ClockThứ Tư, 22/07/2015 16:01

Nhọc nhằn nuôi người bệnh

TTH - Có vất vả nào “so bì” với mệt nhọc của người nhà bệnh nhân ngày nối ngày “bám trụ” phía ngoài phòng bệnh nặng. Nỗi vất vả nhuộm âu lo, thấp thỏm…

Khoa Ung bướu, Khoa Tim mạch hay Khoa Cấp cứu hồi sức sau mổ (tầng 5), Khoa Hồi sức cấp cứu (tầng 6) Bệnh viện Trung ương Huế là “địa chỉ” của những bệnh nhân nặng, điều trị lâu dài. Vất vả của người nhà bệnh nhân nơi này càng “nhân” lên bội phần.

Chị Nhung (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) và mẹ vất vả “theo” người thân bệnh nặng điều trị lâu dài ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Mệt nhọc, lo âu…
Ba giờ chiều, các dãy ghế trong khu vực dành cho người nhà bệnh nhân đang được điều trị tại tầng 6 hầu như kín. Gầm ghế không đủ chỗ nên hành lý được đặt nép sát bức tường. Đồ đạc tuy sắp xếp trật tự nhưng vẫn toát lên vẻ ngổn ngang bởi những chiếc túi ám bụi đường xa, bởi những gương mặt mệt mỏi, lo âu thấp thỏm…Một phụ nữ tầm ngoài bốn mươi, nách kẹp chiếc túi du lịch đựng áo quần, tay xách lỉnh kỉnh mấy thứ thau chậu đồ dùng, lúng túng ngó quanh, ngó quất.
G.S TS, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế Bùi Đức Phú: Bệnh viện Trung ương Huế là nơi tiếp nhận rất đông bệnh nhân ngoại tỉnh, do đó người nhà đi theo để chăm sóc bệnh nhân cũng rất đông, ảnh hưởng đến môi trường bệnh viện. Về lâu dài, việc chăm sóc bệnh nhân sẽ do bệnh viện thực hiện. Người nhà chỉ được đến thăm. Tuy nhiên, hiện nay bệnh viện chưa thể thực hiện được điều này, nên cần có sự phối hợp hỗ trợ của gia đình người bệnh. Để tạo điều kiện cho sự phối hợp, bệnh viện tổ chức dặn dò, hướng dẫn về nội quy cho người nhà bệnh nhân. Hiện, bệnh viện có nhà nghỉ với giá 20 nghìn đồng/người/giường/ngày. Những trường hợp quá khó khăn, bệnh viện giúp đỡ về các sinh hoạt, hỗ trợ suất ăn (phiếu) cho gia đình bệnh nhân nghèo.
Ở huyện Nam Đông (TP Huế) về chăm chồng nằm tại tầng 6 gần cả tháng trời, nên chị Hòa (50 tuổi) đã thành “người cũ”. Chị nhanh nhảu chỉ cho người phụ nữ lớ ngớ chiếc ghế còn trống. Người mới đến đang loay hoay tìm chỗ cất đồ, chợt giật thót mình vì tiếng nhân viên bệnh viện vừa gọi một cái tên bệnh nhân qua hệ thống loa. Chị hớt hải chạy đi. “Có lẽ người thân mới chuyển lên, nên đi đóng tiền hay làm thủ tục. Khổ!”. Chị Hòa lắc đầu chép miệng.
Chị kể chồng đang khỏe mạnh bình thường, tự nhiên chân tay bị run, người yếu dần rồi rơi vào trạng thái hôn mê, được đưa vào nằm điều trị tại tầng 6 gần cả tháng rồi, nhưng bệnh chưa tiến triển, vẫn lúc mê lúc tỉnh. Hoàn cảnh khó khăn, người thân trong gia đình bận chuyện mưu sinh vừa xoay xở tiền lo thuốc men viện phí cho cuộc điều trị lâu dài, vậy nên chỉ một mình chị Hòa bám trụ ở bệnh viện, chờ chực chạy ra chạy vào thăm nom chăm sóc chồng bốn lượt mỗi ngày (vào lúc sáng sớm, giữa trưa, sẩm chiều và 9 rưỡi tối, mỗi lượt chừng 30 phút). Vuốt gương mặt hốc hác, người phụ nữ than thở, một mình “đánh vật” để vệ sinh cá nhân, lau rửa mình mẩy bất động của chồng cũng chưa vất vả bằng việc ngồi chờ chực bên ngoài. Mỗi khi nhân viên bệnh viện gọi qua hệ thống loa cất lên “người nhà bệnh nhân….”, ai nấy giật mình thon thót, lo sợ điều chẳng lành.
Phía ngoài cánh cửa Khoa Hồi sức cấp cứu sau mổ (tầng 5), thân nhân người bệnh người bó gối, kẻ ngồi bệt hay nằm vạ vật. Thấp thỏm. Một người đàn ông trung niên mặt mày râu ria lởm chởm, mệt mỏi nằm xuống sàn. Quay qua quay lại đã thấy anh cất tiếng ngáy. “Cậu đó tên Trung (37 tuổi) đưa vợ từ tỉnh Kon Tum ra Huế chữa trị bệnh thận hơn tuần nay, chiều qua mới mổ”. Chị Nhung (52 tuổi) và mẹ (73 tuổi) từ huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình vào, có người thân nằm phía sau cánh cửa im ỉm kia, kể. Chị Nhung tâm sự, đã phải bám trụ ở bệnh viện dài ngày, thân nhân người bệnh ai cũng nếm các “cung bậc” vất vả. Việc trải chiếu nằm dưới gầm giường bệnh, giữa các lối đi hay ngoài hành lang là chuyện thường ngày. Lúc bệnh nhân nằm phòng điều trị, người nhà chăm sóc có mệt nhọc, mỗi đêm có chập chờn bao nhiêu lần thì giấc ngủ vẫn “yên” hơn. Chứ bệnh nhân nặng hoặc sau mổ xẻ phải “lên” lầu 6, lầu 5 người nhà “đau tim” lắm. Vừa lúc đó, vang lên tiếng nhân viên bệnh viện qua hệ thống loa “người nhà bệnh nhân…” Một phụ nữ đang nằm co trên tấm chiếu bật dậy. Sau khi được thông báo phải đóng thêm tiền, chị lóng ngóng rút điện thoại, mặt hiện vẻ hốt hoảng. Chị gọi rất nhiều cuộc, có lẽ để vay mượn người quen, bạn bè, sau đó lập cập xuống cầu thang. Có lẽ, chị đi “chạy tiền”…
Sẻ chia
Cô gái trẻ nằm cùng “chị chạy tiền” chung tấm chiếu cũng trở dậy. Giọng cám cảnh, cô cho biết không hề quen người phụ nữ kia. Bà ngoại đang nằm phòng hồi sức nên sáng nay cô từ thị xã Hương Thủy lên đây “thay ca” cho người dì. Ngồi chờ chực bên ngoài hết sức mệt mỏi nên cô trải chiếu nằm. Chị phụ nữ đó có lẽ cũng mệt quá đến xin ngã lưng ké. Không quen nhưng cùng cảnh, chia sẻ gì được cho nhau thì làm. 
21 giờ. Càng về đêm những dáng người nằm ngồi tại khu vực chờ càng trở nên xô lệch. Chị Thận (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), ngoài năm mươi nhưng ốm o, trông già hơn chục tuổi, co cả hai chân khẳng khiu lên ghế, dáng co ro. Người phụ nữ lúc ngước về phía tầng 6, khi lại trông chừng cô em gái và đứa cháu trai nằm mê mệt trên chiếc chiếu trải dưới sàn. Chị kể, mình cũng là bệnh nhân đang điều trại tại Khoa Tim mạch. Chị nhập viện ngày trước thì hôm sau cậu em rể được Bệnh viện ở Quảng Bình chuyển vào đây. Vợ và con trai theo vào chăm sóc. Khu chờ này có dịch vụ cho người nhà thuê chỗ trọ, 20 nghìn đồng/ người/ngày. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện thuê ở. Gia đình chị cũng vậy, nên chấp nhận trải chiếu ngủ trên sàn khu vực chờ. Em rể chị Thận lúc mê lúc tỉnh, em gái “theo” chồng hơn hai tuần nay vừa mệt vừa lo cũng đổ bệnh, nên chị gắng qua phụ giúp em và cháu. “Hai mẹ con hắn tranh thủ ngủ được chút nào hay chút đó. Lát nữa đến giờ cho vào thăm, mỗi người một tay xúm vào đỡ, lật người bệnh nhân để lau rửa. Không biết đến lúc nào em rể tui mới lành bệnh. Cứ nơm nớp điều chẳng lành”. Chị chép miệng bảo, gia đình làm nghề nông, quanh năm suốt tháng quen cực nhọc, ấy vậy mà vẫn chẳng “so bì” được với nỗi vất vả chực chờ âu lo thấp thỏm thế này.
Một thanh niên chăm mẹ ốm, từ phía căng tin đi đến mời chị Thận chiếc bánh mỳ nóng. Người phụ nữ nhận sự chia sẻ với ánh mắt cảm kích: “Ở đây, đa số bà con chỉ dám mua suất cơm 10 nghìn đồng. Mỗi ngày mua mấy bữa, tiền ra chóng mặt rồi. Đã phải “màn trời chiếu đất” là ai cũng khó khăn, khổ cực như nhau, nhưng cùng cảnh nên những người khu vực này thường giúp đỡ chia sẻ với nhau khi cái này, lúc cái kia. Nhờ vậy mà thấy đỡ chông chênh, thấy ấm lòng.” Kim đồng hồ nhích dần đến 21 giờ 30 phút. Người thức gọi người ngủ. Ai nấy rục rịch chuẩn bị “khăn gói” để chăm sóc người thân bằng tất cả tình ruột thịt. Yêu thương đó nâng đỡ tinh thần để những bệnh nhân nặng vượt lên bệnh tật…
Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn

Sáng 25/4, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp công dân tại xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc. Cùng dự buổi tiếp công dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân; lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Phú Lộc và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại xã Lộc Sơn
Return to top