ClockThứ Hai, 15/03/2021 08:28

Nhớ tuổi thơ trong chiến tranh

TTH - Khác với nhà thơ Thanh Tịnh đi học được mẹ cầm tay đi trên con đường làng dài và hẹp, anh em tôi theo mẹ đi học trên đường sơ tán tránh máy địch thả bom. Mẹ tôi là mậu dịch viên cửa hàng bách hóa, khoảng năm 1967-1968, được cử đi học nghiệp vụ tại Nghi Lộc (Nghệ An), cách nhà chừng 50km.

Mẹ gánh tay nải quần áo, các vật dụng cần thiết, anh em tôi lon ton lúc chạy, khi đi. Thương con, thấy ai đi xe đạp, mẹ vẫy xin cho con ngồi một đoạn và lần đầu được ngồi xe tôi sướng mê. Tối đến, mẹ con ôm nhau ngủ trên chiếc chõng của quán nước bên đường. Sáng ra, mỗi người một chiếc bánh chưng nho nhỏ mua ở quán, rồi lại đi tiếp.

Mẹ lên lớp, anh trai học lớp vỡ lòng, tôi bám theo. Ngỡ tôi cũng là “học sinh chính chủ”, cô giáo bảo tôi đánh vần, tôi đực mặt ra. Về nhà, tôi khóc, mách mẹ: "Con đã biết chữ mô ra chữ mô mà cô bắt con đọc?".

Nhớ nhất là hôm hai anh em đến bếp ăn tập thể (còn gọi là tập đoàn) lấy cơm trưa. Do giành nhau nên hai anh em làm đổ cả cặp lồng. Sợ quá chúng tôi ù té chạy...

Học xong, mẹ được phân công công tác chỗ mới, anh em tôi lại đồng hành. Tôi bước vào ngưỡng cửa “đại học chữ to” như ba tôi hay gọi lớp vỡ lòng để trêu tôi. Gia đình tôi ba mẹ đều đi làm Nhà nước, anh em tôi chỉ ăn học, làm việc nhà, còn các bạn trong xóm, ngoài học ra còn làm bao nhiêu việc, từ chăn trâu, cắt cỏ, làm ruộng, đi củi, tát cá... Anh tôi thường đi cùng các bạn, tôi bé nên thui thủi xó nhà. Kinh hãi nhất giai đoạn này là bị đánh thức ban đêm khi nghe tiếng máy bay ì ầm hầu như hàng ngày, cảm giác ngái ngủ không sao tả được. Đôi lần muốn ngủ quá, tôi nằm ì ra, thế là mẹ tôi phải bồng, phải vác xuống hầm. Khi đó, nghe trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài thơ có câu “chúng rất thèm được ngủ”, tôi đâu biết họ đang nói về thân phận trẻ em trong chiến tranh.

  Nhà tôi chuyển đến gần chỗ mẹ làm việc. Mỹ tiếp tục đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Anh em tôi quen dần với bom đạn, có thể phân biệt khi nào máy bay sắp cắt bom, loại nào là máy bay trinh sát.

Một hôm, vừa cơm trưa xong, mẹ tôi xách quần áo đi giặt cách nhà độ cây số, anh em tôi đang giỡn trước sân thì nghe tiếng máy bay gầm rít nên giục nhau xuống hầm. Hàng loạt tiếng nổ đinh tai, bỗng nghe tiếng “bịch” rất gần. Kẻng báo yên vang lên, anh em chạy vội ra... Chao ôi, tiếng “bịch” lúc nãy là quả bom chưa nổ sát sau nhà tôi và Trạm kiểm lâm. Mẹ tôi hớt hải chạy về, thấy con không sao thì đi vòng quanh xóm, khi về buồn rầu bảo: Cả nhà bác Toàn trúng bom, chết gần hết, chỉ còn anh H. bị thương gãy chân đang cấp cứu.

Vợ chồng bác Toàn quê Quảng Trị. Bác trai tôi không nhớ là kiến trúc sư hay kỹ sư xây dựng, được đi Liên Xô học tập, tham quan để về tham gia xây lăng Bác, có 3 người con, chị đầu khi đó đi học xa.

Tết hàng năm, mẹ con tôi thường đến nhà bác chúc tết, được ăn dưa món, hành muối hưởng phong vị tết miền Nam. Trời xui đất khiến thế nào chị gái con đầu hai bác lại làm dâu họ tôi, hiện sống tại Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh). Sau trận bom, xóm làng tan hoang, bộ đội, dân quân và người lớn hối hả xử lý, dọn dẹp ngổn ngang.

Lại chuyển nhà, gia đình tôi về lại chốn cũ, khang trang hơn, đông bạn bè hơn và tôi cũng dạn dĩ hơn. Tết Quý Sửu (1973), ba tôi chở tôi đi thăm bạn bè, người thân. Khi về đến gần nhà, nghe đài của hàng xóm phát thông báo Hiệp định Paris đã được ký kết. Ba tôi mừng rỡ: "Rứa là bữa ni hết máy bay rồi hí". Hèn chi mấy bữa nay tôi thấy yên ắng lạ, đi đứng thoải mái, nhà nào cũng treo cờ, ra đường không thấy nơm nớp.

Đầu năm 1975, tin chiến thắng dồn dập. Nhà tôi có đài nên ngày nào cũng mở nghe thời sự. Ba tôi gửi bản đồ đánh dấu các mũi tiến công, các tỉnh, thành được giải phóng cho tiện theo dõi, qua đó tưởng tượng nơi anh tôi là lính phòng không trên đường hành quân vào Nam đã qua, sẽ đến. Chiến thắng Phước Long, chiến dịch Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng...làm nức lòng mọi người.

Trưa 30/4/1975, trời nắng đẹp, tôi ở nhà nghe đài, mẹ nấu cơm dưới bếp thì giọng phát thanh viên vang vang: "Quân ta đã vào Dinh Độc Lập, Cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh". Mẹ tôi reo lên: "Giải phóng rồi, giải phóng rồi". Nước mắt mẹ giàn giụa, trong tay vẫn cầm chiếc môi (vá) nêm canh.

Độ hơn tuần, mẹ tôi cùng người bà con sống ở Vinh vượt đường, vượt sông Bến Hải về quê...

Hà Xuân Huỳnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên

Với nhiều mô hình thiết thực và cách làm hiệu quả, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã lan tỏa những giá trị, nét đẹp của sách và văn hóa đọc đến với các bạn đoàn viên, thanh niên.

Lan tỏa văn hóa đọc trong đoàn viên, thanh niên
Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang

Công tác đoàn và phong trào thanh niên trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã có bước phát triển toàn diện cả chiều rộng, lẫn chiều sâu; thực sự là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Phát huy sức trẻ trong lực lượng vũ trang
Xuân trong vườn Huế

Người ta hay nói Huế như một khu vườn xanh lá trữ tình. Khi mùa xuân đến, cả không gian vườn Huế thơm dịu dàng hương hoa thoảng bay. Bấy giờ, hoa không chỉ là hoa, hoa còn là ánh bình minh xán lạn đầu ngày, hoa ẩn trong cánh én tin xuân, hoa cưỡi trên cánh bướm khoe hương, khoe sắc, hoa cất lời hòa tiếng chim trong trẻo trên cành… Những cung bậc hoa xuân ấy, nếu tinh tế lắng nghe, sẽ nhận ra có những vang động khác nhau từ các kiểu thức vườn…

Xuân trong vườn Huế
Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản

Với sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO, 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ và hơn 10 tổ chức quốc tế đã triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu bảo tồn di sản Huế, với tổng kinh phí hơn 10 triệu USD.

Hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản
Return to top