ClockThứ Bảy, 17/08/2013 16:16

Nhớ về một mùa thu cách mạng

TTH - Tôi tựa trên lan can cầu Trường Tiền nhìn về phía thượng nguồn. Hàng phượng bên dòng Hương hôm nào rực rỡ thắp lửa giờ đang trở màu xanh lá. Bầu trời dịu dần và bắt đầu có những cơn mưa nhè nhẹ. Lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ngạo nghễ tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu. Tôi cứ thế mãi nhìn và như chìm sâu vào dòng thời gian của mùa thu cách đây 68 năm, Huế đứng lên làm cuộc cách mạng long trời lở đất.

Cách đây 5 năm tôi đến Tân Trào và đặt tay lên viên đá lớn trước đình Tân Trào. Viên đá mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đứng bên đó đọc lời kêu gọi toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, trước Quốc dân đại hội: “... Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Từ căn cứ địa cách mạng, lời kêu gọi của Người nhanh chóng lan truyền. Huế - kinh đô của chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, nơi bộ máy chỉ huy quân đội Pháp và Nhật đồn trú cũng bắt đầu dậy sóng... 

Những người lính Trung đoàn Trần Cao Vân, đội quân vũ trang cách mạng được thành lập sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân trong ngày gặp mặt

Con đường 23/8, trở nên rất đỗi quen thuộc với tôi. Bởi nhiều năm liền tôi mỗi ngày đều đi về trên con đường này. Con đường lịch sử, nơi còn in dấu ngàn vạn bước chân của quần chúng Cách mạng tháng Tám cách đây 68 năm. Ngày ấy, lần đầu tiên trong đời, những bước chân “lấm bụi, bùn than” hiên ngang bước qua trước cửa Hoàng thành, khẳng khái vị thế của người dân làm chủ, bứt xiềng nô lệ.

Lịch sử Cách mạng tháng Tám ở Huế có thể bắt đầu từ sóng nước Tam Giang - Cầu Hai. Từ ngày 23/5 đến ngày 25/5/1945, trên đầm Cầu Hai, trong một chiếc thuyền lớn neo ở khu vực thôn Nghi Giang, xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc đã diễn ra “Hội nghị Đầm Cầu Hai”. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ toạ của đồng chí Nguyễn Sơn - Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời, cùng các đồng chí: Hoàng Tiến, Trần Thanh Từ, Nguyễn Dĩnh, Lê Tự Đồng, Hoàng Anh, Lê Minh, Lê Hải, Đặng Do... Hội nghị đi đến Nghị quyết: Chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa!

Không chỉ mỗi làng quê, con đường, góc phố, hàng cây trường tồn với thời gian, mà ngay cả những “cây cao bóng cả” khi thức lại mùa thu cách mạng năm 1945, hết thảy như được trở về với một miền ký ức trẻ trai. Trong chuyến công tác tại Hà Nội, tôi đã có dịp cùng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đến thăm cụ Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, tuy lúc đó, cụ đã 100 tuổi cận kề, nhưng khi nhớ Huế, cụ Hoàng Anh vẫn cứ thao thức lắm lắm “quê hương và cách mạng” (tên cuốn hồi ký của cụ). Cụ xúc động kể: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế lúc bấy giờ là nhiệm vụ đầy cam go. Lúc ấy, bên cạnh chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim, Huế là nơi đồn trú của quân đội Nhật có tới năm nghìn sĩ quan và binh sĩ do cố vấn Yo-kô-ha-ma chỉ huy, chưa kể hàng chục nghìn lính khố xanh, khố vàng, khố đỏ... của triều đình nhà Nguyễn. Thắng lợi ở Thừa Thiên Huế có ý nghĩa và tầm quan trọng sâu sắc đối với cả nước. Chiều 20/8, Thường vụ Việt Minh tỉnh họp mở rộng để bàn kế hoạch khởi nghĩa ngày 23/8. Hai đoàn cán bộ chúng tôi cử ra Trung ương xin chỉ thị vẫn chưa về. Đúng lúc cuộc họp kết thúc thì đoàn cán bộ của Trung ương gồm các đồng chí: Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, và Hồ Tùng Mậu vào Huế chỉ đạo khởi nghĩa. Đó là sự tiếp sức rất kịp thời cho Huế. Đồng chí Tố Hữu người trực tiếp chỉ đạo tổng khởi nghĩa, người con xứ Huế đã không giấu nổi xúc động lúc đó:

“Tháng Tám vùng lên Huế của ta

Quảng, Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà

Phú Vang, Phú Lộc đò lên Huế

Đỏ ngập lòng sông, rộn tiếng ca”

Trong câu chuyện về Cách mạng tháng Tám ở Huế, có một điều khá đặc biệt thú vị. Đó là chuyện của một số thanh niên trí thức, con em của các quí tộc, quan lại, đại thần triều Nguyễn tích cực tham gia cách mạng tổng khởi nghĩa từ những ngày đầu. Tôn Thất Hoàng là con của Thượng thư Tôn Thất Quảng; Đặng Văn Việt, con cụ Đặng Văn Hướng, Tổng đốc Nghệ An, từng ba lần giữ chức Thượng thư; Võ Sum con quan Án sát Võ Chuẩn; Lê Thiệu Huy con trai cụ Lê Thước, giải nguyên Hán học; Hoàng Xuân Bình, em ruột giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Thế Lương là con của một nhà thầu khoán... Họ là những học viên của Trường Thanh niên Tiền tuyến, do Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng và ông Tạ Quang Bửu làm “Đặc vụ ủy viên” Bộ Thanh niên, Chính phủ Trần Trọng Kim sáng lập. Câu chuyện là thế này: Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), ngày 17/4/1945, Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim được thành lập, với nội các gồm 10 bộ; trong đó có Bộ Thanh niên. Xuất thân là hai nhà trí thức yêu nước, Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu đã xúc tiến thành lập một lớp đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự cho đất nước. Để che mắt quân đội Nhật và chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, trường không lấy tên quân sự mà chỉ đơn thuần là Trường Thanh niên Tiền tuyến. Ngày 16/6/1945, Chính phủ Trần Trọng Kim ra Sắc lệnh số 15 thành lập Trường với 4 giáo viên và 43 học viên. Luật sư Phan Anh đã mời ông Phan Tử Lăng làm Hiệu trưởng. Ông Phan Tử Lăng là một trí thức yêu nước lúc bấy giờ, là Chỉ huy trưởng Bảo an binh, có trách nhiệm giữ gìn trật tự an ninh cho Cố đô Huế. 43 học viên xin được tuyển vào trường đều qua sự lựa chọn cẩn thận của hai nhà sáng lập trường là Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu. Trường học là một ngôi nhà ngói cũ của một trại lính hộ thành xưa trước cửa Quảng Đức. Chương trình đào tạo của trường ngoài sử dụng vũ khí, kỹ thuật, chiến thuật cá nhân, chỉ huy cấp phân đội, đại đội… Luật sư Phan Anh và Giáo sư Tạ Quang Bửu còn dịch Binh pháp Tôn Tử đưa vào chương trình giảng dạy. Đây là cơ sở nhằm đào tạo nên những cán bộ quân sự cao cấp sau này cho đất nước. Tuy bề ngoài là trường của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng bên trong là nơi đào tạo các cán bộ quân sự để phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng ta. Học viên của trường đã đóng góp tích cực ngay từ phút mở màn của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền Cách mạng ở Thừa Thiên Huế, như: treo cờ đỏ sao vàng trên Kỳ đài Huế ngày 22/8/1945; tổ chức bảo vệ trật tự cuộc mít tinh chào mừng khởi nghĩa thắng lợi, ra mắt UBND Cách mạng Trung bộ và UBND Cách mạng Thừa Thiên Huế, lễ thoái vị của vua Bảo Đại; trước vũ khí các lực lượng vũ trang của chính quyền cũ, bắt giữ một số đối tượng nguy hiểm có âm mưu phá hoại cách mạng. Nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, thành lập 25 trung đội Giải phóng Quân đầu tiên của Thừa Thiên Huế, các học viên trường Thanh niên Tiền tuyến đều được phân công làm cán bộ cốt cán. Hai ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu là người tổ chức chỉ đạo học sinh, hướng họ về với cách mạng, đã trở thành hai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước ta. Còn các học viên đã có 8 người mang quân hàm cấp tướng, 10 người mang hàm đại tá và các học hàm khác giảng dạy trong các trường quân sự của nước ta sau này, như: Trung tướng Cao Văn Khánh - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), Tư lệnh Bộ đội tăng - thiết giáp; thiếu tướng Cao Pha - Phó Tư lệnh Bộ đội đặc công; các thiếu tướng Mai Xuân Tần - Đại đoàn trưởng Đại đoàn quân Tiên Phong, Võ Quang Hồ - Cục Phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN, Đoàn Huyên - Tư Lệnh Bộ đội Phòng không, Phan Hàm - Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Đào Hữu Liêu - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế Bộ Quốc phòng. Cùng nhiều Đại tá nổi tiếng như: Phan Tử Lăng - Cục trưởng cục Quân Chính, Đặng Việt Châu - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 được mệnh danh là “Con hùm xám đường số 4”…

Từ đường 23/8, tôi trở ra ngoài Thành nội bằng cửa Quảng Đức, bên phải là văn phòng của Trung tâm công viên cây xanh thành phố Huế. Nơi đây mọi người mải miết công việc ươm mầm cho thành phố cây xanh, nhưng cũng là nơi từng ươm mầm một thế hệ các tướng lĩnh cách mạng. Họ đã thành danh bắt nguồn từ mùa thu cách mạng năm 1945.

Bài và ảnh: Tâm Hành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Đưa di sản đến gần hơn với công chúng

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế thực hiện nhiều chương trình nhằm đưa giá trị của Quần thể di tích Huế đến gần hơn với công chúng bằng các hình thức khác nhau.

Đưa di sản đến gần hơn với công chúng
Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Return to top