nghề trồng rừng. Trong khi nhiều người dân quay lưng với vùng đồi hoang, chị Cúc lại tìm cách khai hoang làm kinh tế. Trải qua những năm tháng gian nan, hơn 17 ha đồi hoang đã biến thành những cánh rừng keo xanh tốt. Đến năm 2006-2007 đã có hơn 10 ha đến kỳ thu hoạch, bình quân mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngôi nhà tạm của gia đình chị giờ được thay thế bằng nhà kiên cố khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng… Từ khi phong trào trồng rừng bắt đầu phát triển mạnh, chị gom hết số tiền dành dụm được từ việc bán gỗ rừng, đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, mua 3 xe tải phục vụ vận chuyển gỗ cho người dân. Chị Cúc cho biết, vào những mùa cao điểm, bình quân mỗi ngày thu nhập trên 4 triệu đồng. Từ dịch vụ vận chuyển và bán gỗ rừng trồng, mỗi năm gia đình thu nhập trên 500 triệu đồng.

Tạo thêm nhiều việc làm

Phong trào trồng rừng kinh tế trên địa bàn tỉnh “manh nha” từ những năm 1994-1995. Thuở đó, Nhà nước có Chương trình 327, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Người dân tham gia chương trình được hỗ trợ kinh phí phát quang, giống, công chăm sóc rừng. Từ khi có chủ trương, các địa phương đã vận động người dân tham gia trồng rừng. Lúc này, người dân nghĩ rằng, việc trồng rừng chủ yếu phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chưa biết hiệu quả kinh tế, đầu ra sản phẩm như thế nào. Vì vậy, nhiều hộ không mặn mà với chủ trương trồng rừng 327.

Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 60 ngàn ha rừng trồng kinh tế, chủ yếu là keo các loại và một số ít phi lao, thông nhựa; bình quân mỗi năm cho khai thác 3.000-4.000 ha… Phong trào trồng rừng phát triển mạnh, tạo việc làm cho nhiều lao động từ nghề khai thác, vận chuyển gỗ rừng, bóc vỏ keo. 

Cách đây chừng 10 năm, khi có các nhà máy, doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ rừng trồng, đồng thời tìm được bộ giống phù hợp, cây keo phát triển tốt, phong trào trồng rừng mới bắt đầu phát triển mạnh. Tại huyện Phú Lộc, diện tích rừng trồng chỉ một vài ngàn ha, nay tăng lên hơn 6.000 ha. Tại huyện miền núi Nam Đông, trước đây chỉ vài trăm ha, có thời điểm khoảng 1.000 ha, nay tăng lên 4.500 ha, bình quân mỗi hộ trồng từ 1-2 ha… Hàng ngàn hộ trồng rừng trên địa bàn tỉnh không chỉ thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu… Theo tính toán của ông Trần Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Đông, mỗi ha rừng keo cho thu trên 100 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí khai thác, vận chuyển, giống, công chăm sóc, mỗi ha lãi khoảng 40 triệu đồng. Trồng keo hiện nay chủ yếu lấy gỗ dăm nên sau 4 năm trồng có thể thu hoạch.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng-Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, ngoài mở rộng diện tích, năng suất và chất lượng rừng trồng ngày càng tăng nhờ ứng dụng kỹ thuật sản xuất mới. Nguồn giống được xác định là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả. Trước đây, người dân chủ yếu gieo hạt, cây phát triển chậm, chất lượng thấp; nay phần lớn diện tích rừng được trồng bằng keo hom, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu. Mới đây, Công ty TNHH NN 1TV Lâm nghiệp Tiền Phong còn sản xuất thành công giống lâm nghiệp nuôi cấy mô, chất lượng và hiệu quả rừng trồng cao hơn nhiều, mỗi ha có thể thu nhập 130-150 triệu đồng.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng đến nông thôn hiện đại

Xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao không còn là điều “quá xa vời” đối với nhiều địa phương khi có hai xã hương Lộc, Hương Xuân (Nam Đông) đã đạt chuẩn ntm nâng cao và nhiều xã trên địa bàn tỉnh sắp cán đích.

Hướng đến nông thôn hiện đại
Return to top