ClockThứ Năm, 06/10/2011 14:29

Nhớ xi-nê Huế

TTH - Thời tôi còn nhỏ, cách nay cũng ngót nghét 40 năm, người ta gọi rạp chiếu phim là rạp xi-nê, còn xem phim là xem xi-nê. Cách gọi thẳng tiếng Tây trong bối cảnh dân trí còn rất kém phát triển, không giải thích chi nhiều, khiến cho người ta có một cảm giác lạ, tân thời. Sự đời càng lạ càng thích, càng ít càng thèm.

Tính từ khi rạp xi-nê đầu tiên ở Việt Nam ra đời vào ngày 20-8-1920, rạp Pathé tại Hà Nội, cho đến năm 1927, cả nước Việt Nam có 33 rạp thì riêng Huế có 2 rạp, tương đương với số rạp ở Hải Phòng, ít hơn Hà Nội (có 4 rạp) và Sài Gòn- Chợ Lớn (có 8 rạp). Điều này có nghĩa, một thời Huế là một trung tâm xi-nê của quốc gia. Còn khi tôi biết xem xi-nê, những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ trước, ở Huế thấy có 4 rạp chính, tất cả đều ở phía bờ bắc sông Hương, lần lượt là Hưng Đạo, Tân Tân (nay đổi thành Đông Ba), Châu Tinh và Hoàn Mỹ. Ngay cả cách gọi tên rạp cũng gợi được sự tò mò, hấp dẫn. Chẳng hạn, Tân Tân có nghĩa luôn luôn mới lạ hay Châu Tinh là sao sáng hàng tuần. Nghe kể trước đó, ở Huế còn có một số rạp nữa, ví như rạp Morin ở phía nam cầu Trường Tiền hay rạp Lửa Hồng trong Thành Nội. Sau ngày giải phóng, ở phía bờ nam sông Hương có Nhà Văn hóa Trung tâm (nay là Trung tâm Văn hóa thông tin) và rạp Faflim ở đường Hai Bà Trưng. 

Với nhiều dân Huế, đặc biệt là dân vùng ven đô như tôi, được xem xi-nê là một dịp khó quên. Lúc còn nhỏ, vào ngày Tết, háo hức nhất là được đến rạp xi-nê. Sau này lớn lên, các hoạt động giải trí không phong phú như bây giờ, nhất là trong bối cảnh cái ti-vi còn là thứ của hiếm nên coi xi-nê vẫn là một thú vui tiêu khiển. Một thời gian dài hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động tại các làng xã cũng đem lại những thú vị riêng. Vậy nhưng, vào rạp xi-nê xem phim vẫn có những cảm giác lạ. Thời điểm mới giải phóng gặp bận có phim hay, cỡ như Mối tình đầu hay như sau đó là Thầy lang, rạp Tân Tân mở hết công suất, ngày chiếu đến 7 suất mà khách vẫn cứ nườm nượp. Và tôi, đã xem đi xem lại mấy lần vẫn không thấy chán. Bạn bè gặp nhau, cả những bạn gái mà mình có cảm tình, mời nhau chiếc vé xem xi-nê, rẻ thôi, nhưng mà có được cả một buổi chiều hay buổi tối thật vui và ý nghĩa.
Dễ chừng cũng hàng chục năm rồi, xi-nê Huế đã là kỷ niệm. Rạp vắng bóng khán giả. Mà sự đời, cũng như gánh bún rong buổi sáng, càng ế lại càng dở. Các rạp xi-nê không có điều kiện đầu tư nên phòng ốc ẩm mốc, ghế ngồi xập xệ. Người ta tranh thủ cho thuê thêm các dịch vụ để cải thiện và bù lỗ nên không gian văn hóa xi-nê cần có bị thu hẹp lại. Trong số 4 rạp chiếu bóng nổi tiếng ở phía bắc sông Hương, chỉ còn có rạp Đông Ba họat động cầm chừng, rạp Châu Tinh bên kia cầu Gia Hội đã trở thành điểm dịch vụ đám cưới. Còn rạp Hoàn Mỹ lâu rồi là ngôi nhà hoang. Cũng dễ hiểu thôi, trong bối cảnh bùng nổ văn hóa, bao nhiêu loại hình giải trí xuất hiện phong phú, đa dạng và nhiều lợi thế khiến cho xi-nê trở nên lỗi thời, mất phương hướng họat động. Vậy nhưng xác xơ như xi-nê Huế thì thật là đáng buồn. 
Dịp hè rồi, thằng con trai tôi nghe đồn ở Đà Nẵng có rạp chiếu phim 3D, cứ nằng nặc đòi cho đi xem. Vậy là cả một buổi sáng chủ nhật, cả nhà kéo nhau về bến xe An Cựu, mua vé xe khách đi Đà Nẵng xem phim ở siêu thị Big C. Một cảm giác thật vui, lâng lâng khó tả như năm nào ở quê lên Huế xem xi-nê. Cả nhà tôi cũng thực sự bất ngờ khi chứng kiến không gian sang trọng và hiện đại của phòng chiếu phim và cảnh tượng có rất đông người, cũng như cả nhà tôi, chờ chực để được xem phim mà vé đâu có hề rẻ, cả trăm nghìn đồng một chiếc.
Đầu tháng 10-2011, ở Huế tổ chức tuần lễ chiếu phim Đức. Tối khai mạc, tôi háo hức đến Trung Tâm Văn hoá thông tin. Lâu lắm rồi mới chứng kiến được cảnh tượng người đến rạp đông đến thế. Vậy nhưng, lại cũng là chuyện không vui, khi xem phim màn ảnh cở vừa trong một khán phòng rộng lớn là Trung tâm Văn hoá thông tin do không có phòng chiếu nào đảm bảo. Bình thường có thể chấp nhận, nhưng với chương trình giao lưu văn hoá, quảng bá hình ảnh mang tính quốc tế thì khiêm tốn quá.  
Bỗng nhiên, tôi ao ước giá Huế mình nay lại có được một không khí xi-nê như ngày xưa ấy. Khó khăn là chuyện hẳn nhiên nhưng cũng đã đến lúc phải biết tự làm mới, làm sang những địa chỉ văn hoá ở một thành phố văn hoá và du lịch mà rạp xi-nê kia là một điểm nhấn thú vị.
 

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top