ClockThứ Năm, 14/03/2013 21:23

Như cơn mưa trôi...

TTH - Là gì nhỉ? Tôi vẫn thường hỏi mình khi một ca khúc bắt đầu thao thiết. Không có gì là cũ, chỉ là những bài ca vẫn đang đi cùng năm tháng, nó làm ta cứ chờn vờn nhớ những ngày đã qua, những ký ức đã qua. Có khi, nó như một mảnh trăng mỏng trong một ngày xa vắng, hiền nhưng xa lắm. Có khi nó trở lại như một nụ cười, một dáng vẻ dịu dàng riêng mang. Có khi tôi lại thấy nó như một vùng cây trĩu nước khi vừa ra khỏi mùa mưa. Lúc ấy, những giọt nước ướt át và long lanh. Như cơn mưa trôi đi.

Luôn là thế, một cảm giác bồi hồi, xáo động khi vang lên bên tôi là “bâng khuâng chiều 30/tóc em xanh màu trời/đi qua vùng lá rơi/ngỡ mùa xuân đang tới...” của một chiều cỏ non gần 30 năm trở về trước. Tôi vẫn có thể mường tượng được cái cô bé gầy gò trên chiếc xe đạp cũ, trên xe lỉnh kỉnh nhiều thứ được ba má gói gém cẩn thận cho gia đình nhỏ của chị gái dùng tết. Ngày ấy tôi hình như 17 và hẳn có rất nhiều điều dễ làm mình thảng thốt. Lúc ấy, bờ cây bên đường Lê Duẩn - giờ là đường Hà Nội - xanh mộc mạc. Hai bên đường vẫn còn hàng chè tàu và nhiều dây tơ hồng leo vụng. Nó cũng vụng về như nỗi nhớ mong mơ hồ của cô bé 17 tuổi ngày đó...

Minh họa của Hương Trà

Tuổi 19 và 20. Trái tim đã biết thắc thỏm đợi chờ nhưng mọi thứ vẫn hãy còn trong veo đến rụt rè. Ấy là khi những người bạn cũ, mới đã gần lại với nhau và những ngày ngồi giảng đường, đi thư viện đã trở thành chuyện hàng ngày. Lúc ấy, café đen đá vẫn chưa hết rụt rè vì bỡ ngỡ. Những ngày ấy ở “Lộng Gió”, chủ quán thường mở Ngõ vắng xôn xao. Để khi trở về hay những khi một mình trên đường, ngang qua những ngõ vắng, lòng lại thấy gió ngơ ngác khi những cánh hoa giấy rời cành xao xác như một tiếng nói yêu thương còn cất ở tận đâu. Hay có khi, nó dội lên một thắc thỏm, một nồng nàn nơi Triệu đóa hoa hồng trong giọng hát Ái Vân.

Nhiều khi, việc bắt gặp chợt nhiên một ca khúc làm ta như gặp lại người bạn cũ lúc nào đó, cuộc vui nào đó đã hát, như một cuộc chạm trán, cho dù đó không hề là một bài hát nằm lòng. Nhưng nó làm ta nhớ lại không khí ấy và vẻ mặt của người bạn ấy khi thể hiện nó. Chẳng hạn như khi nghe “cánh hoa dầu xoay tít bay bay/ Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày/Có những chiều, chợt gió bay lên/Hoa dầu bay, cành nảy lá, đâm chồi/ Ôi tuổi thơ hồn nhiên học trò/ Hay dỗi hờn và hay ước mơ...”, tôi lại nhớ về vẻ mặt và ánh mắt trong một lúc tinh nghịch của người lớp phó cũ và cái lao xao của lớp văn trong một buổi văn nghệ. Cũng như nhớ lúc một nhóm bạn đã vác guitar đến phòng trực của trường trong một phiên trực, và một bạn trai đã hát tặng Thu quyến rũ, tất nhiên sau một lời nói thầm...

Trên những con đường ta qua, đôi khi lại gặp những giai điệu quen thuộc làm lòng ta mềm lại. Như lần nào đó, tôi nghe hồn hậu “Kẻ gỗ” là đây bao năm đợi tháng chờ/Này vùng đá bạc đồi núi lô nhô/Như dòng suối nhỏ theo sông về với biển/Bỏ đồi hoang lại trong nắng trong mưa/để người nên khổ như đất kia cằn khô...” mà thấy mình lại thắc thỏm nhớ - không phải là Kẻ Gỗ vì chưa một lần đặt chân đến - mà là những ngày lầm lụi vừa ngồi bóc lạc gia công, vừa ôn thi vào đại học trong căn hộ nhỏ ngổn ngang bụi và thấy mình lúc ấy đầy lo âu trước một kỳ thi mà tỷ lệ chọi quá cao. Những lúc ấy, loa truyền thanh trước ngõ thường phát bài hát này vào quãng giữa trưa, như một khúc chờ.

Có một bài hát thật cũ, bây giờ tôi không mấy khi được nghe nữa, trừ những lúc mọ mậy trên mạng và tìm nó trên Google. Bài Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long với những giai điệu náo nức: “Những đầm sen, những dòng sông lấp lánh trăng sao, những xóm thôn đồng xanh trải rộng, nhịp cầu tre lắt lẻo dòng kênh, in dáng hình người con gái quê tôi...”. Tôi nhớ cách mà mình mường tượng về những cô gái ấy, mũ tai bèo mạnh khỏe và mềm mại trên những cánh sông có rất nhiều hoa tím những năm tháng đã qua. Sau này, trong một lần du ngoạn trên sông Tiền, tự nhiên tôi lại nhớ đến bài hát ấy và cách mà mình đã hình dung, khi nhìn lục bình dạt dạt trôi dài trên mặt sông. Như sự trở lại của một ký ức khác.

Thường thì không gian café là nơi để nhỏ nhẹ chuyện trò, để thư giãn hoặc có khi để thả lỏng mình trong dòng chảy bộn bề, trong giăng mắc nỗi nhớ, trong một riêng tư ngậm ngùi... Thế nên, hãy xem như một cách lý giải, khi nhiều quán café thường mở tình khúc của Trịnh, hay Ngô Thụy Miên, và điều này có ở rất nhiều nơi, như Hà Nội, như Huế, như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Yên, Pleiku hay Sài Gòn.

Thì cũng như là cơn mưa thôi mà, trong Chiếc lá cuối cùng hay Riêng một góc trời, rồi ta lại quay về ngày, với nắng và với gió...

Nguyễn Sông Hương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội ngộ “Những người bạn”

Nhóm các họa sĩ đến từ nhiều nơi đã nặng lòng với Huế để rồi vẽ nên những tác phẩm về vùng đất được mệnh danh “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” như tiếng lòng kỷ niệm với xứ Cố đô.

Hội ngộ “Những người bạn”
Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top