ClockThứ Ba, 03/01/2012 06:09

Nhớ về tình đồng chí một thời

TTH - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, Đảng ta do nhiều người mà họp thành, những người trong Đảng có thể có cá tính khác nhau nhưng là những người cùng chung mục đích phấn đấu “làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” cùng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt. Ngoài tình cảm đồng loại, ngoài tình cảm của người chung một nước, một địa phương, một dòng họ…, người đảng viên còn có tình cảm thiêng liêng là tình đồng chí. Trước lúc đi xa, Bác có lời nhắn nhủ toàn Đảng trong di chúc: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Tình đồng chí thiêng liêng, thương yêu lẫn nhau ở chiến trường Thừa Thiên sâu đậm, phong phú, chúng tôi ghi lại một số kỷ niệm, góp phần chuyển tiếp tình đồng chí trong sáng, đẹp đẽ trong giai đoạn mới:

Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí chung câu quân hành

(Tố Hữu)

Khúc quân hành xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vang lên, vẫy gọi từ Nghị quyết Đại hội 11 Đảng Cộng sản Việt Nam.

***

Đồng chí Hoàng Công Phẩm kể: “Tháng 10-1950, sau cưới vợ một ngày, tôi được lệnh đưa đại đội đi phục kích đánh giao thông trên Quốc lộ I, đoạn km 25 Huế- Đồng Lâm Thượng. Khi bố trí chiến đấu, đồng chí Thắng là đại đội phó bảo: Hôm nay anh đi với trung đội trợ chiến để tôi đi với trung đội xung kích (vì theo điều lệ chiến đấu, đại đội trưởng phải đi với trung đội xung kích), tôi hỏi lại vì sao? Đồng chí Thắng nói: trong đại đội ta, muốn bố trí thế nào là tuỳ, ai biết đâu trong công tác mà nói! Anh mới cưới vợ hôm qua, nếu chết có người khóc, tôi chưa có ai khóc, cứ làm vậy cho tôi”.

Gặp mặt đồng đội một thời.

Năm 1997, vợ chồng đồng chí Vũ Thắng đến điếu tang vợ đồng chí Hoàng Công Phẩm, đồng chí Phẩm nhắc lại tình đồng chí trong chiến đấu với tính chất cám ơn, đồng chí Vũ Thắng cũng bùi ngùi.
 
Vì tình đồng chí mà nhiều đảng viên đã nguyện hy sinh lợi ích cá nhân cho Đảng, sẵn sàng đem tính mạng của mình bảo vệ, che chở cho đồng chí mình.
 
Đồng chí Phạm Thị Bích (mẹ Phép) 60 tuổi, ở thôn Viễn Trình, đảng viên chi bộ Phú Đa đã lấy thân mình che làn đạn pháo địch cho đồng chí Lê Chường, Tiểu đoàn trưởng K4. Đồng chí Chường cảm động nói:
 
- Mẹ nằm xuống sát đất đi, kẻo trúng pháo!
 
Mẹ Phép nói: Tôi già rồi, đồng chí phải sống để chỉ huy anh em chiến đấu cho Đảng, cho nhân dân.
 
Trong một trận máy bay bắn phá ác liệt ở giáp ranh Hương Thuỷ, đồng chí đảng viên Cu Tin, dân tộc Pa Hy, cán bộ kinh tế của Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế đã lấy thân mình che cho đồng chí Dương Thị Nhớ cùng cơ quan. Đồng chí Nhớ bị thương. Đồng chí Cu Tin hy sinh. Trước lúc tắt thở chỉ kịp nói: “Trình ơi, ta chết đã hí, gửi lời thăm anh em”. Sự hy sinh cao cả, giản dị của một đảng viên người dân tộc được ghi nhớ, quý trọng.
 
Những năm tháng Mỹ Diệm tiến hành các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” khốc liệt, địch bắt bớ, tra tấn dã man nhiều đảng viên, bắt cả đảng viên nhảy vào lửa tự thiêu để hòng khuất phục tinh thần đảng viên, nhân dân. Đồng chí Trần Ấm, đảng viên xã Lộc Sơn (Phú Lộc) hiên ngang nhảy vào lửa và vạch mặt bọn chúng
 
Miệng anh vẫn một lời / Cộng sản cũng là người / Cộng sản không da đồng / Cộng sản không xương sắt / Nhưng cộng sản sẵn sàng / Chết cho nước không mất / Chết cho đồng bào còn / Chết cho cháu cho con…
 
Thơ Thanh Hải
 
Đó là tấm gương sáng chói góp phần củng cố lòng tin của đồng chí, đồng bào trong thời điểm lịch sử gian nguy nhất.
 
Những cán bộ, đảng viên nằm vùng từ buổi đầu chống Mỹ, vô cùng gian nan, vất vả, phải sống trong cảnh “đi không dấu, nấu không khói, nói không lời” tình đồng chí sâu nặng keo sơn để vượt qua hoàn cảnh éo le, nguy hiểm:
 
Ơi những ngày xưa giặc vây giặc quét / Chạy giạt ra rừng không một nắm cơm / Bẻ lá làm chăn đắp cơn sốt rét / Dựa lưng nhau ngồi đội trận mưa giông
 
Hoặc
 
Bấm đốt ngón tay tính từng cơ sở
 
Luồn giữa vòng vây dựng lại phong trào
 
Tình đồng chí, đồng đội thể hiện cụ thể sinh động ở các tổ chức Đảng ở rừng núi, đồng bằng, thành phố trong chiến đấu, công tác, sinh hoạt, và cuộc sống không sao kể xiết là nguồn lực lớn lao cho công tác xây dựng Đảng, thực hiện nhiệm vụ trọng đại của cơ sở trong các giai đoạn cách mạng.
 
Giờ đây, những cựu chiến binh, cán bộ hưu trí trong cuộc sống “vui khoẻ, có ích” tuổi già, phấn lớn kỷ niệm xưa dội về là tình đồng chí, đồng đội, một thời che chở đùm bọc, xây dựng cho nhau cùng tiến bộ, an toàn vì mục đích chung. Họ tìm cách thăm nhau, đến với nhau ngày hội truyền thống ôn chuyện cũ, nhắc người đã khuất, ôm chặt nhau nước mắt lưng tròng. Băn khoăn thời thế, nhưng vững lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó ngày càng tổ chức thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” trong sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” .
 
Ngô Kha
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
Return to top