ClockThứ Năm, 22/08/2013 05:54

Nhớ trận đánh chiếm cột cờ Phu Văn Lâu năm 1968

TTH - Đã 40 năm trôi qua. Hôm nay mới có dịp cùng với đoàn Cựu chiến binh (CCB) Trung đoàn 6 – Phú Xuân tỉnh Bắc Ninh về thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế và khánh thành tượng đài chiến tích của Trung đoàn 6 tại phường Tây Lộc.

Vượt qua chặng đường hàng ngàn cây số, TP Huế hiện ra trước mặt tôi. Những cánh đồng lúa xuân xanh mơn mởn, những nhà máy, khu công nghiệp, những dãy nhà khang trang, to đẹp, những dòng sông hiền hòa và phố phường sầm uất cộng với dòng người, dòng xe tấp nập ngược xuôi trong không khí thanh bình khiến tôi gợi nhớ lại những kỷ niệm năm xưa.

Ông Nguyễn Đức Thuận (ở giữa) và ông Đỗ Phú Khánh (ngoài cùng bên phải) trong một lần gặp mặt tại Hà Tây

Nơi đây, hơn 40 năm về trước là nơi diễn ra những trận đọ sức vô cùng ác liệt giữa Quân giải phóng với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngụy quyền Sài Gòn. Biết bao đồng chí, đồng bào ta đã hy sinh anh dũng để đổi lấy cuộc sống bình yên ngày hôm nay.

Tại thành phố này, đêm 30 rạng ngày mồng một Tết Nguyên đán năm Mậu Thân 1968, Trung đoàn 6 – đoàn Phú Xuân của chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đánh chiếm các căn cứ của địch phía Bắc sông Hương của thành phố, gồm: Mang Cá lớn, Mang Cá nhỏ, sân bay Tây Lộc, Đại Nội và cột cờ Phu Văn Lâu. Trong đó, K12 đặc công của chúng tôi có nhiệm vụ bí mật tập kích vào toàn bộ các mục tiêu nói trên mở màn cho chiến dịch.
 
Cụ thể: Đại đội 1 + Đại đội 3: Đánh chiến Mang Cá lớn + Mang Cá nhỏ; Đại đội 2: Đánh chiếm sân bay Tây Lộc; Đại đội 4: Đánh chiếm Đại Nội và cột cờ Phu Văn Lâu.
 
Sau một thời gian huấn luyện bổ sung kỹ thuật vượt sông, vượt tường cao 7m bằng phương pháp thủ công, khoảng cuối tháng Chạp năm 1967, đơn vị được lệnh tập trung nghe cấp trên chính thức giao nhiệm vụ. Đồng chí Ân, cán bộ tham mưu quân khu về trực tiếp phổ biến kế hoạch tác chiến cho lực lượng đặc công.
 
8 giờ sáng ngày 30 tháng Chạp, tại một khu rừng phía Tây huyện Hương Trà, chúng tôi chính thức được nghe mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc giải phóng sau đó, cả đơn vị khẩn trương làm công tác chuẩn bị chờ địch xuất phát.
 
Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi bắt đầu hành quân từ hậu cứ, đến 5 giờ chiều đã có mặt tại cửa rừng. Trời chập choạng tối, cả đội hình của Trung đoàn gần 2.000 người như một con trăn khổng lồ lặng lẽ trườn qua các cánh đồng, làng mạc hướng về TP Huế để tiếp cận mục tiêu. Trên không trung, thỉnh thoảng máy bay trinh sát của địch vẫn quần đảo, nhưng chúng không hề hay biết. Chẳng mấy chốc TP Huế đã hiện ra trước mặt, lực lượng đặc công được lệnh chuẩn bị vượt sông.
 
Đêm mùa đông thời tiết rét căm căm, nhưng hình như chẳng mấy ai để ý đến vì tập trung vào nhiệm vụ và quan sát động tĩnh của đối phương. Mọi người khẩn trương gói buộc, trang phục, thủ pháo gọn gàng bắt đầu vượt sông Kẻ Vạn (Kim Long) để tiếp cận mục tiêu. Sông không rộng, nhưng để đảm bảo bí mật nên mọi động tác đều phải nhẹ nhàng, thận trọng. Cuối cùng thì chúng tôi cũng cập được bờ bên kia an toàn, duy chỉ có đồng chí Sức, chiến sĩ Đại đội 1 – do lạnh, chuột rút nên đã hy sinh trong khi vượt sông.
 
Khi lên bờ, các mũi theo nhiệm vụ được phân công khẩn trương về vị trí tập kết của mình. Đại đội 4 (C4) chúng tôi do đồng chí Tụng dẫn đường đột kích vào cổng Hựu (cửa Hữu) tiến thẳng vào Đại Nội, tiêu diệt Đại đội Hắc Báo, đánh chiếm cột cờ Phu Văn Lâu.
 
Đúng 2 giờ 30 phút, hàng loạt ĐKB của ta xe toạc màn đêm yên tĩnh vun vút lao tới các mục tiêu như sân bay Phú Bài, Tây Lộc yểm trợ cho lực lượng đặc công xuất kích.
 
Cùng lúc đó, 3 phát pháo hiệu của chỉ huy đại đội bắn lên, báo hiệu cho cả đội hình xông lên, tiến thẳng đến cổng Hựu. Tại đây, chúng tôi gặp phải sự chống cự quyết liệt của địch. Vì chưa thuộc địa hình lại ban đêm – đường tiếp cận phải vượt qua một cây cầu độc đạo nên sự tiếp cận hết sức khó khăn. Địch từ trên cao (cổng thành) bắn xuống, lực lượng của ta bị thương vong khá nhiều, trong đó có cả đồng chí Tụng dẫn đường. Tình thế hết sức phức tạp nhưng với ý chí quyết tâm, đồng chí Đỗ Phú Khánh, đại đội phó quyết định: tổ chức lực lượng còn lại, lợi dụng địa hình, địa vật và kỹ thuật binh chủng tìm mọi cách tiếp cận bằng được cổng thành.
 
Sau một thời gian giao tranh ác liệt, cuối cùng quân ta cũng phá được cửa thành và tiếp tục tiến công. Lúc này đội hình chỉ còn lại hơn chục người, do đồng chí Khánh và đồng chí Sửu chỉ huy theo sa bàn đã đọc, tiến thẳng đến mục tiêu. Trên đường tiếp cận qua cổng Hựu, khoảng vài trăm mét, đơn vị gặp một ông già. Mặc áo lương, quần trắng, tay cầm ô (sau này biết tên là ông Khánh). Chúng tôi nhờ ông dẫn đường đến Đại Nội. Mặc dầu thái độ ông rất sợ, nhưng ông vẫn nhận lời. Tiến được khoảng một km gì đó, ta tiếp tục bắt sống được một tên lính thuộc đại đội quân cụ của địch, buộc tên này tiếp tục dẫn đường.
 
Do tên lính nghe không rõ tiếng miền Bắc, bảo hắn dẫn về Đại Nội, nhưng hắn lại dẫn về Đại đội quân cụ của hắn. Vì vậy, tại đây lại vấp phải sự chống trả của địch, quân ta hy sinh thêm 1 đồng chí (đồng chí Thể). Quá trình giao tranh, ta bắt được một tên lính Bảo an ngay, quê gốc ở Thanh Hóa. Khai thác nó bảo, các ông đánh nhầm mục tiêu rồi. Đây không phải Đại Nội. Lập tức ta bắt hắn dẫn đường tiến vào Đại Nội.
 
Khi đến phía trước cột cờ và Đại Nội; đồng chí Khánh quyết định chia thành 2 mũi: Mũi 1: do đồng chí Khánh và đồng chí Sửu chỉ huy, đánh chiếm Đại Nội; Mũi 2: gồm 4 đồng chí: Bùi Văn Cúc, Tổ trưởng cùng các đồng chí Nguyễn Đức Thuận, nguyễn Ngọc Trìu và Nguyễn Văn Huỳnh đánh chiếm cột cờ.
 
Quá trình tiếp cận, đồng chí Huỳnh hy sinh còn lại 3 đồng chí. Lợi dụng địa hình địa vật áp sát mục tiêu chiếm lĩnh từng tầng của cột cờ, đến khoảng 5 giờ sáng chúng tôi đã làm chủ được tầng 3 cột cờ, bắt sống thêm 5 tên lính bảo vệ, thu 2 súng kac-pin, 2 khẩu trung liên 12,8 ly cùng toàn bộ khí tài đạn dược của địch.
 
Lúc này, mũi đánh chiến Đại Nội cũng đã tiêu diệt chỉ huy sở của đại đội thám báo, hoàn toàn làm chủ Đại Nội. Đồng chí Khánh trở lại cột cờ và lệnh cho chúng tôi hạ xé cờ địch và kéo cờ của ta lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu – cột cờ cao nhất, báo hiệu quân ta đã làm chủ thành phố. Lúc này khoảng 8 giờ 30 sáng Mồng một Tết.
 
Sau đó không lâu, khi màn sương về khói súng tan dần, kẻ địch bắt đầu phát hiện được cờ của ta đang tung bay chúng dùng pháo từ phía Nam sông Hương và máy bay trực thăng HU1A điên cuồng bắn phá, kết hợp với lính đổ bộ từ 4 tàu trên sông Hương lên hòng tái chiếm cột cờ, nhưng chúng đã bất lực vì lúc này các tiểu đoàn bộ binh của ta đã có mặt sẵn sàng tiêu diệt chúng.
 
Cuộc chiến đấu giữa ta và địch những ngày tiếp sau càng trở nên ác liệt vì địch được tăng viện các sư đoàn chủ lực như: Sư đoàn Thủy quân lục chiến, Sư đoàn Kỵ binh bay, phối hợp với lực lượng co cụm tại chỗ với sự yểm trợ của pháo tầm xa từ Hạm đội 7 bắn vào ra sức phản công tái chiếm.
 
Với bản lĩnh chiến đấu ngoan cường của chiến sĩ ta cộng với sự hỗ trợ giúp đỡ của đồng bào và các lực lượng yêu nước TP Huế, quân ta đã giữ vững trận địa, bảo vệ lá cờ cách mạng tung bay suốt 26 ngày đêm trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm ấy đã giáng một đòn chí mạng vào quân địch làm đảo lộn hoàn toàn chiến lược chiến tranh của kẻ địch buộc Tướng Oét-Monen phải về vườn, Tổng thống Nich-xơn phải từ chức – ngừng ném bon từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị 4 bên ở Paris.
 
Với chiến công này, Trung đoàn 6 được Mặt trận dân tộc Giải phóng tặng 8 chữ vàng (Tấn công – Nổi dậy – Anh dũng – Kiên cường) cũng từ đây Trung đoàn vinh dự mang tên: Đoàn Phú Xuân Anh hùng.
 
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, những người đồng đội năm xưa người còn người mất. Về thăm lại chiến trường xưa lần này, trong lòng mỗi chúng tôi vô cùng bồi hồi xúc động, nhớ lại những kỷ niệm năm nào từng chiến đấu tại nơi đây. Chúng tôi nhớ về sự cưu mang, đùm bọc, che chở của đồng bào và các cơ sở cách mạng trong vùng giải phóng của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy, Hương Trà trong những năm tháng chiến đấu gian khổ và ác liệt đó.

Tháng 3/2013

Nguyễn Đức Thuận
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top