ClockThứ Tư, 23/11/2022 21:22

Nhóm tác giả Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh

TTH.VN - Lần đầu tiên, một cụm công trình của Trường đại học (ĐH) Y - Dược, ĐH Huế và của ĐH Huế đón nhận giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam, cũng là cụm công trình đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực Miền Trung - Tây Nguyên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Trường đại học Y - Dược trao bằng chuyên khoa cấp I cho 518 học viênTrường đại học Y Dược luôn đáp ứng nhu cầu xã hội, hội nhập quốc tếTrường ĐH Y - Dược Huế ký kết hợp tác với Trường ĐH Y khoa Harvard

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ cho GS.TS. Cao Ngọc Thành và 6 đồng tác giả của cụm công trình. Ảnh: Trường ĐHYD Huế

Tối 23/11, tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhóm tác giả cụm công trình “Tối ưu hoá công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng” của Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế đã vinh dự được đón nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cụm công trình trên bao gồm 3 nhóm các đề tài, đi sâu nghiên cứu và can thiệp, tác động đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho Nhân dân khu vực Thừa Thiên  Huế và miền Trung - Tây Nguyên, sau đó được nhân rộng ra toàn quốc.

Ba nhóm đề tài nghiên cứu gồm: Nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc và can thiệp dự phòng bệnh lý tiền sản giật - sản giật; Nghiên cứu hiện trạng và các giải pháp nhằm cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại cộng đồng và Nghiên cứu triển khai ứng dụng các phương pháp điều trị vô sinh - hiếm muộn.

Nghiên cứu và ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị vô sinh do vòi tử cung, năm 2010. Ảnh: Trường ĐHYD Huế

Theo đại diện nhóm tác giả, cụm công trình xuất phát dựa trên đặc thù của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vùng đất chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, nơi luôn hứng chịu nhiều hậu quả của thiên tai, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; với trọng tâm ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào công tác khám chữa bệnh và đào tạo - chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến y tế.

Để giải quyết mục tiêu nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến, phù hợp với điều kiện nguồn lực tại chỗ, các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản - chất lượng dân số cho Nhân dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt các kết quả nghiên cứu về tiền sản giật có những thành tựu khoa học nổi bật, tiêu biểu (thời điểm nghiên cứu từ cách đây trên 10 năm), làm thay đổi quan trọng trong nhận thức và dự phòng, điều trị bệnh lý này.

Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia đề tài độc lập cấp Nhà nước, xếp loại Xuất sắc, năm 2017. Ảnh: Trường ĐHYD Huế

Đáng chú ý, trong lĩnh vực chăm sóc tiền sản, công trình nghiên cứu về bệnh lý tiền sản giật thuộc khuôn khổ đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý tiền sản giật - sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng”, hướng đến một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ tại Việt Nam.

Nghiên cứu xây dựng được mô hình dự báo có tỷ lệ phát hiện tiền sản giật kỳ vọng từ rất sớm trong thai kỳ, đồng thời đánh giá được hiệu quả dự phòng bằng các can thiệp có tính khả thi cao trong điều kiện của Việt Nam.

Nghiên cứu là cơ sở để hình thành chiến lược sàng lọc và can thiệp dự phòng sớm, qua đó thiết lập được chế độ quản lý thai kỳ hợp lý. Kết quả nghiên cứu đã thay đổi cách thức tiếp cận quan trọng trong quản lý bệnh lý tiền sản giật hiện nay, nghiên cứu đã được triển khai áp dụng thường quy trên lâm sàng, ban đầu tại các Trung tâm sản phụ khoa khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mở rộng dần ra toàn bộ khu vực và cả nước hiện nay.

Qua đó, đã giúp hạn chế được những tác động nghiêm trọng của bệnh lý tiền sản giật – sản giật lên thai kỳ, một trong những nguyên nhân tử vong mẹ và thai hàng đầu trong nhiều thập kỷ qua.

Đề tài đã được Hội đồng Nhà nước nghiệm thu đạt xuất sắc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, Hội Sản Phụ khoa Việt Nam tham khảo để xây dựng Hướng dẫn Sàng lọc và dự phòng bệnh lý tiền sản giật, trong đó nhóm nghiên cứu phụ trách soạn thảo chính…

Quy trình sàng lọc thai phụ và tư vấn điều trị dự phòng bệnh lý tiền sản giật lần đầu tiên được nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam, năm 2012. Ảnh: Trường ĐHYD Huế

Đại diện tác giả cụm công trình cho biết, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu tập trung vào sàng lọc và đưa ra các giải pháp quản lý ung thư cổ tử cung, hiện đang là gánh nặng trong chăm sóc sức khỏe ở phụ nữ, thực hiện trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu tình hình nhiễm HPV sinh dục và tổn thương cổ tử cung của phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế và đề xuất giải pháp phòng chống”.

Kết quả nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp phòng chống nhiễm HPV sinh dục nữ và giúp triển khai ứng dụng rộng rãi phương pháp quan sát cổ tử cung sau bôi acid acetic (Visual Inspection after Acetic Acid – VIA) để sàng lọc ung thư cổ tử cung tại tất cả các tuyến của hệ thống y tế, đặc biệt là ở tuyến huyện và xã, nơi điều kiện nguồn lực còn hạn chế.

Các tác giả cụm công công trình cho biết, các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực vô sinh - nội tiết đóng vai trò quan trọng trong triển khai phương pháp điều trị mới và chuyển giao kỹ thuật cho khu vực, tiền đề cho các ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị vô sinh hiếm muộn trong khu vực hiện nay.

Cụm công trình đã có những đóng góp đặc biệt xuất sắc là tư duy mới và cách làm sáng tạo, hướng đến hiệu quả ứng dụng cao và bền vững trong điều kiện nguồn lực hạn chế, tập trung vào các lĩnh vực khó của chuyên ngành Sản Phụ khoa; đặc biệt có tác động đến những thay đổi chiến lược trong cải thiện chất lượng dân số và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho toàn dân; kết quả nghiên cứu đã có những đóng góp mới, lần đầu tiên cho ngành Sản Phụ khoa Việt Nam và dẫn tới những thay đổi đặc biệt trong nhận thức về việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về sức khỏe sinh sản, nhất là đối với các vùng Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng cũng như người dân nông thôn - miền núi của cả nước nói chung.

Khả năng ứng dụng của cụm công trình không giới hạn trong bối cảnh khu vực mà đã được ứng dụng trong phạm vi toàn quốc và mở rộng các hợp tác nghiên cứu quốc tế song phương - đa phương dựa trên nền tảng đề tài hợp tác khoa học nghị định thư với các nước trên thế giới

Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng của Nhà nước tặng những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống Nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật.

Nhóm tác giả của cụm công trình “Tối ưu hoá công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng” gồm: GS.TS.BS. Cao Ngọc Thành; GS.TS.BS. Nguyễn Vũ Quốc Huy; PGS.TS.BS. Trương Quang Vinh; PGS.TS.BS. Lê Minh Tâm; TS.BS. Võ Văn Đức; PGS.TS.BS. Hà Thị Minh Thi; TS.BS. Trần Mạnh Linh.

HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

Không phải đợi đến lúc thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị mà từ trước đó, Thừa Thiên Huế đã đặt mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN). Cơ sở để hiện thực hóa kỳ vọng này là vì Thừa Thiên Huế có đội ngũ trí thức hùng hậu, có cơ sở hạ tầng, thiết chế về khoa học công nghệ, cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Đầu tư nguồn lực và nhân lực phát triển khoa học công nghệ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top