ClockThứ Ba, 01/04/2014 05:40

Nhớ Trịnh

TTH - Trịnh Công Sơn là thiên tài âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX . Di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn là vô giá, mãi mãi là niềm tự hào của người Việt Nam. Trịnh Công Sơn vẫn đi về trong lòng người mỗi ngày.

Trịnh Công Sơn về “với cát bụi”, đã có hàng chục sách viết về anh, trong đó có tập bút xuất sắc “Cây đàn lia của Hoàng tử bé” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Gần đây bà Dao Ánh cũng đã cho công bố cuốn sách gồm hơn 320 bức thư tình mà Trịnh gửi cho bà. Âm nhạc Trịnh ngày càng lay động chiều sâu tâm thức hàng chục triệu người. Đã là người Việt, từ già đến trẻ không ai không hát Trịnh, không gia đình nào không có trong nhà một băng hay đĩa nhạc Trịnh... Sống trong đời sống. Cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi...

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: internet

Không chỉ ở Việt Nam, âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng ngày càng chinh phục thế giới. Ngay từ năm 1972, Trịnh Công Sơn đã được Đĩa Vàng ở Nhật Bản với bài Ngủ đi con, trong Ca khúc Da vàng, qua giọng hát Khánh Ly, phát hành trên 2 triệu đĩa. Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển Bách khoa Pháp “Encyclopédie de tous les pays du momde”. Hiện nay nhạc Trịnh đã có mặt tại nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Có một chàng trai người Đức mang họ Trịnh luôn cùng mới bạn bè hát Trịnh Công Sơn; Có một cô gái Nhật Bản năm nào cũng sang Việt Nam để viếng mộ Trịnh, có nhà nghiên cứu phương Tây John C. Schafer cũng đam mê viết cả cuốn sách Hiện tượng Trịnh Công Sơn ...

Đặc biệt, ngày 3/2/2004, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York đã công bố “Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới” (WPMA). Sáu tên tuổi âm nhạc nổi tiếng thế giới được giải thưởng lần này là Bob Dylan, Conuntry Joe & the Fish, Hary Belafonte, Joan Baez, Peter, Paul & Mary và Trịnh Công Sơn. WPMA tôn vinh những người đã đem âm nhạc của mình cống hiến cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và nhân đạo trên thế giới. Đây là sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay!
Nhưng phải nói dòng ca khúc phản chiến, ca khúc vì hòa bình của Trịnh Công Sơn đã góp một sức nặng lớn lao trong cuộc chiến đấu của nhân dân ta vì hòa bình và thống nhất Tổ quốc. Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng: “...Từ năm 1966, trong vòng 10 năm, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến duy nhất ở “miền Nam”. Nhạc sĩ yêu nước thì có nhiều người, nhưng nhạc sĩ phản chiến duy nhất chỉ có một”. Những bài hát trong các tập Ca khúc Da vàng và Kinh Việt Nam, không mô tả chiến tranh, mà vạch ra những vết sẹo chiến tranh: Mẹ cầu cho em. Tuổi xanh đừng biến mất... Tiếng hát Trịnh Công Sơn là tiếng hát đòi được sống, đòi được làm người, đòi được hưởng hạnh phúc trên đất nước thanh bình: Yêu quê hương nước mắt lưng tròng. Người con gái ngồi mơ thanh bình... Người con gái chợt ôm tim minh. Trên da thơm vết máu loang dần... Những ca khúc Chỉ có em, Chưa mất niềm tin, Người con gái Việt Nam da vàng, Kinh Việt nam, Gia tài của Mẹ... luôn xoáy vào lòng người vết thương nhân loại, cất lên như tiếng kinh cầu nguyện cho số phận con người, nên có sức cuốn hút, tập hợp con người đứng lên chống chiến tranh rất lớn:
Không chỉ “phản chiến”, âm nhạc Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn trước ngày 30-4- 1975 còn công khai rất nhiều bài hát về nỗi khát khao thống nhất đất nước: Huế - Sài Gòn - Hà Nội quê hương ơi sao vẫn còn xa... Việt Nam ơi còn bao lâu. Những con người ngồi nhớ thương nhau... Ngày mai đây những con đường Nam-Bắc nở hoa... Ngày vui lớn sẽ qua trăm cầu... Mẹ dâng miếng cau mẹ dâng ngọn trầu... (Huế - Sài Gòn - Hà Nội). Trịnh Công Sơn đã cùng bè bạn hát vang ở Sài Gòn ca khúc Nối vòng tay lớn loan tin thống nhất đất nước đến mỗi gia đình!
Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên
Chợt nghĩ quê hương, nghĩ lại mình
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim...
Nhiều năm sau chiến tranh, Trịnh Công Sơn vẫn ám ảnh về nỗi đau chiến tranh và khát vọng hòa bình. Ca khúc Huyền thoại mẹ là một trong những bài hát hay nhất mẹ anh hùng trong cuộc chiến đấu, hy sinh của dân tộc ta vì hòa bình và thống nhất đất nước. Anh Trịnh Công Sơn kể với chúng tôi trong một cuộc rượu ở Huế rằng: “Dạo mình ra Quảng Bình, được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn, rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, rồi tôi nghĩ đến mẹ của mình, viết thành bài hát...” Trịnh Công Sơn viết về mùa thu Hà Nội  hay da diết: Hà Nội mùa thu / cây cơm nguội vàng / Cây bàng lá đỏ / nằm kề bên nhau / phố xưa nhà cổ/ mái ngói thâm rêu... là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội; anh viết nhạc cho thiếu nhi Em sẽ là mùa Xuân của mẹ... cũng được trẻ em cả nước hát mấy chục năm nay
Anh Nguyễn Văn Hóa, Giám đốc Xí nghiệp in Chuyên dùng ở Huế là người rất say mê Trịnh Công Sơn. Trong phòng giám đốc của anh treo một bức ảnh phóng to chụp bức tranh họa sĩ Bửu Chỉ vẽ khuôn mặt Trịnh Công Sơn trong cây đàn ghi ta rất ấn tượng. Đến nỗi khi đến mừng nhà mới của tôi, anh cũng mang bức hình phóng to chụp tranh của hoạ sĩ Bửu Chỉ vẽ Trịnh đóng khung sang trọng tặng vợ chồng tôi. Trong chuyến tôi theo xe anh Hóa lên Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường đang chữa bệnh ở đấy, dọc đường tôi nghe anh Hóa ngâm những đoạn ca từ của Trịnh, như ngâm thơ vậy. Vâng, ca từ trong nhạc Trịnh Công Sơn là những áng thơ tuyệt tác. Đó là nhận xét của rất nhiều người. Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến gọi ca từ của bài hát  Đêm thấy ta là thác đổ của Trịnh Công Sơn là một trong những bài thơ tình hay nhất của thế kỷ 20. Bởi thế nên nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo sau khi anh Sơn mất đã biên soạn một tập sách dày hơn 600 trang Trịnh Công Sơn - Một người thơ ca, một cõi đi về  (sau tái bản đổi thành Một cõi Trịnh Công Sơn), đã chọn in riêng trên 60 ca từ của Trịnh, in thành những bài thơ.
Sau này tôi thường lui tới căn hộ chung cư của Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đường Nguyễn Trường Tộ, bên bờ An Cựu, gần nhà thờ Phú Cam. Đây chính là căn nhà Trịnh Công Sơn đã ở trong một thời gian dài. Khi chuyển vào sống ở Sài Gòn, anh Sơn đã đề nghị chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên sang tên ngôi nhà cho vợ chồng Tường - Dạ. Ngôi nhà giờ đây trở thành Gác Trịnh, là nơi triển lãm, sinh hoạt âm nhạc của thanh niên trí thức Huế. Đứng bên ban công dưới hàng long não, nhìn ra bờ sông, nhìn qua Thánh đường Phú Cam trong chiều sương tím Huế, nghe âm hưởng của cây lá, của gió, của sông của bước chân con gái đi bộ qua đường... Hoặc đi bộ dọc sông An Cựu qua cầu Bến Ngự lên chùa Phổ Quang, nơi Trịnh Công Sơn gửi pháp danh của mình nghe dế kêu trong cỏ, gió rì rào trong lá, tôi nhận ra đây chính là giai điệu Trịnh Công Sơn! Trịnh Công Sơn đã viết hàng trăm ca khúc ở căn phòng này. Lần ra Huế dự “ Đêm nhạc Trịnh Công Sơn quyên góp tiền giúp trẻ em nghèo học giỏi”, anh Sơn nâng cùng anh em chén rượu Chuồn, tâm sự: “Trong lời bài hát của mình không có một từ nào về các địa danh của Huế, nhưng toàn bộ âm nhạc của mình chính là Huế đấy, Huế của kiếp người...”. Vâng, trên 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn để lại là một phần của Di sản văn hóa Huế, tồn tại mãi với thời gian...
Ngô Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Return to top