ClockThứ Ba, 29/09/2020 06:30
KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THỊ MINH KHAI (30/9/1910-30/9/2020)

Nhớ về một mối tình cao cả

TTH - Mối tình Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai không kéo dài. Kẻ thù đã không cho họ điều kiện để phát triển thêm nữa mối tình say đắm nhưng đầy tính chiến đấu, đầy tinh thần hy sinh.

Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai tọa lạc tại đường Quang Trung, TP. Vinh. Ảnh: tienphong.vn

Người đảng viên đầu tiên 

Nguyễn Thị Minh Khai sinh ra tại làng Vịnh Yên (TP. Vinh, Nghệ An) nên khi nhỏ còn có tên là Vịnh. Thân phụ của chị là người gốc làng Mọc, thuộc tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ông làm thư ký trong ngành đường sắt ở ga Vinh, kết hôn với mẹ của Minh Khai là con gái một nhà nho ở làng Đào, xã Đức Tùng, phủ Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Lên 9 tuổi, Minh Khai được đi học ở Trường tiểu học Vinh, 14 tuổi vào học lớp nhất Trường Cao Xuân Dục. Năm 1926, Minh Khai cùng nhiều học sinh ở Vinh tham gia truy điệu cụ Phan Chu Trinh và bắt đầu dấn bước trên con đường hoạt động yêu nước.

Năm 1927, chị được kết nạp vào Đảng Tân Việt và được phân công làm công tác vận động học sinh và phụ nữ. Cuối năm 1929, Đảng Tân Việt quyết định cải tổ thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và đã nhanh chóng hợp nhất trong Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự tổ chức kịp thời và sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Thị Minh Khai chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ mùa xuân năm 1930 lịch sử đó. Cũng trong đầu năm 1930, chị được cử sang Hương Cảng làm công tác liên lạc, trợ giúp đồng chí Nguyễn Ái Quốc.

Ở Trung Quốc, Nguyễn Thị Minh Khai hoạt động bí mật dưới tên “chị Duy”. Ngày 29/4/1931, chị bị mật thám Anh bắt. Nhà cầm quyền Anh giao chị cho chính quyền Tưởng Giới Thạch và chị đã trải qua hơn 3 năm trong các nhà tù ở Hương Cảng, Quảng Châu, Thượng Hải.

Khoảng giữa năm 1934, Nguyễn Thị Minh Khai được trả tự do. Sau một thời gian tìm cách bắt liên lạc với Đảng, chị đã gặp Lê Hồng Phong ở Thượng Hải rồi trở thành đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản sẽ họp tại Matxcơva trong năm sau. Trong phiên họp chiều 16/8/1935, Nguyễn Thị Minh Khai (với bí danh Phan Lan) đã trình bày tham luận “Vai trò của phụ nữ Đông Dương trong cuộc đấu tranh cách mạng”.

Ngày 22/8/1935, Phan Lan được đồng chí Hải An (bí danh của đồng chí Lê Hồng Phong) - khi đó đang giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng và là Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, giới thiệu là đại biểu chính thức của thanh niên cộng sản Đông Dương tham gia Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên họp tại Matxcơva tháng 10/1935. Tại Đại hội này, đại biểu Phan Lan đã có bài phát biểu “Về tình hình thanh niên Đông Dương và những nhiệm vụ trước mắt của thanh niên Cộng sản đoàn Đông Dương”.

Sau khi dự Đại hội Quốc tế Thanh niên, Nguyễn Thị Minh Khai được cử vào học Trường đại học Phương Đông và Viện Nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa. Thời gian này, Lê Hồng Phong cũng ở lại công tác và học tập tại Liên Xô. Quá trình gặp gỡ và gần gũi giữa Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai - hai người đồng hương, hai người đồng chí, chung một lý tưởng trên con đường hoạt động cách mạng đã nảy nở một tình yêu. Họ đã kịp làm đám cưới. Những ngày tháng ở Matxcơva những năm 1935 - 1936 là những ngày đẹp đẽ và tràn đầy hạnh phúc của Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai.

Hoàn thành những nhiệm vụ Đảng trao

Tháng 2/1937, Nguyễn Thị Minh Khai rời Matxcơva về tới Sài Gòn. Chị được phân công lãnh đạo phong trào cách mạng vùng Chợ Lớn, Gia Định. Tháng 11/1937, đồng chí Lê Hồng Phong cũng về Sài Gòn trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh. Mặc dù cùng hoạt động trên một địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn, không xa cách nhiều về không gian song những điều kiện ngặt nghèo của cuộc đấu tranh không cho phép Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai dễ dàng gặp nhau.

Để che mắt kẻ thù, đồng chí Lê Hồng Phong phải cải danh, sử dụng căn cước giả, thường xuyên thay đổi chỗ ở và phương thức liên lạc. Nguyễn Thị Minh Khai cũng bươn chải khắp vùng Sài Gòn - Gia Định. Hình ảnh thân thương của “cô Năm bắc” và “vợ chồng cô Năm” vẫn còn đọng trong ký ức của nhiều cơ sở cách mạng vùng mười tám thôn vườn trầu, Hóc Môn, Bà Điểm.

Công việc càng nhiều hơn khi từ đầu năm 1939, Nguyễn Thị Minh Khai được cử làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngoài trách nhiệm hoàn thành những nhiệm vụ Đảng trao, Nguyễn Thị Minh Khai còn làm vợ, làm mẹ một cách vẹn tròn.

Đầu năm 1939, Nguyễn Thị Minh Khai sinh con gái Lê Nguyễn Hồng Minh. Sau đó ít lâu, ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt, bị kết án 6 tháng tù và trục xuất về quê. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương lập tức chuyển sang thi hành chính sách khủng bố những người cộng sản. Ngày 20/1/1940, Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm khổ sai và đày đi Côn Đảo.

Ngày 30/7/1940, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt. Chính quyền thực dân ở Đông Dương ghép chị phải chịu trách nhiệm về khởi nghĩa Nam kỳ (tháng 11/1940) và tuyên án tử hình. Ngày 28/8/1941, Nguyễn Thị Minh Khai hiên ngang bước ra pháp trường và đi vào cõi bất tử cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và Xứ ủy Nam kỳ: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Tạ Uyên... Người chồng thân yêu của chị không biết được tin này vì anh đã bị đày ra Côn Đảo. Ngày 6/9/1942, đồng chí qua đời do bệnh lao quá nặng, do sự đày đọa dã man của kẻ thù. Lê Nguyễn Hồng Minh lớn lên trong tình cảm yêu thương đùm bọc chở che của bà con cơ sở cách mạng.

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng là chia sẻ của ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh với Báo Thừa Thiên Huế.

Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng
Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
Return to top