ClockThứ Sáu, 05/08/2016 14:11

Nhớ tò he

TTH - Ngày trước, những con đường vào quê tôi chỉ là đường đất. Đôi chân trần ngày bé cứ thỏa thích chạy nhảy với những trò chơi dân dã. Vậy là từng thớ đất cứ tự nhiên len lỏi qua kẽ chân, một cảm giác thích thú đến lạ thường...

Ở nơi đó, ngày ngày tiếng rao hàng vặt của các bà làm chúng tôi phải lóng ngóng xin tiền bố, mẹ. Thỉnh thoảng, lại bắt gặp ông “tò he” chạy trên đường. Không lời rao. Chỉ có tiếng xe đạp xèn xèn của phụ tùng thiếu nhớt. Một chiếc hộp gỗ nhỏ với vài bông hoa, những con thú nhiều màu được gắn vào đầu que tre, rồi cắm xuống hàng lỗ đục trên nắp hộp. Đơn giản vậy mà ông lão vẫn như một thỏi nam châm có sức hút kỳ lạ khiến bọn chúng tôi chạy nhanh về phía ông. Hiếm khi lũ trẻ chúng tôi bỏ lỡ ông “tò he” mỗi lần qua ngõ xóm.

Chúng tôi không biết ông “tò he” tên là gì và ở đâu. Thế mà mỗi lần thấy ông, chúng tôi đều kêu to: “Ông tò he đến rồi”. Ngày ấy còn rất bé nhưng đến giờ tôi còn nhớ rõ gương mặt ông “tò he” sạm nắng, lúc nào cũng cưỡi chiếc xe đạp, chắc nó đã cùng ông đi khắp nẻo đường để mang lại tiếng cười, niềm vui cho lũ trẻ như tôi. Ông “tò he”có nụ cười hiền lành. Phía sau chiếc xe đạp ông thường chở chiếc hộp gỗ nhỏ, được chia thành nhiều ngăn để đựng từng loại bột, pha thành nhiều màu khác nhau. Mùi bột gạo thơm lừng làm chúng tôi cứ thèm được ăn biết bao, nhưng dù có ăn được thì cũng không nỡ mà chỉ cầm ngắm nghía mỗi khi có nó trong tay. Hôm ấy, ông ghé qua xóm tôi. “Ông ơi, hôm trước ông nặn cho cháu con “khỉ con”, cháu để dành, bây giờ nó thành “khỉ mốc” rồi ông ạ!”. Không hiểu sao cả lũ bạn cười nghiêng cười ngả. Ông cũng cười: “Vậy để ông nặn cho cháu con khỉ khác nhé!”.

Chỉ ít bột, thêm vài que tre, ông lão “tò he” đã sẵn sàng làm phép biến hóa: Ông ngắt từng mẩu bột, những ngón tay của ông nhanh nhẹn, khéo léo, điêu luyện đến nỗi chúng tôi đều phải “ồ lên” khi thấy cái mũi, con mắt, quần áo của nhân vật trong truyện dần hiện lên... Có lúc tôi nghĩ đó là một phép thuật, bởi trong phút chốc ông ấy đã cho “ra lò” vô số tò he, đủ loại hình dáng sinh động, đáng yêu, với nhiều màu sắc, từ chó, mèo, chim chóc... đến những nhân vật lịch sử, như Thánh Gióng, Bà Trưng, Bà Triệu... giống y như thật. Chúng tôi như bị mê hoặc, mỗi đứa một kiểu nhưng đại loại cả bọn đều há mồm, mắt mở to, chăm chú nhìn, thỉnh thoảng lại nuốt nước bọt vì thèm “bánh tò he”. Thích nhất là lúc cả bọn cùng đoán mò xem ông nặn gì từ những chi tiết đầu tiên và mừng vui xuýt xoa khi mình đoán trúng.

Lớn lên, ông lão “tò he” không còn xuất hiện nữa. Chắc giờ, ông ấy cũng đang ở một nơi xa lắm... Hình ảnh về ông, về những tò he như in sâu vào tiềm thức của tôi từ lúc nào không biết. Để rồi những sắc màu của tò he đã thành sắc màu nhớ mà tôi luôn khát khao, nuối tiếc mỗi khi chợt nhớ về tuổi thơ.

Khánh Quan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Giữ gìn làng quê sạch đẹp

Hậu xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh thi đua nhân rộng các khu dân cư (KDC) kiểu mẫu. Đây là mô hình có tính tổng hợp các tiêu chí, là mẫu chuẩn trong xây dựng NTM gắn với các tiêu chí khó như: xây dựng KDC văn minh, thi đua làm các tuyến đường kiểu mẫu, thực hiện phân loại rác tại nguồn, chuyển đổi sản xuất an toàn…

Giữ gìn làng quê sạch đẹp
Đua trên đồng làng

Mới xong trận lụt to, vào "phây" của chú em đã thấy rộn ràng khi được biết chủ nhật đến quê tôi tổ chức đua ghe. Bao ký ức một thuở lại ùa về. Vậy là, dù bận rộn bao công việc phải lo và phải làm, cũng vội vàng sắp xếp để chủ nhật về làng coi… đua.

Đua trên đồng làng
Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2: Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”

Nguyễn Thanh Hiếu, sinh năm 1938, quê ở vùng ven biển Cảnh Dương thuộc thôn Bình An, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, thoát ly năm 1960. Trước khi lên chiến khu, ông mang tên: Nguyễn Văn Chiến. Giải thích lý do ông Nguyễn Thanh Hiếu xâu lỗ tai, ông Nguyễn Thanh Thảo cho biết, cha mẹ tôi sinh 6 người con. Do 4 người con đầu toàn gái, sợ khó nuôi nên khi sinh anh Chiến (tức Hiếu), mạ tôi cho bấm lỗ tai.

Nguyễn Thanh Hiếu - Người anh hùng thầm lặng - Bài 2 Để lại quê hương dáng hình “tạc vào thế kỷ”
Return to top